Cơ hội làm giàu từ nghề nuôi gà Đông Tảo
(Baonghean) - Từng mê mẩn những chú gà Đông Tảo trên tranh giấy dó Đông Hồ, qua các phương tiện truyền thông, lại biết đây là một giống gà quý được các nhà khoa học dày công nghiên cứu để bảo tồn quỹ gien, vậy nhưng, chưa một lần tôi tận mắt thấy giống gà này. Mới đây, trong một ngày đầu xuân Giáp Ngọ, tôi đến thăm hai cựu chiến binh thành phố Vinh và được ngắm những con gà Đông Tảo, chợt nghĩ, sao ngành khuyến nông không tìm hiểu để nhân rộng mô hình này...
Hai cựu chiến binh nuôi gà Đông Tảo
Những cựu chiến binh ở Thành phố Vinh nuôi gà Đông Tảo là Thượng tá Nguyễn Sỹ Lập (khối Xuân Trung, P. Hưng Dũng), Đại tá Nguyễn Bá Dần (xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc).
Chuyện nuôi gà Đông Tảo của ông Nguyễn Sỹ Lập khá đặc biệt. Trước đây, ông và vợ nuôi gà đen và gà tre. Một hôm, vợ chồng cô con gái ở Hà Nội về chơi nhà. Thăm thú khu chăn nuôi của ông nhạc, anh con rể cười ngất bảo: “Ông bà nuôi thứ này bất quá chỉ có ít chục trứng gà sạch cho các cháu chứ lời lãi chắc chẳng đáng gì...”. Nghe ông con rể nói vậy, ông Lập bảo: “Tôi chăn nuôi vui thú tuổi già là chính chứ đâu phải làm kinh tế”. Thấy bố vợ có vẻ tự ái, anh con rể liền nói: “Thì đàng nào các cụ cũng đầu tư công sức. Để con xem có giống con gì phù hợp sẽ đưa về...”. Ít lâu sau, anh con rể điện về nói: “Bố ra Thủ đô chơi với bọn con ít hôm rồi con sẽ nhờ anh bạn cùng phòng đưa đi Khoái Châu, Hưng Yên xem người ta nuôi gà Đông Tảo”. Nghe vậy, ông vào Google tìm hiểu thông tin về giống gà này và ngay sau đó ông bắt xe đi Hà Nội. "Trời. Chú không thể tưởng tượng được cảm giác của tôi khi tận mắt xem người ta nuôi gà Đông Tảo đâu. Đây là chúa của các loại gà. Chả trách người ta gọi chúng là gà tiến vua. Có những con người ta nuôi đến 5 - 7 năm, nặng 7 - 8 kg, có giá hàng chục triệu đồng. Nhìn đôi chân của chúng mới thật khủng khiếp, to nặng dễ đến 1kg, vảy sừng bóng xếp lớp như vảy tê tê vậy...".
Ông Lập với con gà trống Đông Tảo nặng trên 4kg. |
Ông đã mê và quyết tâm với việc nuôi gà Đông Tảo từ đó. Có bao nhiêu tiền ông dồn mua được 12 con, gồm 5 trống 7 mái trọng lượng từ 0,5 - 1kg với giá 350.000 đồng/con. Đồng thời, ông không quên hỏi, ghi chép tỉ mỉ cách thức nuôi, từ phòng, chống dịch bệnh, cho đến cách chăm bẵm gà. Được chăm sóc tốt nên những chú gà Đông Tảo của ông Lập lớn nhanh như thổi. Sau gần 9 tháng có trọng lượng từ 3,5 - 4,4kg. Con nào con nấy to lớn, dáng hình bệ vệ, da đỏ ong ong, cặp chân vững chãi. Những chú gà trống có hai màu lông cơ bản là đen và màu mận chín, cặp chân to, xù xì có vảy bao quanh, bàn chân dày, 4 ngón chân xòe ra, cân đối. Những chiếc mào cũng rất khác lạ. Mào sun ngắn màu đỏ tía, gọn và khỏe. Gà Đông Tảo mái có màu lông khác hẳn gà trống. Lông màu vàng nhạt, pha màu trắng sữa, phần cổ và cánh có những chiếc lông màu vàng, nâu đen. Phần còn lại thì cũng y chang gà trống, từ màu da đỏ, mào sun và đặc biệt là đôi chân vững chãi, to khỏe.
Ông Lập kể rằng, sau 4 tháng, lứa gà mái đã cho trứng, mỗi tháng một con đẻ được từ 7 - 8 quả. Bởi quyết tâm nhân lên số gà giống cho bõ công đi tận Hưng Yên, nên mỗi lần gà đẻ là mỗi lần ông mừng như nhặt được vàng. Lứa ấp đầu ông hết khổ bởi thiếu kinh nghiệm nên chẳng thành công. Số là trứng gà Đông Tảo vỏ dày hơn trứng gà thường, chủ lò ấp không biết nên để nhiệt độ không phù hợp, vỏ trứng chẳng bung nên toàn bộ những chú gà con đều bị chết ngạt trong trứng. Rút kinh nghiệm, ở lần thứ hai, ông chia số trứng làm đôi, một nửa đưa đi lò ấp, một nửa để tại nhà cho gà nhà ấp. Lần này thì ông thành công khá mỹ mãn. Từ 30 quả trứng đã cho ông 18 con gà Đông Tảo lông trắng đục, trọng lượng 38-40 gam.
Ông nói: "Hóa ra dùng gà ta ấp lại hay hơn. Tỷ lệ nở cao hơn hẳn ở lò ấp...". Đến nay, qua 9 tháng, ông Lập đã có tổng đàn gần 70 con gà Đông Tảo. Hỏi có kinh tế không? Mình chưa tính toán nên chưa thể nói được. Đến nhà bạn mình thì rõ hơn. Nhà Đại tá Dần ở xóm Mẫu Đơn như một trang trại chăn nuôi. Cùng với gà Đông Tảo, ông Dần còn nuôi nhím, chim trĩ, bồ câu Pháp, gà Bắc Kinh, gà ta... Với gà Đông Tảo, ông cho biết nuôi đã được dăm năm. Ngày đầu, ông cũng đánh đường ra Khoái Châu, Hưng Yên mua con giống. Kinh tế thì chắc chắn rồi. Thịt gà Đông Tảo ngon, ngọt, khối thịt ức dày ngồn ngộn đỏ hồng, những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau không có gân, không dai. Giá gà thương phẩm trước đây từ 600 - 700 ngàn đồng/kg. Hiện tại khoảng 350 ngàn đồng/kg nhưng chẳng có mà bán. Dịp Tết, gặp khách mua gà làm quà biếu, có những chú gà trống nặng 9 kg giá tới 32 triệu đồng...
Mở hướng làm giàu
Kinh tế thì đã rõ rồi nhưng nuôi chúng có phức tạp lắm không? Theo ông Lập thì giống gà Đông Tảo rất hiền, không phá phách, bay nhảy như gà ta, diều nhỏ, ăn ít nên chất thải ra cũng ít. Chúng chỉ thích ăn các loại hạt như ngô, lúa và một số loại rau muống, rau dền..., tuyệt đối không ăn các loại cám công nghiệp nên nuôi không khó lắm. Tuy nhiên, để nhân giống gây đàn là cả một sự công phu. Ông Dần cho biết, ban đầu nuôi gà Đông Tảo cũng có phần phức tạp. Như vợ chồng ông, lần đầu đưa gà giống về đã chết gần hết. "Cũng là do mình chưa có kinh nghiệm thôi. Sau tìm hiểu mới biết gà chuyển vùng lạ nước nên mắc bệnh, phải thuốc men chu đáo mới nuôi được" - ông Dần kể. Gia đình ông Dần cũng từng gây giống, mở rộng đàn gà, thậm chí, cho lai tạo gà Đông Tảo với các giống gà khác. Ông nói: Gà Đông Tảo lai F1, F2 cũng cho thịt ngon hơn hẳn giống gà ta. Nay con giống của tôi đã quá già, nên đang vận động ông Lập để lại ít con thuần chủng để gây đàn tiếp.
Hỏi chuyện nhân giống gà, theo ông Lập, từ khâu cho ấp đến nuôi gà con là rất công phu. Gà con Đông Tảo rất lạ. Lớp lông tơ sau vài ngày sẽ rụng đi để mọc lên lớp lông khác. Đồng thời, lông của chúng ít hơn gà ta nên tối kỵ với thời tiết lạnh. Chuồng thoáng nhưng phải đảm bảo đủ ấm. Nếu không gà con sẽ chết ngay. Ông Lập và vợ chái mái toàn bộ khuôn viên sau nhà để chống mưa, lại làm những chiếc chuồng nho nhỏ, rộng chừng 1m2/ chiếc, cao ráo, bịt kín 3 bên, chỉ làm thoáng ở phía Nam. Trong mỗi chuồng có bắt thêm một chiếc bóng điện 100W. Một kinh nghiệm nữa của ông Lập là: "Phải biết cách phòng bệnh, từ nhỏ thuốc mũi, cho uống, tiêm theo đúng quy cách. Đồng thời, phải nghe dự báo thời tiết. Trời mà giá lạnh tôi còn phải sử dụng bóng điện 200W sưởi ấm cho gà con suốt ngày...".
Tôi vào Google tìm hiểu về gà Đông Tảo. Hiện nay, việc nuôi gà Đông Tảo không chỉ ở Khoái Châu, Hưng Yên mà đã phát triển rộng ra khá nhiều địa bàn trên toàn quốc. Từ Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên cho đến những tỉnh phía Nam như Khánh Hòa, Đồng Nai, thậm chí cả Thành phố Hồ Chí Minh. Và, đã có không ít gia đình giàu lên nhờ nuôi gà Đông Tảo. Tuy nhiên, chẳng thấy Nghệ An có tên trong danh sách đó. Tìm hiểu ông Nguyễn Sỹ Lập và ông Nguyễn Bá Dần thì ở Nghệ An cũng đã manh nha có một số gia đình nuôi gà Đông Tảo nhưng còn nhỏ lẻ, chủ yếu nuôi phục vụ gia đình hoặc nuôi cảnh cho vui. "Như chúng tôi cũng vậy thôi, nuôi gà Đông Tảo như một cái thú của người cao tuổi, được vận động làm việc phù hợp với sức của mình..." - Ông Lập bày tỏ. Tuy nhiên, với những gì đã nghe, đã thấy thì gà Đông Tảo đúng là một giống gà quý, và có thể là một hướng làm ăn phù hợp cho những gia đình nông dân. Qua việc chăn nuôi của các ông, rõ ràng gà Đông Tảo có thể đứng chân ở Nghệ An nếu được chăm sóc bài bản, hơn thế, tỉnh mình rất sẵn những các loại hạt như ngô, lúa để làm thực phẩm cho gà. Tại sao ngành Khuyến nông không tìm hiểu để đưa thêm một giống con về cho người nông dân làm kinh tế hộ?.
Bài, ảnh: Nhật Lân