Giá lúa tăng, nông dân luyến tiếc

18/12/2013 15:33

Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang ở mức cao nhất từ đầu năm 2013 đến nay và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan 10 - 20 USD/tấn. Thế nhưng, hiện nay tại vựa lúa lớn nhất cả nước diện tích lúa chưa thu hoạch còn rất ít; hầu hết nông dân trồng lúa chỉ còn biết tiếc rẻ vì đã bán hết lúa từ 1 - 2 tháng qua.

Giá cao... hết lúa bán!

a
Nhìn giá lúa liên tục tăng cao, ông Nguyễn Văn Năm, nông dân xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), luyến tiếc: “Do không có điều kiện dự trữ, cộng với không biết thị trường lúa gạo cuối năm ra sao; hơn nữa cần tiền để trả nợ vật tư nông nghiệp nên tôi đã bán hết 40 tấn lúa ngay khi thu hoạch cách nay 2 tháng, với giá chỉ có 4.300 - 4.400 đồng/kg. Liên tục hơn nửa tháng qua, giá lúa tăng vùn vụt, tới mức 5.300 - 5.400 đồng/kg lúa tươi giống IR 50404. Bà con ở đây ai cũng “chắc lưỡi hít hà” vì đã bán hết rồi. Lũ rút chậm, xuống giống đông xuân trễ, vì vậy phải đợi đến tháng giêng, tháng 2 âm lịch sang năm mới có lúa thu hoạch. Lúc đó chắc giá sẽ không còn cao như bây giờ?”.

Chuyện giá tăng, nông dân không còn lúa bán diễn ra phổ biến tại Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang… Ông Lâm Văn Mết, ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ), cho biết: “Cả nửa tháng qua, ngày nào thương lái cũng rảo khắp xã tìm mua lúa các loại với giá rất cao. Lúa IR 50404 khô đang được mua với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg; lúa chất lượng cao 6.100 - 6.200 đồng/kg; lúa thơm OM 4.900 - 7.000 đồng/kg; lúa thơm Jasmine lên tới 8.000 đồng/kg. Giá chót vót như vậy nhưng ai cũng bán lúa ngay khi thu hoạch hết rồi, số người trữ lúa lại không bao nhiêu”.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, đến thời điểm này, nông dân đã xuống giống hơn 80.000ha lúa đông xuân, đạt hơn 90% diện tích và hoàn tất trong vài ngày tới. Việc người dân “không có lúa bán trong lúc giá cao” cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận: “Lúc thu hoạch rộ thì hầu hết nông dân bán với giá thấp ngay tại ruộng để có tiền trang trải cuộc sống, trả nợ vật tư và đầu tư tiếp cho vụ sau. Nay giá lên cao nhưng toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ còn khoảng 100.000ha lúa ở các địa phương ven biển chưa thu hoạch. Đây là một thiệt thòi rất lớn! Cái khó hiện nay là nông dân không có khả năng và điều kiện trữ lúa lâu dài, chờ giá cả thuận lợi để bán”.

Sớm sản xuất theo chuỗi ngành hàng

Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan 10 - 20 USD/tấn. Giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL cũng đồng loạt tăng lên và đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tại các chợ gạo Cái Răng, Thốt Nốt (Cần Thơ), nhà máy đang thu mua với giá 7.600 - 7.900 đồng/kg (tùy loại). Tuy nhiên không khí hoạt động ở các chợ gạo có phần tĩnh lặng, lượng ghe tàu của thương lái đến giao dịch rất ít. Thậm chí có doanh nghiệp ngưng mua gạo nguyên liệu vì không có người bán mà tập trung giao hàng phục vụ xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Linh, Giám đốc Xí nghiệp Lương thực An Bình (thuộc Công ty cổ phần Lương thực Vĩnh Long đặt tại chợ gạo Cái Răng), cho biết: “Hiện lượng gạo nguyên liệu cung ứng còn ít, chủ yếu thương lái bán cho các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa. Kho của chúng tôi có sức chứa 10.000 tấn gạo nhưng nay chỉ còn 3.000 tấn, tuy nhiên số lượng này đã bán hết cho công ty “mẹ” ở Vĩnh Long rồi, chờ ngày xuất đi. Ít nhất 2 - 3 tuần nữa, khi nông dân trong vùng bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm thì lượng gạo nguyên liệu mới khá lên”.

Nhiều người nhận định, giá lúa gạo tăng cao như hiện nay chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi nhiều nhất. Vì các đơn vị này có điều kiện thu mua tạm trữ số lượng lớn ngay lúc giá lúa gạo ở mức thấp; đồng thời được nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, cho rằng: “Để hạn chế tình trạng này, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên bán lúa ồ ạt ngay lúc thu hoạch rộ mà nên đầu tư tạm trữ lúa tại nhà, chờ giá thuận lợi. Ngành nông nghiệp cùng nông dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất; giảm các khâu trung gian trong chuỗi sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống kho chứa, phơi sấy lúa đáp ứng nhu cầu của toàn vùng”.

Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Lê Văn Bảnh nói: “Phải sớm đẩy mạnh việc hình thành các cánh đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo chuỗi ngành hàng; phân chia lợi nhuận một cách công bằng và hợp lý. Đồng thời, khuyến khích thành lập các hợp tác xã kiểu mới, các công ty cổ phần nông nghiệp để nông dân chủ động sản xuất, quyết định giá cả sản phẩm làm ra…”.


Theo kinh tế nông thôn