Ứng dụng đề tài khoa học xã hội nhân văn vào cuộc sống
(Baonghean) - Từ trước đến nay, dư luận xã hội cũng như ngay chính giới nghiên cứu đều cho rằng: Hiệu quả ứng dụng các đề tài KHXH&NV vào cuộc sống rất hạn chế. Tình trạng nghiên cứu xong “cất vào tủ” khá phổ biến. Vì thế, từ nhiều năm nay, Sở KH&CN Nghệ An đã cố gắng tìm giải pháp tạo điều kiện để các đề tài KHXH&NV ứng dụng vào thực tiễn.
Việc ứng dụng các đề tài vào cuộc sống hiệu quả nhưng chưa cao, xét ở góc độ nào đó, cũng là sự lãng phí về ngân sách, chất xám của cả cá nhân và nhà nước. Chính vì thế, Sở KH&CN đã bàn luận, từng bước tìm ra phương thức thích hợp để đưa các đề tài KHXH&NV ứng dụng vào cuộc sống. Từ năm 2007, Trung tâm KHXH&NV đã nghiên cứu đề tài "Điều tra đánh giá hiệu quả của KHXH&NV Nghệ An vào thực tiễn trong giai đoạn 1991 - 2005". Qua điều tra, khảo sát 180 đề tài thuộc 7 lĩnh vực khác nhau của KHXH&NV, kết quả: có 15,3% đề tài được đánh giá ứng dụng đạt hiệu quả cao; 40,5% đề tài được đánh giá ứng dụng được vào thực tiễn; số còn lại thì ứng dụng thấp hoặc không ứng dụng được, như vậy có trên 50% đề tài là ứng dụng được. Đặc biệt, nhóm đề tài về an ninh trật tự, tư vấn chính sách hiệu quả ứng dụng thực tiễn khá cao.
Hội thảo 5 năm thực hiện Đề án 899 về nghiên cứu KHXH&NV. |
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao cùng lĩnh vực nhưng có đề tài ứng dụng được, có đề tài lại không ứng dụng được, Trung tâm cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát 50 đề tài thuộc lĩnh vực an ninh trật tự giai đoạn 1991-2005, trong đó có 11 đề tài có hiệu quả. Đi sâu vào nghiên cứu 11 đề tài đó, cho thấy sở dĩ đề tài ứng dụng có hiệu quả vì ngay từ khi đề xuất đề tài đã gắn với địa điểm, đối tượng, gắn với cơ quan, nơi có thể ứng dụng được, kể cả trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, nhất là phòng chống ma túy. Các đề tài này có quy trình phù hợp từ lựa chọn đề tài, nghiên cứu cho đến tổ chức thực hiện.
Từ thực tiễn và những kinh nghiệm đã đúc rút được, bước đầu có thể nêu lên một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về quan điểm, cần khẳng định một đề tài KHXH&NV muốn ứng dụng vào cuộc sống có hiệu quả, trước hết trong định hướng lựa chọn đề tài đã phải hướng đến mục tiêu ứng dụng. Tất nhiên không phải đề tài nào cũng có thể ứng dụng một cách trực tiếp. Ví như những bộ lịch sử, bộ địa chí chúng ta thực hiện tốn rất nhiều tỷ đồng, nhưng không thể đưa lịch sử, đưa địa chí ra ứng dụng như các lĩnh vực khác, mà cái đó nó sẽ cho chúng ta giàu có hơn về kiến thức, bồi bổ hơn về tâm hồn, để từ đó có những hành động tốt đẹp hơn. Đó cũng là một cách ứng dụng. Nhưng các đề tài khác khi xác định nhiệm vụ cần hướng đến việc ứng dụng trực tiếp, coi đó là một định hướng ưu tiên.
Tuy nhiên, muốn có được những đề tài như thế thì khâu xác định nhiệm vụ cần có sự đổi mới mạnh mẽ. Các đề tài hiện nay chủ yếu được xác định từ đề xuất của các tổ chức, cá nhân. Họ đề xuất chủ yếu trên cơ sở cái họ có, hoặc họ cần, chưa chắc xã hội đã cần. Vì vậy, nhà nước cần tăng cường đặt hàng cho KHXH&NV, coi đây là nguồn chính để xác định nhiệm vụ KHXH&NV.
Thứ hai, trong quá trình xét chọn đơn vị chủ trì, xét chọn cá nhân thực hiện đề tài cũng cần tính đến yếu tố thuận lợi cho việc ứng dụng sau này. Các đề tài KHKT có thể tách bạch giữa nghiên cứu và ứng dụng. Còn đề tài KHXH&NV, trên thực tế người nào vừa nghiên cứu vừa ứng dụng thì đề tài đó sẽ đạt hiệu quả nhất, nhất là hiệu quả ứng dụng. Cho nên từ khi tổ chức nghiên cứu đã gắn với thực tiễn rồi, chứ không còn là nghiên cứu lý thuyết một cách chung chung, mà đã phải khảo sát, tổ chức thực nghiệm một số ý tưởng, một số luận điểm trong quá trình nghiên cứu. Sau khi hoàn thành, quá trình nghiệm thu cũng cần tính đến việc ứng dụng thực tế để nghiệm thu đề tài đó. Hiệu quả ứng dụng chỉ được phát huy thông qua một chuỗi từ đầu đến cuối như thế, chứ không phải chỉ đánh giá riêng ở một khâu nào.
Thứ ba, về quy trình đưa một đề tài vào ứng dụng:
- Trước hết, ngoại trừ những đề tài mang tính chất bí mật, còn tất cả các đề tài khác thuộc kinh tế - xã hội thì phổ biến càng rộng, càng sâu càng tốt. Vừa phổ biến chung với toàn xã hội, nhưng đối với những đối tượng có khả năng và cần thiết ứng dụng thì cần tìm cách để phổ biến sâu. Cho nên, cần chú trọng hơn đến việc phổ biến kết quả nghiên cứu qua các bài báo, bài tổng thuật, báo cáo khoa học nguyên văn, xuất bản thành sách, phóng sự truyền hình...
Phải đưa kết quả của mình vào trong chủ trương của cấp ủy, vào trong chương trình, đề án, kế hoạch của chính quyền, vào trong chương trình hành động của các ban ngành thì mới mong đề tài phát huy hiệu quả cao. Ví dụ như đề tài về phòng chống tội phạm cố ý gây thương tích của Công an Thành phố Vinh, khi triển khai ở các phường Hưng Dũng, Cửa Nam, công an thành phố đều tư vấn cho cấp ủy hai phường này ra hai nghị quyết về việc tăng cường chỉ đạo chống tội phạm đó trên hai địa bàn này. Một bước cụ thể nữa là đưa các kết quả nghiên cứu vào trong quy trình nghiệp vụ hoặc vào trong cơ chế chính sách của nhà nước thì nó sẽ phát huy tác dụng một cách trực tiếp hơn.
Phải tổ chức nâng cao được nhận thức cho cán bộ lãnh đạo và nhân dân về lĩnh vực chúng ta nghiên cứu và cần phải ứng dụng. Công việc thường làm là tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên về những vấn đề mà đề tài nghiên cứu và cần ứng dụng. Đi vào cụ thể hơn nữa còn cần phải kiện toàn tổ chức để thực hiện đề tài đó. Phải đào tạo cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực đó. Tài liệu đào tạo ngoài dựa trên tài liệu chuyên ngành, cần dựa trên chính kết quả nghiên cứu của đề tài đó. Sau đó, xây dựng mô hình ứng dụng đề tài đó trên thực tế và tổng kết mô hình đó để tìm cách nhân rộng ra.
Quy trình cơ bản để đưa một đề tài vào trong cuộc sống là như vậy, song còn tùy thuộc vào tính chất, từng yêu cầu ứng dụng mà cách thức vận dụng cái quy trình này có thể khác nhau, có thể linh hoạt, linh động hơn. Sở KHCN, phòng quản lý KHCN, Trung tâm KHXH&NV cần tiếp tục nghiên cứu từ những mô hình triển khai giai đoạn 2 thành công, từ những mô hình ứng dụng vào xây dựng cơ chế, chính sách, hay thay đổi quy trình nghiệp vụ của lực lượng vũ trang... để hoàn thiện hơn quy trình này. Trên cơ sở đó kiến nghị giải pháp về quản lý, sao cho gắn nhiều hơn giữa nghiên cứu và ứng dụng, thậm chí nhất thể hóa nghiên cứu và ứng dụng. Có như thế mới nâng cao hiệu quả ứng dụng của đề tài KHXH&NV.
Bài, ảnh: Phạm Xuân Cần
(Sở KH và CN)