Sản xuất bí xanh theo tiêu chuẩn VietGap
(Baonghean) - Lâu nay nông dân xã Cẩm Sơn - Anh Sơn sản xuất bí xanh đạt giá trị kinh tế khá cao. Tuy nhiên, để sản phẩm đạt chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định thu nhập, bà con đang hướng tới mục tiêu sản xuất bí xanh theo tiêu chuẩn VietGap.
Chị Nguyễn Thị Lương ở xóm 4, xã Cẩm Sơn chăm sóc vườn bí. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chị Nguyễn Thị Thắm cũng ở xóm 4 đang cắm cọc nứa làm giàn cho bí xanh cho hay: Trồng bí xanh theo tiêu chuẩn VietGap theo phương pháp leo giàn có ưu điểm cây bí không tiếp xúc với đất, có điều kiện tiếp xúc ánh sáng nhiều hơn nên ít bệnh hơn và tận dụng được khoảng không phía trên. Quả bí được treo trên giàn phát triển đều, có mẫu mã đẹp hơn và bảo quản được lâu hơn (khi gặp mưa, chưa thu hoạch kịp không lo bị ngập úng, thối quả.) Theo kỹ thuật mới làm giàn trồng luống rộng: 1,5 - 2m, khoảng cách trồng 40 - 50 x 80cm. Chị Thắm kể thêm: “Trước đây phun phòng thuốc trừ sâu cho cây bí người dân chúng tôi phun theo kiểu tự phát, nhưng qua hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap chúng tôi đã được khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hoặc có thể sử dụng các chế phẩm sinh học không gây độc hại. Như gia đình tôi trồng 5 sào bí, 2 vụ sản xuất vừa qua đã thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sử dụng các giống bí kháng sâu bệnh, bón phân cân đối, tưới nước hợp lý. Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi thu gom tiêu hủy lá già, lá bệnh, xử lý kịp thời tàn dư cây sau khi thu hoạch; theo dõi sự xuất hiện của một số sâu bệnh hại chính ở các mùa vụ đã ghi ở trên và phòng trừ chúng khi cần thiết. Sử dụng phương pháp thủ công, như ban đêm dùng đèn bắt sâu.
Ông Đậu Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn chia sẻ: Cẩm Sơn hiện có trên 35 ha bí, toàn bộ diện tích trên đều hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện có trên 150 người trồng bí được tham gia tập huấn về quy trình sản xuất rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGap do Chi cục Chế biến và Bảo quản nông sản Nghệ An và các ban, ngành của huyện Anh Sơn thực hiện. Bà con được hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch và xử lý bảo quản bí xanh, môi trường đất, sản phẩm dư thừa sau thu hoạch. Ngoài phần học hỏi từ lý thuyết, bà con còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hành trực tiếp trên đồng ruộng, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn VietGap vào sản xuất. Hướng dẫn phương pháp nhận biết, xác định các loại sâu, bệnh thường gây hại trên cây bí xanh để sử dụng các loại thuốc phòng trừ hợp lý, như sử dụng các chế phẩm sinh học không gây độc hại để phòng trừ.
Qua 2 vụ sản xuất đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức tư tưởng hành động của người nông dân. Giúp người trồng bí hiểu được rằng, trong sản xuất, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Sản xuất bí xanh theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn.
Thuận lợi của Cẩm Sơn là người dân thấy được hiệu quả của cây bí xanh nên đã tự bỏ ra kinh phí đầu tư điện, nước (chủ yếu giếng đào, giếng khoan) mỗi hộ đóng góp 3 triệu đồng, tổng trị giá đầu tư trên 600 triệu đồng nên đã chủ động được nguồn nước tưới sạch. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với người dân Cẩm Sơn là áp dụng theo quy trình sản xuất bí xanh tiêu chuẩn VietGap, phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo, chi phí cao, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng nên một số hộ dân chưa mặn mà với tiêu chuẩn VietGap.
Vương Trần