Hình tượng Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh trên sân khấu chèo Quân đội

26/12/2013 17:40

Hình tượng Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người Cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo Ðảng và quân đội có tầm nhìn chiến lược, luôn gần dân và vì dân, người học trò và cộng sự ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trên sân khấu Nhà hát chèo Quân đội trong vở diễn Sáng trong như ngọc một con người vừa ra mắt tối 23-12 tại Hà Nội.

 Cảnh trong vở Sáng trong như ngọc một con người.
Cảnh trong vở: Sáng trong như ngọc một con người.

Vở Sáng trong như ngọc một con người do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản, NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn; Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội- NSƯT Ðào Lê chỉ đạo nghệ thuật. Vở diễn hoàn thành và công diễn đúng vào dịp cả nước tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 - 1-1-2014) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-2014).

Ðạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang cho biết, ông đã vô cùng xúc động khi được mời dựng vở diễn bởi đây là một vinh dự lớn. Ông hiểu trách nhiệm khá nặng nề bởi xây dựng hình tượng Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh trên sân khấu rất khó vì Ðại tướng là một nhân vật lịch sử có tầm cỡ chiến lược, để lại những dấu ấn quan trọng trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, gần gũi và được Quân đội, nhân dân yêu mến. Với khoảng cách thời gian chưa phải quá xa, các câu chuyện, các sự kiện trong cuộc đời Ðại tướng được nêu trong vở diễn đòi hỏi phải có độ chính xác cao chứ không chỉ là những huyền thoại và hư cấu.

Theo đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang khi dựng vở, ông đã cố gắng xây dựng hình tượng Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh là sự cộng hưởng của những đức tính cao đẹp về người Cộng sản, một Ðại tướng của nhân dân, gần dân và vì dân; bình dị và quyết đoán. Không một phút giây ngơi nghỉ trong cuộc đời, ở bất kỳ thời điểm khó khăn nào, khi Ðảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cần đến đều có mặt ông, trong chiến tranh cũng như thời bình. Ông không những là Ðại tướng của hành động mà còn là một nhà chính trị với những tư tưởng lớn được xây dựng, khái quát từ thực tiễn cuộc sống và chiến trường. Ở bất kỳ lĩnh vực, nhiệm vụ nào được giao, ông đã đề ra những phương châm chỉ đạo ngắn gọn, hiệu quả và thực chất, giúp Ðảng, Nhà nước và Quân đội đề ra được các quyết sách đúng đắn mang tính định hướng lâu dài.

Vở diễn Sáng trong như ngọc một con người được mở đầu với trường đoạn đầy bi tráng của thời điểm mặt trận Trị Thiên - Huế tan vỡ trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Kẻ thù tăng cường càn quét, bắn giết, khủng bố nhân dân nhằm đẩy lực lượng kháng chiến lên vùng rừng núi. Chính từ trong đau thương tột cùng, lòng người hoang mang, ly tán ấy đã nổi bật hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Chí Thanh, một nhà lãnh đạo Ðảng, một nhà quân sự có tầm nhìn chiến lược cùng tư duy chiến thuật và hành động sắc bén, biết tin vào lòng dân và sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến giữ nước.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Nguyễn Chí Thanh trong thời điểm đó đã tập hợp các đảng viên trung kiên quay trở về để bám dân, gây dựng lại phong trào cách mạng, "tìm ra con đường sống từ trong cái chết". Ông hiểu, Ðảng với dân như cá với nước, dân là gốc rễ, là cội nguồn sức mạnh, chính dân chở che, nuôi dưỡng cách mạng, xa rời dân là chết và kẻ thù cũng chỉ mong như vậy khi lấy khủng bố trắng để tách nhân dân ra khỏi Ðảng. Niềm tin ông đặt vào nhân dân cũng là niềm tin yêu mà người dân Thừa Thiên - Huế dành cho ông, sẵn sàng nhận về mình mọi hy sinh để bảo vệ Ðảng trong thời kỳ đen tối đó, với tâm nguyện "Ðảng còn, Nguyễn Chí Thanh còn thì kháng chiến vẫn tiếp tục".

Cũng từ những ngọn lửa nhỏ nhen nhóm trở lại trong lòng người dân, cuộc kháng chiến giữ nước đã bùng lên quật khởi để làm nên Bình Trị Thiên khói lửa vang danh một thời. Khi phong trào đi lên, chính ông lại phải xa rời đồng chí, đồng bào và quê hương yêu dấu để lên Chiến khu Việt Bắc theo điều động của Trung ương và Bác Hồ, đảm nhận công tác Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, góp phần cùng quân dân ta làm nên một chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng. Ở vị trí mới, tài năng trong công tác tư tưởng, chính trị và quân sự của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh mới bộc lộ đầy đủ. Ðó cũng là tài năng đã được tôi luyện từ thực tế hoạt động cách mạng, từ sự khắc nghiệt của chiến tranh, hiểu dân, hiểu đồng chí, đồng đội và những tâm tư của họ để vận dụng sáng tạo trong cuộc sống và chiến đấu.

Ông đã khơi dậy những tiềm năng, tiếp thêm sức mạnh cho người lính. Bình dị, không đao to, búa lớn, lên gân hay quy chụp, nhưng rất cương quyết bảo vệ quan điểm đúng, xuất phát từ suy nghĩ, tâm tư người lính. Việc tổ chức các đoàn văn công phục vụ mặt trận bị một số chỉ huy chiến trường quy chụp là ủy mị, ông đã khẳng định chính những làn điệu dân ca trữ tình của quê hương đã tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho chiến sĩ, bởi đó là tâm hồn dân tộc, là những giá trị tinh thần, là tình yêu Tổ quốc mà cha ông truyền lại và họ hiểu mình đang chiến đấu để các làn điệu dân ca ấy được trường tồn.

NSƯT Tự Long đã diễn xuất khá thành công, làm nổi bật hình tượng Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ðại tướng của nhân dân, Ðại tướng của hành động thực tiễn và tầm nhìn chiến lược, một tầm nhìn "lấy dân làm gốc" đã ăn sâu, bén rễ trong những bộ óc chiến lược tài ba của dân tộc từ ngàn đời nay. Mặt trận Bình Trị Thiên được khôi phục cũng từ lòng dân, từ sự bao bọc, chở che của nhân dân. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng cũng từ sức dân muôn người như một. Trong những năm tháng đầu thời kỳ hòa bình, xây dựng CNXH ở miền bắc, trong cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Ðại tướng đã về với dân, sống đồng cam cộng khổ cùng đồng bào miền trung bão lụt, hiểu và tin vào sức dân để khơi dậy phong trào sản xuất với một khí thế mới, đề ra được những chỉ đạo sáng suốt và hiệu quả giúp địa phương vượt qua thiên tai bão lũ, xây dựng nên những mô hình tiêu biểu của nông thôn miền bắc XHCN như Hợp tác xã Ðại Phong. Khi chiến tranh chống Mỹ, cứu nước nổ ra, theo yêu cầu của Bác Hồ và Trung ương Ðảng, ông khoác lại bộ quân phục trận mạc, đội mưa bom, bão đạn, vượt Trường Sơn vào nam, động viên và cùng quân dân ta nghiên cứu tìm cách chiến đấu hiệu quả nhất với kẻ thù được trang bị hỏa lực mạnh theo phương châm "bám thắt lưng địch mà đánh".

Vở diễn đã có những khoảng lắng trữ tình, thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo Ðảng và Quân đội trong cuộc sống đời thường, giản dị và nghĩa tình với gia đình, bạn bè, đồng đội và nhân dân. Ông tiêu biểu cho một thế hệ những nhà lãnh đạo trước đây, quên mình vì nghĩa lớn, gác lại những riêng tư vì nhiệm vụ cách mạng giao, vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Với những người như ông, mọi điều gian dối, vụ lợi nhân danh cách mạng là không thể chấp nhận và ông kiên quyết đấu tranh với những kẻ "Xuất phát từ nhân dân nhưng khi nắm trong tay quyền lực thì lại quay lại làm quan cách mạng, không từ một thủ đoạn nào, thậm chí là ăn chặn, ức hiếp nhân dân". Cũng từ thực tế thâm nhập, ông hiểu tâm tư người dân, hiểu thực trạng thoái hóa của một bộ phận cán bộ và kiên quyết xử lý để không cho họ ỷ thế công thần, nhũng nhiễu, lạm quyền làm càn và mang lại lòng tin cho nhân dân.

Vở diễn Sáng trong như ngọc một con người là bài ca đẹp của một con người suốt cuộc đời vì nước, vì dân. Tính tự sự của các trường đoạn chèo đã được tận dụng một cách hợp lý, đưa vào vai diễn Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhất là đoạn ông qua sông với các làn điệu dân ca ba miền đất nước, vừa khai thác được tài năng của diễn viên, vừa mang lại chất trữ tình giữa bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Tuy kịch bản và diễn xuất đôi lúc còn để chất chèo có phần bị chất kịch lấn át, sự đan xen các làn điệu ca kịch miền trung, việc dẫn dắt câu chuyện kịch, chuyển giao giữa các giai đoạn còn khiên cưỡng, chưa thật nhuần nhuyễn, nhưng nhìn chung đây là một vở diễn hay của sân khấu Quân đội.

Theo NDĐT