Đảm bảo quyền lợi cho nông dân khi tham gia Bảo hiểm nông nghiệp

06/01/2014 15:33

(Baonghean) - Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 315/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010-2013, trên địa bàn Nghệ An đã thu được kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn xuất hiện một số bất cập cần tháo gỡ…

Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành là 3 trong số các huyện của tỉnh được chọn thí điểm bảo hiểm cho cây lúa từ năm 2011. Trái với năm 2012, khi mới triển khai dịch vụ này, việc làm thủ tục và chi trả bồi thường cho một số vùng thiệt hại rất nhanh nên người dân rất phấn khởi, thì năm 2013 này thiệt hại từ vụ đông xuân rồi đến hè thu vẫn chưa được bồi thường vấn đề này đã làm “nóng” các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND của 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Việc chi trả bồi thường không kịp thời đã làm ảnh hưởng đến tâm lý và nhiều hộ đã rút không tham gia. Thực trang này có thể thấy rõ nhất ở Diễn Châu: Năm 2012, vụ xuân mới có 6.851 hộ tham gia, số phí bảo hiểm là 2,196 tỷ đồng, vụ hè thu có 17.556 hộ tham gia, tổng phí bảo hiểm lên tới 4,819 tỷ đồng, nhưng đến vụ xuân năm 2013 số hộ tham gia bảo hiểm giảm xuống còn 7.261 hộ, phí bảo hiểm 2,327 tỷ đồng; vụ hè thu có 10.655 hộ tham gia, phí bảo hiểm 2,218 tỷ đồng.

Nông dân xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) làm đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2014.
Nông dân xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) làm đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2014.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã về Diễn Bình và Diễn Nguyên là 2 xã có tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm nông nghiệp đông nhất huyện Diễn Châu. Chị Nguyễn Thị Tĩnh, cán bộ nông nghiệp xã Diễn Nguyên cho biết: Địa phương mất mùa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (tháng 7/2013), sâu bệnh và do giống BC15 nhưng chỉ dựa vào lý do giống BC15 không đảm bảo mà chưa bồi thường là chưa thuyết phục.

Ông Phan Bá Trung, Giám đốc Bảo Việt Nghệ An cho biết: Một số xã ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu không được bồi thường đã được Bảo Việt trả lời tại Văn bản số 208/BVNA ngày 14/11/2013 và báo cáo Ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp tỉnh, theo đó mặc dù các địa bàn này bị ảnh hưởng của thiên tai không đáng kể, mức sụt giảm năng suất chưa đến mức bồi thường bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm 3035 và 2114 của Bộ Tài chính quy định. Một số đơn vị trong tỉnh còn chờ số liệu thống kê để đối chiếu năng suất nên thủ tục hồ sơ bồi thường làm chậm.

Cũng theo ông Phan Bá Trung, Bảo hiểm nông nghiệp là sự quan tâm của Nhà nước cho nông dân (Nhà nước hỗ trợ 100% phí đối với hộ nghèo và 90% đối với hộ cận nghèo). Mục đích của bảo hiểm mới này là đảm bảo cuộc sống người dân nhưng cũng là một loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm mới, vừa làm vừa điều chỉnh; việc chi trả phải đảm bảo nguyên tắc và căn cứ theo quy định. Chia sẻ với kiến nghị của một số địa phương là tính bồi thường căn cứ vào thống kê bình quân năng suất đến từng xứ đồng hoặc từng cánh đồng do HTX quản lý thay vì thống kê toàn xã như hiện nay nhưng ông Trung cho rằng các địa phương phải xây dựng dữ liệu thống kê từng xứ đồng.

Thực tế hiện nay, số người tham gia bảo hiểm nông nghiệp đang có xu hướng giảm xuống. Nguyên nhân là trong quá trình triển khai đã có xung đột về lợi ích. Tâm lý của nông dân tham gia bảo hiểm khi có thiệt hại thì muốn được đền bù ngay, nhưng bảo hiểm theo quy tắc phải có cơ sở mới bồi thường. Bên cạnh đó, người dân cho rằng quy tắc bồi thường còn có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn, để được bồi thường vụ hè thu này thì phải lấy năng suất bình quân 3 vụ hè thu gần nhất trong toàn xã. Tuy nhiên, do diện tích bình quân một xã diện tích bao gồm nhiều xứ đồng, có xứ đồng được mùa, có xứ đồng mất mùa nên khi cộng bình quân rất khó đủ điều kiện bồi thường. Đây là lý do một số xã ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu có xứ đồng bị thiên tai hoặc sâu bệnh cục bộ bị mất trắng vài chục ha nhưng không được bồi thường là một điều vô lý, khó thuyết phục người dân.

Mặt khác, do đang trong quá trình thí điểm nên quy định về danh mục điều kiện bảo hiểm chưa bao quát và đầy đủ. Mặc dù Quyết định 315/QĐ-TTg đã quy định “các rủi ro thiên tai khác” hoặc “các loại dịch bệnh khác” cũng được bồi thường nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan bảo hiểm chỉ bồi thường 5 loại rủi ro thiên tai và 7 loại dịch bệnh được quy định. Có dịch bệnh mới phát sinh người dân không được bồi thường (bệnh bạc lá ở lúa vụ xuân 2012 tại Diễn Châu) nhưng bệnh này chưa có tên trong danh mục được bảo hiểm nên không được bồi thường. Khi có tên trong quy định thì loại thiên tai, dịch bệnh mới phát sinh nên người dân luôn bị động…

Chính vì vậy, để Bảo hiểm nông nghiệp được triển khai và thu hút được người dân trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết thí điểm, một mặt các cơ quan cần tiếp tục hoàn thiện các quy tắc phù hợp với thực tiễn; mặt khác phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu có những chia sẻ, tham gia bảo hiểm nông nghiệp là phòng ngừa rủi ro nên không phải thiệt hại nào cũng được bồi thường. Có như vậy thì bảo hiểm nông nghiệp mới phát triển bền vững được.

Nguyễn Hải