Mía trổ cờ, người nông dân "thiệt kép"

06/01/2014 15:22

(Baonghean) - Đến thời điểm cuối tháng 12, diện tích mía của huyện Tân Kỳ đã được thu hoạch rất ít so với tổng diện tích mía trên toàn huyện. Cách thu mua mía của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con (gọi tắt là nhà máy) như lâu nay đã gây bức xúc cho người trồng mía. Đặc biệt, hiện nay hầu hết diện tích mía chưa thu hoạch đã trổ cờ trắng xóa, làm cho người trồng mía như ngồi trên đống lửa. Người dân Tân Kỳ không còn mặn mà với cây mía nữa.

hững ngày này, đi trên các cánh đồng mía của huyện Tân Kỳ, đều thấy một màu trắng xóa của hoa mía, tựa như bông lau trên triền đồi. Ngồi nhìn mía trổ cờ, người trồng mía nóng ruột, trông từng ngày được nhận lệnh thu hoạch mía của công ty. Trên các cánh đồng từ Kỳ Sơn, Tân Sơn, Hương Sơn, Nghĩa Phúc… thỉnh thoảng có những gia đình thu hoạch mía. Đáng lẽ sau 1 năm chăm sóc, đến ngày thu hoạch, ai cũng phấn khởi, nhưng ngược lại trên khuôn mặt ai cũng hiện rõ nỗi buồn với cây mía. Buồn là bởi nhà máy thu mua mía với giá rẻ, trừ tạp chất nhiều, độ đường thấp…

Người dân Tân Kỳ băn khoăn sản lượng mía sẽ giảm do mía đồng loạt trổ cờ.
Người dân Tân Kỳ băn khoăn sản lượng mía sẽ giảm do mía đồng loạt trổ cờ.

Bà Ngụy Thị Hải, xóm Hùng Cường 1, xã Kỳ Sơn, bức xúc nói: “Gia đình tôi có gần 1 ha mía, giống mía Tân Đại Đường và MI, dự trù năm nay thu hoạch được khoảng 40 tấn. Ngày 25/10, nhà máy cho 1 lệnh thu mua 1 xe mía. Khi mía được bốc lên xe, gia đình giao toàn bộ mía cho lái xe chở ra nhà máy cân, đo. Sau đó lái xe đưa thông báo kết quả cho gia đình, với số lượng cân được 15,5 tấn mía, nhân với giá mía loại 1 là 820 nghìn đồng/tấn. Đáng lẽ xe mía được 12,7 triệu đồng, nhưng nhà máy trừ 6,2 tạ tạp chất, gia đình còn được nhận 11,3 triệu đồng. Số mía còn lại ngoài đồng chưa biết thời gian nào mới được thu hoạch, mà từ đầu tháng 11 mía đã đồng loạt trổ cờ trắng xóa”. Bà Hải đang lo như năm ngoái, gia đình bà thu hoạch xe mía cuối cùng vào ngày 30/4, khi đó mía đã trổ cờ 4 – 5 tháng, cây mía khô héo giữa đồng, vì thế sản lượng mía giảm đi nhiều so với dự kiến.

Đến xóm 1 Diễn Nam, xã Kỳ Tân, tại nhà ông Xóm trưởng Nguyễn Quốc Việt, nhiều người dân đến giãi bày những bức xúc với chúng tôi, về cách thu mua mía của nhà máy. Nhà bà Hường – Đại có 1,2 mẫu mía cùng chung 1 thửa, thu hoạch được 2 xe ô tô mía. Xe mía đầu, nhà máy đo độ đường loại 1, nhưng xe sau độ đường chỉ đạt loại 3 (2 xe thu hoạch cách nhau 1 ngày). Sự thật này khiến nhiều gia đình trồng mía ở Tân Kỳ phải “ngậm bồ hòn làm thinh”. Đã như thế, nhà máy còn trừ tạp chất mía quá nhiều, 1 xe mía từ 10 tấn trở lên, nhà máy trừ 6 – 7 tạ tạp chất. Ông xóm trưởng cho biết: “Các năm trước giá mía cao, người dân có thể để phần ngọn dài, nhưng khi giá mía rẻ như bây giờ thì không ai dại gì để ngọn dài nữa, mà chặt sâu xuống phía dưới để lấy một phần ngọn và lá cho trâu, bò ăn có lợi hơn. Cho nên nhà máy cho rằng người dân để ngọn dài là không đúng”.

Người trồng mía quá lệ thuộc vào nhà máy, trong khi giá mía thấp, cho nên cây mía không mang lại lợi nhuận cho người trồng mía bằng một số cây trồng khác. Do vậy ở xóm 1 Diễn Nam sau vụ thu hoạch mía này nhiều gia đình sẽ bỏ cây mía, chuyển sang trồng ngô. Ngay như nhà ông Xóm trưởng Nguyễn Quốc Việt, năm nay trồng gần 1 ha mía, nhưng năm tới ông sẽ chuyển toàn bộ đất sang trồng ngô, lạc, đậu. Bởi trồng những cây đó thu nhập cao hơn và đỡ vất vả. Theo chân bà con đến cánh đồng mía Lèn Đứng và Bèo Dâu của xóm 1 Diễn Nam, bà con cho biết, hơn 2 ha mía này đầu tháng 12 năm ngoái đã thu hoạch xong, nhưng năm nay gần hết tháng 12 mà vẫn “án binh bất động”. Mía đã trổ cờ, người dân như ngồi trên đống lửa. Nông dân thiệt đơn, thiệt kép, không chỉ độ đường đạt thấp mà tạp chất nhiều hơn, giá mía vì thế cũng bị kéo xuống. Nói là nhà máy quan tâm đến người trồng mía, nhưng con đường ra đồng này nhà máy hứa làm từ cách đây mấy năm mà vẫn chưa làm cho, người dân thu hoạch mía phải “tăng bo” quá xa.

Ở thôn Thống Nhất, xã Tân Phú, mía là cây chủ lực đem lại kinh tế cho các hộ dân. Với 130 hộ, 460 khẩu, tổng diện tích lúa toàn thôn chỉ có 10 ha nhưng diện tích mía lên tới 70 ha. Hiện nay, các ruộng mía đã đồng loạt trổ cờ, lác đác có một số ruộng mía đã thu hoạch. Theo trưởng thôn Thống Nhất, ông Phạm Văn Hoàn thì những năm trước mía là loại cây đem lại no ấm cho dân, nhưng giờ đây thì không còn như vậy. Ông Hoàn nói: “Việc mía trổ cờ chẳng thể trách cứ Nhà máy Đường Sông Con. Vậy nhưng, trước thực trạng như vậy thì nhà máy nên có kế hoạch thu mua sớm cho bà con đỡ thiệt. Đằng này người dân phản ánh, lệnh chặt mía ở thôn Thống Nhất rất ít vì họ thu mua địa bàn ngoài huyện. Cứ thế này nhà máy được lợi chứ dân thì rất thiệt thòi”.

Người trồng mía ở Tân Kỳ tính toán: Để trồng 1 ha mía người dân đầu tư giống, phân bón, vôi… gần 34 triệu đồng. Nếu tính năng suất mía bình quân của huyện 55 tấn/ha, và tính giá mía loại 1 hiện tại là 820 nghìn đồng/tấn, được 45 triệu đồng. Như vậy, người trồng mía còn lãi 11 triệu đồng/ha. Đó là chưa tính tiền thuê thu hoạch, tiền công chăm sóc… Để thu hoạch được 1 tấn mía, gia đình phải thuê ít nhất 150 nghìn đồng, có những nơi đường sá khó khăn, phải thuê “tăng bo” mía đến nơi tập kết rất tốn kém. Như ở xóm 1 Diễn Nam, những năm qua bà con chú trọng vào cây mía, nên diện tích mía của cả xóm đã có gần 30 ha. Nhà máy đã nhiều lần hứa với bà con làm đường nguyên liệu cho bà con vận chuyển mía đỡ vất vả, nhưng đã nhiều năm trôi qua, trên cánh đồng mía của xóm, những con đường vận chuyển mía lầy lội vẫn còn đó, nhà máy chưa đầu tư làm cho xóm con đường nào.

Ngay cả việc nhà máy cho người trồng mía vay phân vi sinh bón cho mía cũng cần phải bàn. Người trồng mía cho biết, nhà máy cho vay phân bón mía là tạo điều kiện cho những hộ khó khăn đầu tư cho mía kịp thời vụ, nhưng công ty tính giá phân quá cao so với giá phân vi sinh ngoài thị trường (theo phản ánh của người trồng mía, giá phân vi sinh ngoài thị trường hiện nay 5.600 đồng/kg, trong khi đó công ty tính giá 7.300 đồng/kg). Hơn thế nữa, bà con còn bức xúc rằng, nhà máy bắt buộc phải vay phân chứ không bán lấy tiền ngay, vì thế sau khi thu hoạch mía, nhà máy trừ khoản này khoản nọ, người trồng mía cầm được đồng tiền về chẳng còn bao nhiêu.

Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ, hiện tại trên địa bàn huyện có 6.850ha mía, trong đó có 4.344 ha mía lưu gốc, trong số đó có 2.234 ha mía lưu gốc vụ 3 cần phải bỏ gốc để trồng mới hoặc trồng luân chuyển cây khác. Kế hoạch trồng mía mới năm 2014 của Tân Kỳ là 1.800 ha. Như vậy, vùng nguyên liệu mía của huyện Tân Kỳ cần phải thu hoạch sớm trên diện tích 2.234 ha. Thế nhưng chúng tôi được biết, sau 50 ngày đi vào vụ ép mới, Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con đã thu mua được 150 nghìn tấn mía, trong đó số lượng mía thu mua trong huyện Tân Kỳ khoảng 135 nghìn tấn, số còn lại mua ngoài huyện. Số mía thu được đó tương đương hơn 2.450 ha. Như vậy, nếu so sánh với diện tích mía cần phá gốc để trồng mới trong năm tới là tương đối phù hợp. Nhưng nếu thế thì tại sao ở xóm 1 Diễn Nam đang còn trên 20 ha mía đã quá tuổi mà vẫn chưa thu hoạch? Không những ở Diễn Nam mà người trồng mía ở các địa phương khác cũng rất bức xúc vì mía đã quá tuổi mà chưa có lệnh thu hoạch.

Ông Vương Đình Lập – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, cho rằng: Quan điểm chỉ đạo của huyện là căn cứ vào thời điểm thu hoạch mía của từng nhà trong vụ thu hoạch trước để có kế hoạch thu hoạch mía cho vụ sau. Nhưng thực tế lâu nay giữa người trồng mía và công ty không có hợp đồng cụ thể về quy trình thu hoạch mía. Những diện tích mía sau 3 năm lưu gốc, chuyển sang trồng mới là nhà máy phải ưu tiên thu hoạch sớm. Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã có giải pháp bắt đầu từ năm tới, yêu cầu các địa phương phối hợp với cán bộ nông vụ của nhà máy thực hiện ký hợp đồng cụ thể về lịch thu mua mía để có căn cứ cho vụ thu hoạch sau. Nếu gia đình nào thấy cán bộ nông vụ bố trí thu hoạch mía không đúng với thời gian hợp đồng là có cơ sở để kiến nghị với chính quyền và nhà máy. Người dân cần trực tiếp vào giám sát, lấy kết quả, không nên ủy thác toàn bộ cho lái xe, như lâu nay là lỗi của người trồng mía.

Theo ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ, nếu mía trổ cờ sớm nguyên nhân do giống, thì Công ty cần chọn những giống mía dài ngày, hoặc những giống mía không trổ cờ để cơ cấu trồng thay thế. Mía trổ cờ dài ngày mới được thu hoạch, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía, dẫn đến người trồng mía thua thiệt.

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sông Con, giải thích: Mía trổ cờ sớm là do mẫn cảm với thời tiết năm nay mưa nhiều, độ ẩm cao, kết hợp với khô hanh, khiến mía kích thích ra hoa sớm. Vụ ép này Công ty chính thức hoạt động từ ngày 14/11 và sẽ kết thúc ép vào ngày 30/4/2014 (năm nay nhà máy nâng công suất từ 3.000 tấn lên 3.300 tấn mía/ngày). Do vậy, vụ ép năm ngoái, tính đến ngày 31/12, Công ty thu mua được 102 nghìn tấn mía, nhưng năm nay tính đến ngày 5/1/2014 Công ty đã thu mua được 150 nghìn tấn mía, trong đó có 90% là thu mua trong huyện, còn lại là thu mua ngoài huyện.

Hiện tại, Công ty hợp đồng 220 xe ô tô vận tải, hàng ngày chở mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Vùng nguyên liệu của Công ty ngoài huyện Tân Kỳ là chủ yếu (gần 6.400 ha hợp đồng với nhà máy), còn có 2.000 ha mía nguyên liệu tại 5 huyện khác là: Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành, Đô Lương và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Việc trừ tạp chất trong mía (chất phi đường), như: rễ, lá, đất, ngọn… là Công ty thực hiện đúng quy định của Bộ NN&PTNT. Trước đây giá đường cao, công ty không trừ tạp chất mía, để người trồng mía có lợi. Những năm gần đây giá đường giảm mạnh, buộc Công ty phải thực hiện trừ tạp chất, để bớt gánh nặng cho công ty.

Bức xúc với vấn đề này, đại diện cho người trồng mía, ông Phan Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Nông nghiệp Sông Con cho rằng: Nhà máy mua mía mà trừ tạp chất như lâu nay là không hợp lý. Bởi vì, khi xe mía còn nguyên, nhà máy sử dụng mũi khoan của hệ thống máy kiểm tra chất lượng mía để khoan sâu vào xe mía lấy mẫu phân tích độ đường, thì đương nhiên trong mẫu mía đó gồm có cả tạp chất, như vậy khi phân tích mẫu mía, phần tạp chất đó đã ảnh hưởng đến độ đường rồi. Đã như vậy, nhà máy còn trừ 3 – 4% tạp chất của xe mía, dẫn đến người trồng mía thiệt đơn, thiệt kép.

Đối với phân bón vi sinh, ông Quý giải thích: Phân vi sinh lâu nay Công ty cho người trồng mía nhận về bón là do Công ty sản xuất, phù hợp với cây mía trong quá trình sinh trưởng, nên công ty bán với giá trên 7.000 đồng/kg. Cách giải thích của ông Quý khó thuyết phục, bởi đã có cơ quan chức năng nào xác nhận cho tính đặc dụng về phân vi sinh của Công ty đâu.

Thiết nghĩ, để nhà máy đường phát triển một cách bền vững, thì điều cốt yếu là nhà máy phải chăm lo, bảo vệ vùng nguyên liệu chính của mình, không nên “tham đĩa bỏ mâm”. Nên chăng các nhà quản lý, đặc biệt là đơn vị sản xuất mía đường cần có hoạch định chính sách có tính chiến lược lâu dài, bền vững, một cách sâu sát và chia sẻ với người dân trồng mía, nhằm hướng đến một mục đích là cây mía trồng ra 3 bên đều có lợi. Trong khi ngành mía đường gặp khó khăn thì người trồng mía đã sẵn sàng chia sẻ với nhà máy, thì ngược lại phía nhà máy cũng cần chia sẻ với người trồng mía một cách bình đẳng.

X.Hoàng – N.Lân