Giúp con bạn tránh mắc sởi

07/03/2014 15:47

Thời gian gần đây, bệnh sởi đang trở lại và bùng phát trên diện rộng. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc sởi phải nhập viện, từ 10 trường hợp trong tháng 1, đến thời điểm này đã lên đến hơn 150 ca.

Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhi có biến chứng viêm phổi nặng, thậm chí tử vong song lại có thể bệnh không điển hình về đặc điểm bệnh.

Điểm đặc biệt trong đợt dịch này là rất nhiều trường hợp không điển hình và có những diễn biến nặng do viêm phổi có thể dẫn đến tử vong. Để tránh những biến chứng nặng của mắc sởi và đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý:

Tiêm phòng là cách giúp trẻ tránh bị nhiễm bệnh sởi. Ảnh minh họa

1. Thời kỳ ủ bệnh của sởi là khoảng 11 ngày với những biểu hiện mờ nhạt. Sau đó, triệu chứng bệnh xuất hiện rầm rộ. Tuy nhiên, nếu không tinh, các bà mẹ có thể nhầm sởi với các bệnh phát ban khác.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Virus này có tính lây truyền cao nên dễ gây thành dịch. Khi trên 94% quần thể trong cộng đồng có tính miễn dịch thì mới có thể cắt được sự lây truyền của sởi.

2. Triệu chứng lâm sàng: Chia làm 4 thời kỳ.

- Thời kỳ ủ bệnh, trung bình 10-12 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.

- Thời kỳ khởi phát còn gọi là thời kỳ viêm long. Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài 4-5 ngày.

Các triệu chứng chính trong giai đoạn này là: sốt, có thể sốt nhẹ 38-38,5oC hoặc sốt cao 39-40oC, kèm theo mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ khớp.

Biểu hiện viêm long, đây là triệu chứng trung thành gần như không bao giờ thiếu trong bệnh sởi. Bao gồm:

Viêm long ở mắt gây chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ. Bệnh nhân sợ ánh sáng. Giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù.

Viêm long ở mũi gây hắt hơi, sổ mũi, khàn giọng, ho có đờm. Viêm long đường tiêu hóa gây tiêu chảy, thường là phân lỏng, số lượng ít.

Khám họng ở giai đoạn này có thể tìm thấy một dấu hiệu bệnh lý rất có giá trị để chẩn đoán bệnh sởi trước khi phát ban: dấu Koplik - đây là những chấm trắng nhỏ khoảng một milimet, nổi trên niêm mạc má màu đỏ sung huyết, đối diện với răng hàm thứ nhất.

Những nốt này biến mất nhanh trong vòng 12-18 giờ sau khi xuất hiện. Rất hiếm các trường hợp các nốt này xuất hiện phía trên vòm hầu hay giữa môi dưới.

- Thời kỳ toàn phát, còn được gọi là thời kỳ phát ban. Ban xuất hiện đầu tiên sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ ngực bụng và phần chi trên. Trong 24 giờ tiếp ban lan ra sau lưng, hông và chi dưới.

Trong vòng 2-3 ngày ban lan ra toàn thân. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất. Ban có khuynh hướng dính kết lại, nhưng xen kẽ có những khoảng da lành không bị tổn thương nằm giữa những vùng không bị phát ban. Trong các thể nhẹ, ban thưa thớt, không lan đến chân.

Trong trường hợp nặng, ban dày gần như toàn bộ da bị che kín, ngay cả bàn tay bàn chân. Đôi khi có cả ban xuất huyết và có thể kèm theo xuất huyết ở mũi, miệng, ống tiêu hóa.

Khi bắt đầu phát ban, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, nhưng khi ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Sau khi phát ban 2-3 ngày mà còn sốt thì phải theo dõi thêm những biến chứng. Ngoài ra còn có thể biểu hiện: hạch cổ và hàm có thể bị sưng lên, lách to, hạch màng bụng to gây đau bụng...

- Thời kỳ hồi phục, thông thường sởi bay theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da được gọi là vết vằn da hổ. Bệnh nhân ăn uống khá hơn, toàn trạng hồi phục dần.

3. Đường lây truyền của bệnh sởi: Chủ yếu là đường hô hấp, như qua nước bọt, hắt hơi, sổ mũi hoặc do hít phải mầm bệnh từ môi trường bên ngoài của bệnh (do mầm bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường hơn một giờ).

4. Diễn tiến bệnh: Diễn biến của bệnh sởi thường lành tính, phục hồi hoàn toàn. Phần lớn các trường hợp tử vong do biến chứng, nhất là bội nhiễm phổi do các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên tục, trực khuẩn gram âm hoặc vi khuẩn lao đặc biệt trên cơ địa suy dinh dưỡng.

Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não, cam tẩu mã, viêm ruột kéo dài dẫn đến tình trạng tiêu chảy liên tục, loét giác mạc mắt (do thiếu vitamin A, có thể dẫn đến thành lập hạt Bitot và mù), đặc biệt suy dinh dưỡng do một chế độ quá kiêng khem.

5. Nguyên nhân làm dịch sởi lây lạn rộng và có diễn biến phức tạp là do tâm lý lo sợ các biến chứng sau tiêm của các bậc phụ huynh nên không cho con đi tiêm phòng vắc xin sởi. Chính vì thế, số lượng bệnh nhi mắc sởi đang không ngừng tăng lên đáng kể và lan rộng ra các tỉnh thành, địa phương khác.

Tiêm phòng sởi 1 mũi chưa đủ khả năng tạo miễn dịch cao cho trẻ, cần tiêm đủ 2 mũi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và lần thứ hai vào 18 tháng tuổi.

Nguyên nhân làm dịch sởi lây lan, ngoài lý do không cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi và do đặc điểm khí hậu nóng - lạnh bất thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển.

Ngoài ra, khả năng lây lan của bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng, nơi nào có tỉ lệ miễn dịch cộng đồng thấp thì dịch sởi lây lan càng nhanh và nguy cơ xảy dịch càng lớn.

6. Tuổi mắc bệnh thông thường của trẻ là từ sau 6 tháng do dưới 6 tháng tuổi, con vẫn còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nếu bú mẹ sẽ bảo vệ cho con.

Chính vì thế trẻ em từ 1- 4 tuổi rất dễ gặp phải vì lúc này hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên trong các trường hợp mắc bệnh gần đây, số trẻ mắc bệnh trong tuổi bú mẹ khá nhiều, có thể do mẹ chưa tiêm phòng sởi, chưa có đáp ứng miễn dịch với sởi nên vẫn chưa có kháng thể bảo vệ con.

Phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi do kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.

7. Đối những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà nên cha mẹ đừng quá lo lắng, không nên nhập viện trong thời điểm này khi các khoa truyền nhiễm đều rất đông bệnh nhân sởi và nguy cơ lây nhiễm các nhiễm trùng bệnh viện làm nặng hơn tình trạng của trẻ là rất cao.

Trên 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây nhiễm nếu chưa được tiêm phòng virus bệnh sởi đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch bị tổn thương thì nguy cơ càng cao hơn.

Cần cách ly, hạn chế tiếp xúc, người lớn chưa được miễn dịch với sởi cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nên vẫn phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

8. Chăm sóc khi trẻ mắc sởi: Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh. Uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng.

Không nên kiêng khem quá mức, chỗ ở phải đảm bảo thoáng, sạch sẽ, vệ sinh cơ thể cho các bé, thay quần áo thường xuyên, đảm bảo vệ sinh răng miệng cho các bé, tránh đưa các bé ra ngoài gió.

phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.

9. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, người dân cần thực hiện các biện pháp như: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Che miệng khi ho, hắt hơi. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.

Lưu ý:Cần phân biệt sởi với các phát ban dạng sởi

Các triệu chứng của bệnh sởi rất dễ nhầm với biểu hiện của bệnh Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức). Hơn nữa, các phát ban của sởi có thể nhầm với các phát ban dạng dị ứng, do vậy bệnh nhân thường chủ quan.

Để phân biệt bệnh sởi và bệnh Rubella cần lưu ý:

Giai đoạn ủ bệnh: Ở bệnh Rubella từ 1-2 ngày, sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp nhẹ, dấu hiệu nhiễm độc không rõ. Ở bệnh sởi từ 2-4 ngày, sốt và triệu chứng hô hấp trung bình đến nặng.

Thời gian ban tồn tại: ở bệnh Rubella khoảng 1-2 ngày, ban màu đỏ tươi; còn ở bệnh sởi khoảng 3-5 ngày, ban màu đỏ sẫm hoặc nâu trước khi mờ dần. Ban trong bệnh Rubella dát sẩn dạng sởi nhưng thường nhỏ hơn, mọc thưa hơn và mọc sớm ngay từ ngày thứ 1 - 2, mọc cùng lúc, khi bay để lại vết thâm.

So sánh nốt ban sởi và nốt ban do dị ứng: Nốt ban do dị ứng mọc toàn thân không theo thứ tự (ban ở bệnh sởi thường mọc từ mặt, đầu rồi lan xuống tay, toàn thân và chân), thường rất ngứa.

Việc nổi ban do dị ứng có nguyên nhân cụ thể do yếu tố thời tiết, dị ứng thức ăn, dùng thuốc…

Theo VTC News