"Kỳ tích" của một nông dân

09/01/2014 21:00

(Baonghean) - Anh Nguyễn Hữu Duệ ở đội 2 Bãi Sở, xã Tam Quang, huyện Tương Dương là một nông dân chân chất đồng ruộng, dù tuổi đời chưa nhiều, nhưng rất đam mê với việc cải tiến, sáng chế nông cụ sản xuất. Chỉ cần nhìn thấy người ta làm ra cái gì phục vụ trong nông nghiệp, là anh mày mò làm theo, từ đó anh làm ra những chiếc máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm rất hiệu quả...

Được một đồng nghiệp chỉ cho, chúng tôi tìm đường đến nhà anh Nguyễn Hữu Duệ vào một ngày cuối năm. Đi trên những con đường làng đã đổ bê tông sạch đẹp, theo tiêu chí NTM, hỏi đến nhà anh Duệ “sáng chế” thì bà con Bãi Sở ai cũng nhiệt tình chỉ lối. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh gần cuối làng.

Ấn tượng đầu tiên trước khi bước vào nhà là xanh mướt của các loại cây trồng. Có khách, vợ chồng anh Duệ đánh xe trâu từ ruộng mía về nhà, trên xe chở đầy lá mía. Gặp anh, chúng tôi đã thấy đầy thiện cảm với người nông dân 38 tuổi đời có nước da ngăm đen, đôi mắt sáng, vóc dáng nhanh nhẹn, năng động và cởi mở. Trò chuyện, anh Duệ khiêm tốn nói: “Mình có phải mô hình làm kinh tế giỏi đâu mà viết báo, chẳng qua là tò mò làm mấy cái máy chế biến thức ăn cho vật nuôi thôi mà. Các anh biết đó, vốn là một nông dân, con gì cũng muốn nuôi, cây gì cũng muốn trồng, nếu cứ dùng sức người thì vất vả và mất nhiều thời gian lắm. Để nuôi được chục con lợn, vợ chồng phải thức khuya dậy sớm băm từng nắm rau, hoặc hạt ngô làm ra, muốn chế biến thành thức ăn cho gia súc, gia cầm, phải mất công mang đến dịch vụ đập bột, vừa tốn kém, vừa không ưng ý mình. Nghĩ vậy, tôi quyết chí chế thành những chiếc máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, đơn giản, ít tốn kém, nhưng rất có ích cho nhà nông như tôi…”.

Nói rồi, anh Duệ dẫn tôi đến khu vực chăn nuôi của gia đình giới thiệu các loại máy một cách tỉ mỉ: “ Nói thực với anh, toàn bộ mấy cái máy này xuất phát từ “14 in” mà ra. Ý là tôi xem trên ti vi, thấy người ta giới thiệu các loại máy băm rau, cắt cỏ, đập ngô… là mình mày mò làm theo. Năm 2004, trong một lần xem chương trình, tôi thấy người ta giới thiệu chiếc máy cắt rau lợn do một nông dân làm ra. Xem xong, đêm nằm cứ nghĩ, người ta làm được thì mình làm theo chắc cũng được thôi, tôi đến điểm thu mua phế liệu để mua một ít sắt thép. Người đời có câu “Nói thì dễ nhưng làm lễ thì khó”, do chỉ được xem trên ti vi nên phần lớn do óc tưởng tượng là chính, trong tay không hề có thiết kế hay bản vẽ gì. Trong quá trình làm, có nhiều chi tiết phải làm đi làm lại nhiều lần. Đặc biệt, là 2 cái lưỡi dao, phải thiết kế giống như cánh quạt, làm thế nào để khi máy hoạt động, quay được đều, rau được cắt nhỏ đều và tháo ra lắp vào dễ dàng là rất khó. Không chịu bó tay, sau nhiều lần làm thử, chiếc máy cắt rau được thiết kế một cách tương đối hoàn hảo, an toàn, chi phí thấp và điện năng tiêu thụ ít. Từ ngày đó đến nay, dù chăn nuôi nhiều lợn, trâu bò, gà… vợ chồng không còn phải lo khâu bằm rau, thái chuối như trước. Các loại rau hái về, chỉ cần ít phút là có ngay cho gia súc ăn.

Anh Nguyễn Hữu Duệ và chiếc máy thái rau tự sáng chế.
Anh Nguyễn Hữu Duệ và chiếc máy thái rau tự sáng chế.

Làm được máy cắt rau, anh Duệ còn nghĩ ra chiếc máy thái sắn, máy đập ngô tiện lợi. Trước đây, sắn nhổ về, bóc vỏ rửa sạch, cả gia đình dùng dao thái từng nhát cả tháng trời đến khi bàn tay chai sần mới hết. Từ khi có cái máy, cả mấy tấn sắn, vợ chồng chỉ làm trong ít ngày là xong, đỡ vất vả, vừa tranh thủ được thời tiết. Hạt ngô cũng vậy, mấy năm gần đây, anh nuôi chim bồ câu bằng hình thức nuôi nhốt, nên hàng ngày cần một lượng thức ăn khá nhiều, nếu ngày nào cũng phải giã ngô rất vất vả và mất nhiều thời gian. Không chịu bó tay, anh lại mày mò chế ra ngay chiếc máy đập ngô mi ni. Hạt ngô đã được phơi khô, cho từng bát vào guồng máy, chỉ sau chốc lát, ngô được đập nhỏ như hạt gạo, đem cho bồ câu ăn rất tiện lợi.

Cả 2 cái máy cắt cỏ và đập ngô, được anh Duệ thiết kế gắn trên một cái ghế bằng gỗ, dài chừng 1m, ở giữa là 1 chiếc mô tơ điện loại nhỏ. Ôm bó lá mía vừa đưa từ ngoài đồng về đặt cạnh chiếc máy, anh Duệ đóng cầu dao điện, chiếc máy cắt rau chạy đều. Anh Duệ đưa lá mía vào guồng máy, từ phía sau, từng loạt lá mía được lưỡi dao cắt ngắn chừng 4 - 5 cm phun ra chất thành đống. Chỉ trong chốc lát, cả đống lá mía đã được cắt nhỏ. Anh nói, trước đây khi chưa có chiếc máy này, lá mía để dài, mỗi lần cho bò ăn rất lãng phí, vì chúng kéo đi khắp chuồng, dẫm đạp lên. Do 2 chiếc máy được lắp đặt trên cùng một chiếc ghế, nên khi nào đập ngô, chỉ việc tháo dây cu roa từ máy cắt rau sang máy đập ngô là hoạt động được. Hàng trăm con chim bồ câu nuôi nhốt, ngoài thức ăn lúa ra, hàng ngày anh còn cho ăn thêm ngô đã đập nhỏ, do vậy chiếc máy đập ngô là phương tiện giúp vợ chồng anh bớt phần vất vả, nặng nhọc.

Anh Duệ thổ lộ: “Trong thời gian mày mò để chế ra những chiếc máy, vợ con thường động viên tôi. Suốt ngày làm bạn với mớ sắt vụn, mày mò tìm kiếm từng con ốc, đo, cắt, mài… từng đoạn sắt, cuối cùng ai cũng ngỡ ngàng trước những chiếc máy do chính bàn tay, khối óc của tôi làm ra”.

Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, là những luống rau khoai, ngô, và nhiều loại cây trồng khác, cây gì lá cũng xanh mướt. Giữa mảnh vườn rộng chừng 3.000 m2 là một ao cá bán âm dương. Thấy tôi ngạc nhiên bởi cái ao cá, anh Duệ cho biết, ở vùng đất này nếu đào ao mà không biết cách xử lý thì vào mùa hè sẽ khô khốc nước, do vậy chỉ đào sâu gần 1 m, sau đó đắp bờ cao lên, dùng loại bạt dày phủ áp xung quanh bờ ao, để hạn chế nước thấm qua bờ, làm cạn nước trong ao. Để có nước luôn đầy ao, anh đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước để lấy nước từ khe suối về. Nước luôn trữ đầy ao, vừa nuôi được cá, kết hợp với bơm nước tưới cho cây trồng trong vườn. Ngày nào cũng vậy, chiều đến là anh cắm điện bơm nước tưới cho các loại cây trồng rất tiện lợi. Bởi thế, dù mùa hè hạn hán, nhưng các loại cây trồng trong vườn nhà lúc nào cũng tươi tốt cho năng suất cao.

Nhắc đến chuyện nước sinh hoạt, anh Duệ hứng khởi kể: “Ngay cả nước sinh hoạt của bà con trong đội cũng do chính tôi là người khởi xướng “đưa nước về làng”. Trước đây, bà con Bãi Sở thường thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, muốn lấy được nước sinh hoạt, bà con phải đi xa hàng cây số từ trong khe suối gánh nước về. Năm 2002, sau khi khảo sát địa hình, anh mạnh dạn bàn với 2 gia đình trong xóm cùng nhau đầu tư đường ống dẫn nước dài hơn 1 km từ khe suối. Được mọi người đồng ý, 3 gia đình đầu tư hơn 4 triệu đồng để lắp đặt đường ống dẫn nước về từng nhà. Khi đưa được dòng nước về nhà, hàng ngày từ người già đến người trẻ, mang thùng đến xin nước về sinh hoạt. Bà con Bãi Sở ai mến anh, gọi anh là “thần nước”!

Tưới cây bằng máy, cắt rau, chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng bằng máy, nên vợ chồng anh Duệ đỡ vất vả và tiết kiệm được thời gian. Vợ chồng anh có thời gian chăm sóc các loại cây trồng ngoài đồng, cây gì của anh trồng cũng bội thu. 5 sào đất trồng mía, theo ước tính của anh, vụ này thu hoạch khoảng 30 tấn, tính ra 1 ha mía năng suất đạt “khủng” trên dưới 120 tấn. Ngoài ra, anh còn trồng nhiều diện tích cây màu, lúa nước, năm nào cũng bội thu.

Mặc dù sản phẩm của anh chỉ phục vụ trong gia đình, nhưng với một nông dân trẻ chưa từng được đào tạo nghề, thì đó đã là một điều kỳ tích!

Xuân Hoàng