Xanh mãi những "cây đời"

24/12/2013 22:26

(Baonghean) - Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước, sống "tốt đời, đẹp đạo" của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh ta đã phát triển rộng khắp. Đã có rất nhiều giáo dân là những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự... rất đáng trân trọng.

Giáo dân xã Nghi Phong (Nghi Lộc) trao đổi với các CCB xã về xây dựng nông thôn mới.
Giáo dân xã Nghi Phong (Nghi Lộc) trao đổi với các CCB xã về xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa, yêu Nước”, cả cuộc đời giáo dân Đặng Hữu Cao (72 tuổi) xóm 8, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc luôn gắn với việc ra sức xây dựng quê hương ngày một phát triển đi lên. Những năm đất nước còn chiến tranh, cũng như bao nhiêu người nông dân khác, là một xã viên hợp tác xã, ông Cao luôn cần cù tích cực, bám ruộng đồng, sản xuất lương thực, tiếp tế cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh giặc cứu nước. Với trình độ, năng lực sẵn có, ông Cao được Hợp tác xã nông nghiệp Nghi Trung giao làm cán bộ thống kê, kiêm kế toán, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 1977 đến năm 1994, được sự tín nhiệm của xã viên và nhân dân xóm 8, ông Cao liên tục được bầu làm Đội trưởng Đội sản xuất và Xóm trưởng xóm 8. 17 năm làm xóm trưởng, ông Cao được mọi người yêu quý bởi tinh thần hết mình vì công việc chung. Là một giáo dân, ông luôn hết mình phụng sự nhà thờ, giáo họ, giáo xứ. Trong gia đình, ông Cao là người cha, người ông mẫu mực của 7 người con, 25 đứa cháu. Ông đã dạy dỗ con, cháu mình học tập tốt, lao động tốt, trở thành người có ích cho xã hội.

Từ năm 1996 đến nay, ông Đặng Hữu Cao tham gia sinh hoạt Chi hội Người cao tuổi. Việc ông tham gia, làm vực dậy phong trào người cao tuổi ở địa phương là một câu chuyện dài: Lúc này, chi hội người cao tuổi xóm đang có phần rệu rã, phong trào trầm lắng. Ông được cấp ủy, tiểu ban mặt trận xóm giao ngay làm chi hội trưởng. Nhiệt tình với công việc, ông Cao đã không ngừng ra sức vận động kinh phí, tổ chức các phong trào, đặc biệt là thực hiện đoàn kết lương - giáo trong chi hội, đưa phong trào từng bước đi lên. Khi các cụ trong chi hội đã thống nhất tâm tư suy nghĩ, thì về triển khai cho con cháu nghe theo, toàn dân trong xóm sẽ đoàn kết. Từ một chi hội yếu kém, có 30 người, quỹ hội chưa đến 30 nghìn đồng đến nay Chi hội Người cao tuổi xóm 8 trở lên vững mạnh được Tỉnh hội khen, có 55 thành viên, quỹ hội trên 15 triệu đồng. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xóm 8, chính các cụ trong Chi hội Người cao tuổi là người đi đầu trong hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí, cũng như lắng nghe các chủ trương, đường lối để triển khai cho con cháu làm theo.

Ông Đăng Hữu Cao bày tỏ niềm tự hào có người con trai trưởng làm kinh tế giỏi, và tiếp tục “nối nghiệp cha” làm Xóm trưởng xóm 8 từ 12 năm nay. Con trai trưởng của ông là anh Đặng Hữu Lương là người có công đầu trong việc xây dựng xóm văn hóa, đã đôi lần xin “thôi chức” do đảm nhiệm quá lâu nhưng bà con lương - giáo xóm 8 kiên quyết không đồng ý.

Cũng giống như ông Đặng Hữu Cao, về đến xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc hỏi đến ông Bạch Quang Vinh không ai là không biết. Ông Vinh hiện là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Xóm trưởng xóm Phong Anh, hội viên Hội Cựu chiến binh xã. Về công tác tôn giáo, ông Vinh đã nhiều năm nay đảm nhiệm làm Phó Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Làng Anh. Năm nay đã 62 tuổi nhưng nhìn ông Vinh vẫn khỏe mạnh, tươi trẻ như ở độ tuổi trung niên. Ông Vinh nhỏ nhẹ: “Ai làm việc tốt, có nhiều niềm vui thì sẽ trẻ lâu”. Đối với ông Vinh, quãng đời trong quân ngũ của ông tuy gian khổ nhưng rất đáng tự hào.

Ông vẫn nhớ như in ngày mình nhập ngũ đó là Sinh nhật Bác Hồ 19/5 trong năm đất nước hoàn toàn thống nhất. 5 năm đóng quân nơi biên giới Việt – Lào khu vực Nghệ An – Bôlykhămxay chàng trai vùng giáo yêu nước Bạch Quang Vinh trở thành người lính cứng cáp, bản lĩnh. Năm 1981, sau vài lần chuyển đơn vị công tác, ông Vinh xuất ngũ trở về quê hương. Ông tích cực tham gia hoạt động Hội Cựu chiến binh xã cũng như hoạt động ở giáo họ. Đến năm 2004, khi kinh tế gia đình đã tạm ổn, ông bắt đầu làm Xóm trưởng xóm Phong Anh và được bầu làm đại biểu HĐND xã. Làm xóm trưởng, ông Vinh nghĩ đến việc đưa xóm đi lên, xây dựng xóm đạt danh hiệu làng văn hóa.

Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại không phải là nhỏ khi xóm Phong Anh có xuất phát điểm thấp, chưa có nhà văn hóa cũng như các thiết chế văn hóa khác. Năm 2006, cùng với cấp ủy chi bộ, ông Vinh đến tận từng gia đình, vận động 130 hộ trong xóm hiến đất, đổi đất, góp tiền, góp công xây dựng nhà văn hóa. Rất nhanh, nhà văn hóa khang trang được dựng lên trên phần đất mới nguyên là một chiếc đầm sâu. Ông Vinh kể: Có nhà văn hóa rồi nhưng các thiết chế còn thiếu, nhiều hộ còn sinh con thứ 3. Cán sự xóm lại tiếp tục nói cho bà con hiểu danh hiệu văn hóa là cốt lõi trong mọi việc, tạo tiền đề để xóm đi lên. Bà con vui vẻ nghe theo tiếp tục hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Và đến năm 2011, xóm Phong Anh đã được công nhận làng văn hóa.

Nhận thấy phong trào ở Phong Anh đi lên rất mạnh mẽ, Đảng ủy xã Nghi Phong đã chọn xóm là 1 trong 5 xóm để xây dựng nông thôn mới. Để phát triển Phong Anh thì dứt khoát phải mở thêm con đường dân sinh phía Đông của xóm, xóa thế độc tuyến đường phía Tây, biết là vậy nhưng nhiều năm nay chưa mở được…. “Chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước là một chủ trương lớn xây dựng toàn diện nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Xây dựng nông thôn mới là người dân tự làm đẹp, làm giàu cho mình và quê hương. Mở đường rộng rãi sẽ tạo điều kiện cho văn hóa xã hội, giao thông, kinh tế địa phương phát triển.

Ý thức rõ điều đó nên khi có chủ trương, tôi phấn khởi lắm, mình lại thêm ý chí để vận động bà con”, ông Vinh chia sẻ. Nghĩ là làm, ông xóm trưởng lại đến từng hộ và nói với bà con rằng: “Không có đường thì khó khăn lắm, không phát triển kinh tế được, giá trị đất không có. Và xây dựng nông thôn mới tức là mình làm cho mình”. Bản thân gia đình ông đã hiến 400m2 để làm đường. Ông Vinh tâm sự: “Đường đi qua vườn, nhân dân có lợi, mình có lợi, mình có gương mẫu hiến thì nhân dân mới theo”. Việc hiến đất của ông đã có tác dụng tích cực đến phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương…

Xóm trưởng Bạch Quang Vinh hớn hở dẫn chúng tôi đi xem khu vực đất sắp làm đường dân sinh phía Đông xóm và cho biết: Đã có rất nhiều hộ hiến đất, tính riêng con đường này đã được 1.800 m2. Nhiều nhà có phần đất hiến là ao, đã tự mua đất về san lấp. Để mở đường, nhiều hộ tùy theo điều kiện đã góp thêm tiền, nhà ít thì 1,2 triệu đồng, nhà nhiều 10, 15 triệu đồng. Đến nay tiền mở đường đã được góp trên 100 triệu đồng. Hiện tại mặt bằng cơ bản xong, chúng tôi sẽ nhanh chóng hoàn thành đường…Lễ No-el sắp về, xóm Phong Anh với 93% hộ giáo này tưng bừng các hoạt động chào mừng. Ông Vinh lại tất bật với việc nhà thờ, việc xóm. Trên con đường rộng rãi của xóm, đã thấy những băng rôn được kẻ vẽ trang trọng với nội dung “Ai làm nhiều việc thiện, Chúa sẽ trả công”.

Ở Phong Anh nói riêng và nhiều vùng có đạo khác trong tỉnh, có rất nhiều người công giáo “sống tốt đời đẹp đạo” như ông Bạch Quang Vinh, ông Đặng Hữu Cao. Họ là những “cây đời” xanh tươi, sống phúc âm trong lòng dân tộc.

Thành Chung