Ngọt mía Hạ Sơn
(Baonghean) - Chúng tôi đến Hạ Sơn (Quỳ Hợp) vào một chiều cuối năm. Đây là vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ mía” của huyện Quỳ Hợp, một vùng đất đang trở mình vươn lên.
Trước khi đến Hạ Sơn, tôi gọi điện cho Chủ tịch UBND xã - anh Lê Văn Thanh, đầu dây bên kia, anh Thanh nhắc đi nhắc lại, nếu đi bằng xe máy thì các anh nên đi dọc theo đường Hồ Chí Minh đến Cột mốc số 0, từ Thị trấn Lạt (Tân Kỳ) ngược theo con đường rải nhựa qua Tân Long, Nghĩa Hoàn, Tân Phú lên xã Tân Xuân, từ đó tạt qua Hạ Sơn chỉ 4 – 5 km là thuận nhất. Chứ bây giờ Nhà nước đang thi công đoạn đường 30 km từ Thị trấn Quỳ Hợp vào xã, trời lại mưa như thế này không đi nổi đâu. Theo sự chỉ dẫn của anh Thanh, chúng tôi về Hạ Sơn trong cái rét tê buốt của một ngày cuối năm.
Chạm đất Hạ Sơn là những đồi mía xanh bạt ngàn với bầu không khí trong lành. Mùa này đang vào vụ thu hoạch mía, trên các triền đồi bà con hối hả chặt, bó thành từng vác, tập kết mía đến đầu bãi, bốc xếp lên xe ô tô chở về nhà máy. Sau cái bắt tay nồng ấm với Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thanh, chúng tôi cảm nhận được sự niềm nở, nồng hậu khi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này. Anh Thanh chính là người đầu tiên đưa cây mía về trồng trên đất Hạ Sơn. Với thành tích đó, anh được đi báo cáo tham luận thực hiện Chỉ thị số 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại hội nghị điển hình của tỉnh, tháng 5/2013. Và bây giờ đi đến đâu trên đất Hạ Sơn, trong câu chuyện về cây mía, mọi người nhắc đến anh với niềm cảm phục và yêu mến.
Qua câu nói chân tình, cởi mở của anh Thanh, chúng tôi biết được Hạ Sơn đang chuyển mình vươn lên đứng vào tốp đầu của những xã vùng trong của huyện Quỳ Hợp. Những năm 90 của thế kỷ 20 về trước, cuộc sống người dân Hạ Sơn nghèo lắm, đất sản xuất nông nghiệp quanh năm chỉ biết trồng lúa nương, năng suất thấp, bởi thế hạt gạo không đủ nuôi sống hơn 4 nghìn nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Thổ. Bởi thế cái nghèo đeo bám người dân Hạ Sơn từ bao đời. Là một cán bộ chủ chốt của địa phương trẻ và năng động, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, anh Lê Văn Thanh luôn gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, tích cực thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí… Bởi vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, là cán bộ chủ chốt, anh xác định vào hai mũi nhọn là trồng cây mía và nuôi dê hàng hóa. Năm 1998, Nhà máy Mía đường Tate & Lyle Quỳ Hợp đi vào hoạt động, anh là người tiên phong vận động người dân chuyển dần diện tích từ lúa rẫy sang trồng mía nguyên liệu. Để cây mía khẳng định hiệu quả kinh tế, anh cùng với tập thể Đảng ủy, UBND xã thống nhất giao cho từng cán bộ từ xã đến xóm trồng trước.
Từ năm 2000, người dân Hạ Sơn tập trung mở rộng diện tích mía, kết hợp với đầu tư tăng năng suất sản lượng. Đến nay diện tích mía của Hạ Sơn lên đến 1.100 ha, chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp của xã. Được biết, toàn huyện Quỳ Hợp hiện nay có khoảng 7 nghìn ha mía để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Mía đường Tate & Lyle Quỳ Hợp, như vậy riêng xã Hạ Sơn đã chiếm hơn 1/7 tổng diện tích mía toàn huyện. Năng suất mía bình quân của Hạ Sơn cũng đạt cao hơn mức bình quân của huyện, với 65 tấn/ha, trong khi bình quân chung toàn huyện hơn 50 tấn/ha.
Anh Lê Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn hướng dẫn bà con cách thu hoạch mía. |
Ở Hạ Sơn, những diện tích mía đạt năng suất trên 100 tấn/ha không phải hiếm. Bởi một lẽ, địa phương biết đánh giá từng loại đất để cơ cấu giống mía hợp lý. Ví như, đất vùng đồi chủ yếu trồng giống mía MI, những diện tích đất có độ ẩm cao tập trung các giống mía ROC 10, QĐ 93. Gia đình anh Trương Văn Thường, ở xóm Đồng Nang là một trong những hộ giàu lên từ cây mía. Vợ chồng anh Thường cởi mở: Nếu cứ làm lúa rẫy, trồng ngô, sắn như trước đây thì gia đình không thể làm được nhà kiên cố mà ở, làm gì có tiền nuôi con ăn học. Vợ chồng ra riêng từ năm 1994, gia tài chỉ có cái tráp gỗ, mấy cái nồi đất và túp lều dựng bên sườn núi, cùng với 10 sào đất cắm dùi. Thấy nhiều diện tích đất bãi bỏ hoang cây cối mọc um tùm, khoai sắn lót dạ, vợ chồng chịu khó khai khẩn, mỗi ngày mở thêm một ít. Đất không phụ công người, khi cây mía manh nha trên đất Hạ Sơn thì vợ chồng anh đã có trong tay 5 ha đất để trồng mía. Năm nào vợ chồng anh cũng đầu tư phân bón hợp lý, chăm sóc đúng thời vụ, nên năng suất mía năm nào cũng đạt trên 70 tấn/ha. Ngoài ra, vợ chồng anh còn khai hoang được 3 sào đất trồng 2 vụ lúa, lương thực làm ra đủ cho gia đình ăn quanh năm.
Anh Lê Văn Thanh là lãnh đạo xã đầu tiên được Nhà máy Mía đường Tate & Lyle Quỳ Hợp mời đi tham quan vùng mía sạch bệnh ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Đây là cơ hội để anh học hỏi kinh nghiệm chăm sóc mía từ vùng đất Lam Sơn về cho địa phương áp dụng. Sau chuyến tham quan đó, anh mạnh dạn lấy giống mía sạch từ Lam Sơn về cung ứng cho người dân trong xã, nên cây mía ở đây luôn sạch bệnh, năng suất tăng vọt. Làm được điều đó, là cả sự trăn trở đối với mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người cán bộ chủ chốt của xã như anh Thanh.
Để Hạ Sơn có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, những năm gần đây nhiều dự án phát triển giao thông đã đến với vùng đất này. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, từ Thị trấn Quỳ Hợp, Thị trấn Lạt (Tân Kỳ), hay từ Châu Thôn của huyện Quế Phong xuôi xuống sẽ có đường nhựa đi qua Hạ Sơn một cách dễ dàng thuận lợi. Như vậy, từ Hạ Sơn muốn sang Quốc lộ 48 hay đường Hồ Chí Minh để đi Vinh, Hà Nội hay vào TP. Hồ Chí Minh… không còn cách trở như trước. Đây sẽ là cơ sở tạo “cú huých”, đánh thức tiềm năng kinh tế nông nghiệp của vùng đại ngàn này. Bởi thế, đã có những gia đình có ý định quy hoạch đất trồng cam hàng hóa với diện tích 1 ha trở lên.
Hạ Sơn, ai đến đây đều dễ cảm nhận, mùa xuân lan tỏa từ những đồi mía, cuộc sống lam lũ của người dân nay đã đổi thay nhờ mía. Trong sắc xuân, người Hạ Sơn luôn biết ơn cây mía, biết ơn cán bộ xã Lê Văn Thanh, người đã làm ngọt thêm cho sự sung túc của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây.
Xuân Hoàng