Vững vàng giữa trùng khơi

10/01/2014 18:43

(Baonghean) -Ở giữa biển khơi, phải đối mặt với sóng gió hà khắc nhưng hệ thống những Nhà giàn DK1 vẫn vững vàng, hiên ngang với cờ đỏ sao vàng phấp phới, minh chứng hào hùng cho chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Ở đó, sự vững vàng không chỉ thể hiện ở ý chí kiên cường của những người lính ngày đêm có mặt trên Nhà giàn canh giữ biển trời.

Vận chuyển hàng hóa, quà tết đến các nhà giàn DK112, DK114.
Vận chuyển hàng hóa, quà tết đến các nhà giàn DK112, DK114.

TIN LIÊN QUAN

Gần Tết Nguyên đán, những chuyến tàu thủy sắp đầy hàng hóa, quà tết, từ Vùng 2 Hải quân thẳng tiến ra các nhà giàn ngoài trùng khơi. Hoạt động này của Bộ Tư lệnh Vùng 2 không chỉ đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ mà quan trọng hơn là mang hơi ấm, tình cảm của quân - dân chính Đảng từ đất liền đến với cán bộ, chiến sỹ công tác trên nhà giàn. Sau khi tổ chức lễ xuất quân trang nghiêm, cán bộ, chiến sỹ và phóng viên, nhà báo cùng hàng hóa, quà tết được đưa lên 2 chiếc tàu quân sự, hướng ra Biển Đông thăm cán bộ, chiến sỹ trên 15 Nhà giàn. Sau hơn 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, đêm 3/1, tàu HQ-953 đưa chúng tôi đến gần Nhà giàn Phúc Nguyên - nhà giàn đầu tiên trong hệ thống DK1 đóng quân giữa trùng khơi. Tàu thả neo, chờ đến sáng. Ngay sáng sớm hôm sau (4/1), các thủy thủ tàu nhanh chóng hạ xuồng nhỏ để chở cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 2 cùng các phóng viên, nhà báo và quà tết vào Nhà giàn Phúc Nguyên. Từ nhà giàn, những cánh tay vẫy chào cùng lời hô đồng thanh to như át sóng biển “chào đất liền”,“chào đất liền”.

Do xuồng nhỏ và diện tích nhà giàn không lớn nên chỉ được phép 12 người lên. Mỗi thùng quà được bọc bao nilon cẩn thận, tránh nước biển té ướt. Khoảng cách từ tàu đến nhà giàn nhìn rất gần nhưng đi bằng xuồng nhỏ cũng phải mất chừng 20 phút. Ngay khi xuồng vừa cập chân nhà giàn, cán bộ, chiến sỹ đã có mặt đông đủ, giúp các thủy thủ giữ xuồng cho các nhà báo lên trước. Những cái bắt tay giữa những người từ đất liền ra với cán bộ, chiến sỹ nhà giàn ấm chặt như không muốn buông rời. Trung tá Nguyễn Văn Hùng- Chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên báo cáo nhanh với đoàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí khẳng định: “Những năm gần đây, nhờ được đầu tư hệ thống pin mặt trời cùng hệ thống thu phát vệ tinh nên anh em có thể xem tivi, nghe đài, nắm bắt được tình hình ở đất liền. Tư tưởng anh em vững vàng, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển trời Tổ quốc”. Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 2 tặng quà chúc tết của Bộ Quốc phòng, quân dân chính Đảng, doanh nghiệp từ đất liền cho cán bộ, chiến sỹ nhà giàn cùng với những lời dặn dò, động viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Đoàn nhanh chóng xuống xuồng, trở về tàu, tiếp tục đến các nhà giàn khác theo lịch trình.

Cách Nhà giàn Phúc Nguyên chừng 15 hải lý (1 hải lý = 1,8km) là Nhà giàn DK1/11 thuộc cụm nhà giàn Tư Chính (cụm Tư Chính có 3 nhà giàn), do ảnh hưởng đợt áp thấp bổ sung nên khi gần đến Nhà giàn DK1/11, sóng biển lớn dần, cũng chỉ có tối đa 12 người cả phóng viên, nhà báo và cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 2 được lên nhà giàn. Do sóng to, việc tiếp cận những bậc thang thẳng đứng lên nhà giàn rất khó, cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn đã dòng dây thừng xuống, kéo từng người dưới xuồng lên. Anh em cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn phấn khởi ôm chầm những người từ đất liền ra. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/11 rơm rớm nước mắt: “Mấy năm nay, năm nào gần Tết Nguyên đán cũng có đoàn từ đất liền ra thăm, tặng quà nhưng năm nay mới có các anh chị lên được nhà giàn. Những năm trước, sóng to, gió lớn, chỉ gửi quà bằng cách bọc nilon rồi néo vào dây thừng, anh em chúng tôi kéo lên. Còn những lời chúc tết của chỉ huy vùng và cán bộ, phóng viên chỉ gửi qua bộ đàm…”.

Trong số những cán bộ, chiến sỹ đang chuyển những thùng hàng, quà tết lên phòng trung tâm của nhà giàn, tôi nhận ra “đồng hương”- Thượng úy Dương Văn Bắc qua giọng nói. Anh Bắc cho biết, quê anh ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, đã 17 năm anh công tác trên các Nhà giàn DK1 và đây là tết thứ 11 anh cùng đồng đội trực tết trên nhà giàn. Điều làm cho anh cảm thấy ấm cúng hơn là trên Nhà giàn DK1/11 có tới 4 người quê ở Nghệ An. Các anh em quê ở Tân Kỳ, Nghi Lộc, Anh Sơn, tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với niềm tự hào quê hương Bác Hồ kính yêu. Đến nay, anh Bắc đã luân chuyển công tác ở 7/15 nhà giàn. Thống kê sơ bộ, trên hệ thống nhà giàn có khoảng 25 người quê hương Nghệ An đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng canh gác biển, trời Tổ quốc.

Câu chuyện với người đồng hương trên Nhà giàn DK1/11 gần như chiếm hết thời gian gần 1h30 được lên nhà giàn của phóng viên Báo Nghệ An. Trong câu chuyện kể, anh Bắc cảm động cho biết: “Trước tết năm ngoái khoảng 2 tháng, tôi đang ở nhà giàn, nhận được tin bố mất nhưng do điều kiện công tác cùng với sóng to, gió lớn, không có tàu vào nên không thể về quê lo tang cho cụ. Anh em trong đơn vị động viên, chia sẻ, mình đã nén đau thương thành hành động, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ. Trước tết này, mình được đơn vị tạo điều kiện cho về quê làm giỗ đầu cho bố. Mình vừa ra lại nhà giàn cách đây hai tuần, tiếp tục cùng với anh em hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và nhân dân tin giao… ”. Trước khi tạm biệt, anh Bắc lấy cá khô - nguồn thực phẩm dồi dào nhất trên nhà giàn biếu đồng hương. “Ở đây, bên cạnh rau xanh trồng được, thì cá dưới biển là nguồn thực phẩm chính, có những hôm đơn vị câu được mấy chục kg cá, ăn không hết, anh em phơi khô làm quà cho đất liền”- anh Bắc cho biết. Đoàn công tác trở lại tàu để đến với những nhà giàn khác. Trên con xuồng nhỏ trở về tàu, chúng tôi thấy anh Bắc và các cán bộ, chiến sỹ đứng mãi ở tầng thấp nhất của nhà giàn, vẫy tay chào như muốn gửi gắm những tâm sự, tình cảm về với đất liền…

Những nhà giàn DK1 trên biển được xây dựng cách đây 25 năm, khẳng định mốc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Hiện trên biển phía Nam có 15 nhà giàn, trong đó có những nhà giàn được củng cố nâng cấp, xây mới vững chãi, rộng rãi hơn đúng nghĩa “pháo đài thép” trên biển. Ở trên những nhà giàn này, xung quanh 4 phương, 8 hướng và phía dưới là biển cả mênh mông. Sóng gió khắc nghiệt, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1 luôn vững vàng ý chí, hàng ngày, hàng giờ căng mắt theo dõi tình hình trên biển và báo cáo ngay cho đất liền và các lực lượng chức năng để có phương án xử lý.

Tồn tại giữa biển khơi, trước sự khắc nghiệt, bào mòn của sóng, bão gió, những năm 1990, 1996, 1999 có một số nhà giàn bị đổ chìm. Trong gian khó, cán bộ, chiến sỹ nhà giàn vẫn kiên trung, bám biển, làm tròn trọng trách của người công dân, của một người chiến sỹ. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ công tác trên nhà giàn còn nhớ như in những tấm gương anh dũng hy sinh của đồng đội. Đó là Liệt sỹ Nguyễn Hữu Quảng - Thượng úy, Phó chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi nhà giàn bị đổ, cả đơn vị bơi nhiều ngày trên biển; Sóng to, gió lớn, anh đã dành chiếc phao cứu sinh và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sỹ yếu nhất và anh đã anh dũng hy sinh trên biển trong sự tiếc thương vô hạn của đồng đội vào ngày 5/12/1990; Đó là hành động cao đẹp của Liệt sỹ- Đại úy Nguyễn Văn An ở Nhà giàn 2A/DK1/6 Phúc Nguyên; Vào năm 1998, cơn bão số 8 đã ập vào, đồng chí ở lại cuối cùng thu tài liệu và cờ Tổ quốc nhưng bão ập vào làm đồng chí hy sinh khi cậu con trai mới lọt lòng chưa kịp nhìn mặt bố…

Còn mãi những hình ảnh thân thương của những liệt sỹ như: Chuẩn úy Lê Đức Hồng, cán bộ thuyền trực Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Từ, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sỹ Nga, chiến sỹ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hạnh… đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm quên mình cứu đồng đội, bám chốt với nhà giàn đến hơi thở cuối cùng. Máu của các anh mãi mãi tô thắm cho lá cờ Tổ quốc, hòa vào biển, làm biển quê hương thêm xanh. Trong số 9 đồng chí công tác trên nhà giàn hy sinh, chỉ có 2 đồng chí tìm thấy thi thể. Vì thế, “mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu”. Tinh thần, ý chí và thể xác các anh đã hòa vào linh khí của biển, thôi thúc cán bộ, chiến sỹ các thế hệ sau tiếp bước giữ biển, trời đất nước…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển, bên cạnh nắm chắc mọi diễn biến, thông tin báo cho đất liền, mỗi năm, cán bộ, chiến sỹ trên các nhà giàn còn giúp đỡ hàng chục lượt tàu thuyền ngư dân đánh cá lúc sóng gió. Nhiều trường hợp, tàu đánh cá có người bị thương trong khi đánh bắt được cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn băng bó, cứu chữa. Hay nhiều tàu bị hư hỏng máy móc, lưới cụ, thiếu nguồn nước ngọt, dầu máy… đã được nhà giàn tiếp ứng, hỗ trợ kịp thời. Hôm chúng tôi đến Nhà giàn Tư Chính, gặp tàu đánh cá QN-97029 do ông Lê Thế Nghề ở Quảng Ngãi làm trưởng tàu đang nhờ cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/11 hỗ trợ sửa chữa lỗi hộp số của tàu. Ông Nghề cho biết: “Ngư dân chúng tôi thực sự yên tâm khi đánh bắt ở vùng biển này, khi cần hỗ trợ, các anh bộ đội trên nhà giàn giúp đỡ nhiệt tình. Nếu không có sự hỗ trợ đó, chúng tôi bị thiệt hại rất lớn, thậm chí nhiều lúc khó bảo toàn tính mạng… Các nhà giàn thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển”.

Tàu HQ-953 tiếp tục rẽ sóng đến với các nhà giàn khác. Những ngày 5, 6/1, biển bỗng nhiên nổi sóng lớn. Những đợt sóng cao 4 mét làm cho tàu bị rung giật liên hồi, đồ đạc cứ chạy từ mép buồng này sang mép buồng kia theo mỗi lần lắc lư. Thế nhưng với sức mạnh 2.500CV, con tàu dài 43m, rộng 10m vẫn tiến tới, các thủy thủ đoàn cho biết: “Nếu nhìn từ xa, tàu chỉ như chiếc lá trên mặt hồ. Nhưng các nhà báo yên tâm, sóng to hơn nữa chúng ta vẫn hành quân an toàn”. Được chứng kiến những cung bậc của tình cảm giữa đất liền với nhà giàn, cũng như những cảnh tượng trong hành trình trên biển, nhà thơ Trần Đỗ Liêm - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, người cao tuổi nhất trên chuyến tàu (năm nay ông 67 tuổi) đã sáng tác ngay bài thơ: “Sóng tiếp sóng, dựng muôn ngàn núi nước/Đỉnh bạc đầu, thung lũng thẳm sâu/ Trời vần vũ, mây mờ bốn phía/ Ta ngả nghiêng say theo dao động con tàu… Chín năm ba (tàu HQ-953) ầm âm lao phía trước/ Gió né mình, sóng bạc chạy theo sau/ Nhà báo, sỹ quan không lùi bước/Giàn DK hàng tết phải đúng ngày”.

Đến các nhà giàn DK1/14, DK1/12 (thuộc cụm Nhà giàn Tư Chính), do sóng biển quá lớn, đoàn từ đất liền không thể lên các nhà giàn được. Cách khắc phục truyền thống để chuyển hàng hóa, quà lên nhà giàn trong nhiều năm qua là phía nhà giàn thả phao cùng dây thừng trôi theo dòng hải lưu cách nhà giàn trên 250m- khoảng cách đảm bảo an toàn cho tàu không va vào nhà giàn khi sóng lớn. Khi đó, tàu vận tải tiếp cận và buộc những hộp quà được bọc bằng túi ni lông vào dây để anh em cán bộ, chiến sỹ nhà giàn kéo lên. Còn những lời thăm hỏi và chúc tết được chuyển qua bộ đàm. Phía bên kia máy bộ đàm, chúng tôi nghe tiếng nói nghẹn ngào của Trung tá Hoàng Quốc Việt- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/14: “Anh em đã nhận được quà từ đất liền rồi. Nhưng lại thêm một năm nữa, các đồng chí từ đất liền ra không lên được nhà giàn… Cảm ơn đất liền, chúng tôi luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, canh giữ biển, trời cho nhân dân vui Xuân, đón Tết…”.

Tạm biệt các nhà giàn vùng Tư Chính, những ngày 7,8, 9/1, tàu HQ-953 tiếp tục lên đường đến Nhà giàn DK1/10, tận phía mũi Cà Mau. Hành trình này dài 330 hải lý, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tiếp tục đi trên biển với gần 600 km với không sóng điện thoại, không sóng 3G, chỉ sóng biển liên hồi… Vượt muôn trùng sóng khơi, các đoàn tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân sẽ chuyển hàng hóa, quà tết đến tất cả những nhà giàn ở các vùng: Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Tư Chính, Quế Đường, Ba Kè, DK1/10 và các tàu trực trên biển. Thượng tá Mai Biên Thùy - Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, cho biết: “Tất cả các nhà giàn đều được nâng cấp nên mọi thông tin nối đất liền cập nhật hàng giờ.

Đời sống tinh thần của anh em cán bộ, chiến sỹ cũng được đảm bảo hơn nhờ có sóng tivi, điện thoại vệ tinh, một số nhà giàn còn có sóng 2G để có thể vào mạng Internet nhưng tốc độ chậm lắm, nhiều lúc sóng to, gió lớn không bắt được. Hàng quý, có tàu của vùng ra cung cấp thêm lương thực, thực phẩm. Ở bất kỳ nhà giàn nào anh em cũng tăng gia sản xuất được rau xanh, đảm bảo cho bữa ăn phong phú…”. Một phóng viên phân vân: “Vậy trên nhà giàn có trồng được loài hoa nào để đón tết không anh?”. Thượng tá Mai Biên Thùy trả lời: “Anh em chưa thử trồng, vì diện tích đất trong các thùng xốp ít, chỉ dành trồng rau để ăn, nhưng nếu trồng chắc là được”. Không ai hỏi thêm, có một khoảng lặng im. Mọi người đều biết mấy chục năm qua, cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn đón Tết, vui Xuân không có hoa tươi. Nhưng chính các anh là những bông hoa đẹp nhất…

Nguyên Sơn

(Email từ Nhà giàn DK1)