TT học tập cộng đồng ở Con Cuông: "Cần gì dạy nấy"

26/11/2013 20:53

(Baonghean) - Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo, những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng huyện Con Cuông đã không ngừng được củng cố, nâng cao về số lượng và chất lượng hoạt động.

Bản Kẻ Mẻ, xã Mậu Đức có 194 hộ với 848 nhân khẩu, 100% người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đây là bản có nhiều phụ nữ mù chữ và tái mù nhiều nhất trong toàn xã. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Trung tâm Học tập cộng đồng xã (TTHTCĐ) phối hợp với Hội khuyến học, trường tiểu học mở lớp xóa mù chữ ngay tại bản. Để lớp học phát huy hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã đã phân công trách nhiệm cho từng tổ chức cụ thể.

Trong đó, trường tiểu học chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, lập kế hoạch dạy học; TTHTCĐ xã chịu trách nhiệm điều tra nhu cầu, vận động học viên, theo dõi, giúp đỡ người học; Hội khuyến học chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, công tác tổ chức khai giảng, bế giảng lớp học, cùng với TTHTCĐ vận động học viên tham gia học tập. Để phù hợp với tình hình thực tế, lớp học được tổ chức vào ban đêm, từ 7h30 đến 10h30. Các học viên được học các kiến thức cơ bản từ các môn học Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội, Môi trường, Đời sống và sức khỏe. Tham gia vào các buổi học như thế này, các học viên không chỉ được học chữ mà còn được mở mang thêm nhiều kiến thức trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Thấy được cái khó, cái khổ của việc không biết chữ nên khi được cán bộ TTHTCĐ xã vận động tham gia lớp học xóa mù chữ, chị là một trong những học viên tích cực. Ở tuổi ngoài 45, lần đầu tiên được tiếp xúc với con chữ nên chị Cúc quyết tâm lắm, bởi theo chị, tham gia lớp học không chỉ để biết cái chữ mà còn giúp chị mở mang thêm kiến thức, hiểu biết trong cuộc sống cũng như trong sản xuất, chăn nuôi. Chị Cúc chia sẻ: Vì mẹ mất sớm khi chị lên 8 tuổi, gia đình quá khó khăn nên tôi phải nghỉ học. Bây giờ được học con chữ, tôi đỡ mặc cảm với mọi người, bớt khó khăn hơn trong cuộc sống, biết tính toán khi bán ngô, bán sắn,…

Còn tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Chi Khê, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn khó khăn nhưng những năm qua, trung tâm học tập cộng đồng ở xã đã phát huy hiệu quả tích cực. Là xã thuần nông, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên Trung tâm phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, phối hợp với Phòng Tư pháp, Hội Luật gia huyện tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho bà con. Từ việc nắm bắt các kiến thức qua các buổi tập huấn, bà con nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Điển hình như gia đình anh Trần Đình Lợi, thôn Quyết Tiến xã Chi Khê. Gia đình anh có hơn 6 sào đất sản xuất rau màu, những năm trước đây gia đình trồng rau chủ yếu theo kinh nghiệm nên năng suất không cao. Được tham gia lớp tập huấn trồng rau theo hướng VietGap, áp dụng KHKT vào sản xuất rau màu không những đảm bảo năng suất chất lượng sản phẩm mà lợi nhuận thu về cũng cao hơn trước. Chỉ tính riêng trồng rau màu, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu trên 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn mạnh dạn áp dụng KHKT vào chăn nuôi lợn, gà.

Nếu như năm 2004 toàn huyện chỉ có 4 trung tâm thì chỉ 1 năm sau đó, 13 xã, thị trấn của huyện đã thành lập được trung tâm học tập cộng đồng do các giáo viên phụ trách. Trong những năm qua, huyện Con Cuông cũng đã có nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền vận động và tạo cho người dân có cơ hội học tập suốt đời và tiến tới xây dựng xã hội học tập. Tham gia hoạt động tại TTHTCĐ xã, người dân được học, tìm hiểu các chuyên đề sát thực với cuộc sống như: Giáo dục sức khỏe, hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy tại gia đình, cộng đồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, ẩm thực cho người cao tuổi, vệ sinh môi trường gia đình, công cộng, kỹ năng sống cho trẻ…

Với phương châm “cần gì dạy nấy”, “cần gì học nấy”, những năm qua, các TTHTCĐ huyện đã thực hiện có hiệu quả 4 chuyên đề: Giáo dục pháp luật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn hóa giáo dục. Thông qua việc phối hợp cùng các cấp hội, các chương trình dự án như Dự án VIE/028, Chương trình 134,135 tổ chức các hội thi, hội thảo như thi: cấy lúa đầu xuân, thi đan lát, hội thảo bảo vệ tài nguyên rừng, nước sạch...; tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao KHKT về sản xuất, chăn nuôi hay tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề trao đổi kinh nghiệm ở các lớp dệt thổ cẩm, tin học… đã tạo điều kiện cho bà con các dân tộc trên địa bàn mở mang kiến thức mới về sản xuất, chăn nuôi, áp dụng các kiến thức đã học để nâng cao năng suất lao động. Chỉ tính trong năm 2012-2013, toàn huyện có trên 48 nghìn lượt người tham gia học tập. Ngoài ra, các TTHTCĐ còn phối kết hợp với ban văn hoá xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ các thôn bản, trường học tổ chức các chương trình văn nghệ, bóng chuyền, ném còn… nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn tạo không khí sôi nổi trong các bản làng.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ huyện Con Cuông gặp không ít khó khăn. Do đặc thù là huyện miền núi, trên 80% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung đời sống vật chất của người dân ở nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện còn thiếu thốn. Cơ sở vật chất của các trung tâm còn nhiều hạn chế. Hiện nay, 13/13 trung tâm chưa có phòng thư viện; chỉ mới có 5/13 trung tâm có phòng làm việc riêng (là Lạng Khê, Châu Khê, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Đôn Phục), số còn lại chung phòng làm việc với các phòng, ban trong xã. Một số trung tâm chưa có tài liệu tham khảo, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa như Bình Chuẩn, Đôn phục, Mậu Đức, Lục Dạ…

Có thể thấy, mô hình các trung tâm HTCĐ huyện Con Cuông đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả thì cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành về cơ sở vật chất cũng như tổ chức các lớp học văn hóa, tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân.

Bảo Ngọc - Minh Hạnh

(Đài Con Cuông)