Đầu năm cà phê tăng giá
Giá cà phê trên các thị trường đều tăng mạnh. Một cuộc điều chỉnh vốn của các quỹ đầu tư đang xảy ra tại các sàn kỳ hạn. Giá cà phê vốn đã bị o ép trong năm 2013, nay gấp rút được đền bù. Mặt khác, có tin đồn rằng vụ mùa tới không to nhưng nhiều người tưởng.
Song điều chẳng lành này chỉ xảy ra trong một ngày. Giá sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE dần dần vực lên một cách mạnh mẽ.
Trên thị trường nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên, ngay ngày mở hàng, giá chỉ còn 33.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với ngày cuối năm cũ. Thế mà, đến sáng hôm nay thứ Bảy 11-1, nhiều nơi đang chào bán khá nhộn nhịp quanh mức 35.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. “Không như những tháng cuối năm cũ khổ ải với phương án hoàn thuế VAT, ‘kiểm tra trước hoàn thuế sau’ làm doanh nghiệp không mạnh dạn giao dịch, nay mua bán đang được “khai thông lại”, đại diện của một công ty có vốn nước ngoài tại Lâm Đồng vui vẻ báo.
Trong khi đó nhiều nông dân cũng đã bắt đầu bán cà phê ra, tuy lượng bán không ào ạt như nhiều người nghĩ. “Hàng nay đã sẵn, cứ khi nào cần tiền tôi lại bán ra một ít với nhiều mức giá, 33.000 đồng cũng có, 34.500 đồng cũng xong…”, một nông dân tên Thanh có vườn tại Đinh Trang Hòa, Di Linh, Lâm Đồng nói.
Chỉ còn chừng ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, “giá tăng dần kể cũng mừng, tôi lại có thêm điều kiện sắm thêm chút hương hoa cho mấy ngày lễ…”, anh Thanh vui vẻ khi thấy giá tăng lại.
Thật vậy, sau khi giảm đột ngột 69 đô la/tấn vào ngày 2-1, giá sàn robusta London đã nhích lên dần. Đến phiên cuối tuần hôm qua thứ Sáu 10-1, giá đóng cửa kỳ hạn robusta London chốt mức 1.739 đô la Mỹ/tấn, tăng 125 đô la so với ngày mở hàng đầu năm “xúi quẩy”.
Về cấu trúc, giá sàn robusta đang ở thế nghịch đảo (inverted) vì giá tháng 3-2014 đang cao hơn giá tháng 5 đến 30 đô la/tấn. Điều này nói lên rằng thị trường đang cần hàng giao ngay và sẵn sàng trả giá cao hơn. Nếu bán giao hàng xa, người giao hàng phải chịu mức giảm 30 đô la/tấn. Đây là một điều kiện ngặt ngèo vì chi phí cho giao hàng xa thường phải cao hơn giao hàng gần.
Giá sàn kỳ hạn arabica cũng tăng mạnh trong những ngày này. Đóng cửa cuối tuần, sàn New York đạt mức 122,90 cts/lb, tăng 9,2 cts so với ngày 2-1, tương đương với 203 đô la/tấn.
Vì đâu mà tăng giá?
Giá tăng mạnh và bất ngờ trong mấy ngày qua được giải thích rằng sau từng quý và từng năm, các quỹ đầu tư thường có động tác điều hòa lại vốn và danh mục đầu tư, chỉnh tăng bằng cách kéo vốn về đặt cược mới cho những nơi giá đã bị o ép trong thời gian trước đó. Việc điều hòa này sẽ được kéo dài trong dăm ba ngày liên tục.
Tại sàn kỳ hạn Liffe NYSE, tồn kho đạt chuẩn robusta của sàn vẫn tiếp tục giảm, theo báo cáo thường kỳ ra hai tuần một lần. Tính đến hết ngày 6-1, lượng tồn kho được sàn Liffe NYSE cấp giấy chứng nhận chất lượng giảm thêm 1.820 tấn so với báo cáo trước đó, chỉ còn 28.200 tấn, giảm 73,11% so với cách đây 52 tuần; lúc bấy giờ ở mức 104.860 tấn.
Trong khi đó, tồn kho đạt chuẩn arabica Ice New York tính đến hết ngày 10-1 đang ở mức 161.560 tấn, cao gấp 5,7 lần so với tồn kho của sàn robusta. Ước có chừng 105.000 tấn arabica đạt chuẩn đang có mặt tại các kho ở châu Âu, nằm chực sẵn đấy để đợi có điều kiện là thay thế hàng robusta tại thị trường tiêu thụ rộng lớn này.
Dư luận sản lượng xoay chiều
Chỉ mới trong mấy ngày đầu năm 2014, dư luận thị trường về cung-cầu cà phê trên thế giới đã xoay chiều, nhờ vậy giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn cũng đang được hưởng lợi.
Conab, cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá sản lượng mùa vụ thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil cho rằng do giá arabica trong thời gian qua đã có lúc xuống thấp nhất trong vòng 6 năm nay, nông dân Brazil đã mất tin tưởng vào hiệu quả của cây cà phê, nhanh chóng chuyển đổi sang trồng thứ cây khác. Vì vậy theo Conab, niên vụ tới lẽ ra là vào “năm được” của chu kỳ, nay lại là “năm mất”, sản lượng cà phê của Brazil ước chỉ đạt từ mức 46,53 đến 50,15 triệu bao (60 kg x bao). Con số này không tăng nhiều so với năm 2013 trong chu kỳ “năm mất”, là năm mà cơ quan này ước có chừng 49,15 triệu bao, trong khi nhiều ước báo khác đưa con số lên 57-60 triệu bao.
Theo chu kỳ sinh học của cây cà phê arabica tại nước này, nếu năm này mất thì đến phiên năm sau được.
Cũng trong dịp này, hãng kinh doanh cà phê Volcafe có trụ sở tại Thụy Sĩ cũng cho rằng sản lượng niên vụ tới của Brazil chỉ ở mức 51 triệu bao do “hoa đậu trái ít…do trước đó cây cà phê đã cho hai năm liên tiếp được mùa”. Tuy nhiên, con số sản lượng Brazil của Volcafe niên vụ vừa thu hoạch là 57,2 triệu bao, 8 triệu bao, cao hơn ước tính của Conab.
Lâu nay, khi các sàn hàng hóa chỉ là mồi câu của các quỹ đầu cơ, các công bố về sản lượng thường chỉ được xem là “tin đồn”: khi một ai đó muốn giá tăng thì nói rằng sản lượng sẽ giảm, ngược lại cầu giá xuống họ thường nói được mùa.
Để tránh những thiệt hại do tin đồn gây ra, các nước tiêu thụ và các hãng kinh doanh lớn trên thế giới thường có bộ phận nghiên cứu sản lượng của mình, có con số thống kê nghiêm túc và hành xử theo con số do đơn vị mình tìm hiểu.
Đó âu cũng là một kinh nghiệm quý báu cho ngành cà phê nước nhà.
Theo Kinh Tế Sài Gòn