Quả ngọt đầu mùa
(Baonghean) - Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2012-2013, Nghệ An có 95 học sinh đoạt giải, trong đó, có tới 73 học sinh của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Trong số đó có những gương mặt “thi vượt cấp” và giành được giải cao. Thành tích đó như những quả ngọt đầu mùa, mà trước đó là cả một quá trình vun xới, chăm sóc; là kết quả tất yếu của sự miệt mài, niềm đam mê của học sinh và sự tận tình, tâm huyết của đội ngũ giáo viên trường Phan…
Một buổi sinh hoạt đầu tuần ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. |
Tượng cụ Phan Bội Châu trong khuôn viên trường. |
1. Nguyễn Lê Hà, giải Nhất Quốc gia môn Địa lý và ước mơ xây dựng quần đảo Trường Sa thành nơi phát triển kinh tế.
Nguyễn Lê Hà |
Ấy là một câu hỏi mở trong đề thi quốc gia môn Địa lý năm nay mà Lê Hà tâm đắc và dành nhiều thời lượng nhất để hoàn thành nó. Với câu hỏi này Hà được thể hiện nhiều nhất khả năng tư duy để chứng minh sự thuận lợi về điều kiện tự nhiên, xã hội của quần đảo để phát triển kinh tế. Và để nêu được sự thuận lợi đó Hà cho rằng người học phải tích hợp được rất nhiều khả năng, khả năng tư duy của Toán học, khả năng phân tích của Triết học, Lịch sử… Chia sẻ suy nghĩ về môn Địa lý, em cho biết đây là môn học vừa vận dụng kiến thức của khối xã hội, lại vừa sử dụng kiến thức từ các môn tự nhiên nên rất thú vị. Hơn nữa với em học Địa lý để hiểu hơn về các vùng, miền không chỉ trên đất nước Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Khi nói về ước mơ được xây dựng quần đảo Trường Sa thành nơi phát triển kinh tế, Hà cho rằng: “Không quá xa vời đâu vì đó là nơi hội tụ đủ yếu tố về đất, nước về độ sâu mặt nước biển và cả những khoáng sản trong địa tầng nơi đây. Chúng ta cần có thời gian và cả sự quyết tâm để biến thành hiện thực. Và em rất muốn được góp phần nhỏ trong những dự án ấy trong vai trò cố vấn khoa học…”.
Hà có niềm đam mê với môn Địa lý từ khi còn là một cô bé học lớp 7, THCS Thị trấn Con Cuông. Hàng vạn câu hỏi “vì sao” như: Vì sao Hà Nội lại là nơi phát triển nhất về nền kinh tế, vì sao có hiện tượng mặt trời lên thiên đỉnh trong các ngày 21/3, 22/9 (mặt trời vuông góc với mặt đất), vì sao Bắc bán cầu và Nam bán cầu lại có ngày trắng và đêm trắng. Và vì sao mảnh đất Con Cuông quê hương em lại phù hợp với cây trồng nhiệt đới, đặc biệt là cây cam?... luôn ám ảnh Hà, thôi thúc em tìm ra ngọn ngành, lý giải nó một cách khoa học.
Và niềm đam mê đó biến thành hiện thực khi em đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Suốt 3 năm học, Hà luôn là người dẫn đầu lớp chuyên Địa lý vì khả năng tự học và sáng tạo. Giờ đây em đã có thể giải thích các hiện tượng về thiên nhiên con người về kinh tế - xã hội đặc trưng của một vùng miền cho bố mẹ và chị gái mình hiểu. Bố mẹ và chị gái tròn mắt ngạc nhiên trước sự giải thích khoa học cặn kẽ với những từ chuyên môn như: vì Con Cuông là mảnh đất giàu pheralist, tạo điều kiện thuận lợi cho các cây trồng nhiệt đới và cam là một loại cây trồng phù hợp với chất đất này; Hay, theo vòng cực của trái đất, từ 21/3 đến 23/9, Bắc bán cầu nhận được ánh sáng nhiều hơn nên ngày dài hơn đêm, đến 22/6 ngày dài nhất và đêm ngắn nhất thế nên mới có hiện tượng ngày trắng và đêm trắng.
Giải Nhất Quốc gia môn Địa lý năm học 2012 – 2013 của Lê Hà hội tụ 3 cái nhất: Là 1 trong 2 giải Nhất đầu tiên của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu về môn Địa lý, lần đầu tiên tỉnh ta có giải Nhất ở bộ môn này và lần đầu tiên lớp 11 có giải quốc gia về môn Địa lý. Có được thành tích này Hà nói công lớn là nhờ tới sự dìu dắt của cô giáo chủ nhiệm và cũng là cô giáo dạy môn chuyên Địa lý. Cô Nguyễn Thị Hoa Huệ, giáo viên bộ môn đánh giá: “Từ 10 năm đi dạy bây giờ tôi mới gặp được một học sinh như Lê Hà. Ở em hội tụ nhiều đức tính, nhiều phẩm chất mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Em rất thông minh và nỗ lực trong học tập, không bao giờ em tự bằng lòng với kết quả đạt được. Thế nhưng Hà rất cầu thị và khiêm tốn. Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 THPT sắp tới, rất hy vọng Hà sẽ mang về giải Nhất”.
Khi hỏi về ước mơ của Lê Hà, em cho biết: “Em muốn trở thành chiến sỹ công an nhân dân chuyên nghiên cứu hồ sơ mật. Từ nhỏ em đã thích bộ quân phục, yêu mến, cảm phục tài trí và của những chiến sỹ công an chuyên điều tra phá án. Và em thấy việc nghiên cứu hồ sơ mật cần phải tích hợp những yếu tố về văn hóa xã hội, tập quán dân cư vùng miền, điều đó rất gần với môn Địa lý mà em đam mê ”.
2. Cao Ngọc Thái, giải Nhất quốc gia môn Vật lý: “Ước mơ kết dính mặt trăng với trái đất”.
Khi đạt giải Nhất trong cuộc thi Học sinh giỏi quốc gia Vật lý, Thái không khỏi bất ngờ vì theo em, em cũng không phải là học sinh giỏi nhất lớp chuyên Lý của thầy Trần Văn Nga, mà chỉ là do “Em giải được nhiều hơn các bạn một bài toán nên em đạt số điểm cao nhất thôi”. Em cho rằng với Vật lý cái khó nhất là giải thích hiện tượng chứ không phải là giải các bài Toán khó. Một hiện tượng ẩn chứa trong nó cả một chân trời khoa học. Ví như khi một ngọn đèn chiếu qua một cái khe hẹp của một tấm bìa thì phía sau khe hẹp đó sẽ có rất nhiều quầng sáng xen kẽ, đó chính là sự nhiễu xạ. Cũng từ hiện tượng này mà người ta sáng chế các thiết bị khảo sát sự chính xác các linh kiện điện tử…
Cao Ngọc Thái (giữa) |
Cũng bởi sự tò mò muốn được giải thích những hiện tượng trong đời sống mà ngay từ nhỏ Thái đã yêu thích bộ môn này. Nhớ ngày còn học THCS Cao Xuân Huy (Diễn Châu) em đã được thầy giáo giải thích những hiện tượng về Vật lý như quả trứng để trong chiếc cốc cho vào nồi nấu trên bếp thì không bao giờ chín được vì nhiệt độ sôi trong quả trứng sẽ lớn hơn nhiệt độ sôi từ ngoài cốc truyền vào. Hay như nếu luộc trứng ở Sa Pa thì trứng cũng chỉ ở dạng lòng đào mà thôi, vì nhiệt độ sôi của nước ở đây chỉ đạt khoảng 850C do áp suất khí quyển thấp hơn đồng bằng, còn bản thân quả trứng, nhiệt độ sôi của nó lên tới 960C.
Dù không phải là cán bộ lớp, không phải là thành viên có nhiều sự ảnh hưởng tới những người xung quanh nhưng Thái luôn được bạn bè yêu mến vì tấm lòng, vì tính cách, con người em. Lớp trưởng Lê Quốc Bảo, lớp 12 chuyên Lý nhận xét: “Thái như là một người anh mẫu mực của lớp. Bạn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, kèm cặp các bạn học kém hơn mình; sẵn lòng giải đáp thắc mắc của mọi người về môn Vật lý; nhiệt tình trong mọi phong trào, hoạt động của lớp, của trường”.
Ước mơ của Thái là trở thành nhà Vật lý vĩ đại cho ra đời những phát minh có tính kiến thiết. Thái nói: “Ước mơ lớn nhất của em là phát minh ra vật liệu dính để có thể kết dính trái đất và mặt trăng, để con người không còn lo tình trạng thiếu đất. Mặt trăng là nơi có địa chất gần giống với trái đất, lại ở gần nhau nên việc kết dính 2 thiên thể này là hoàn toàn khả dĩ. Vật liệu kết dính còn có thể xây ngôi nhà 1000 tầng mà không sợ động đất, có thể xây nhà không cần móng. Dù biết đó là những ước mơ xa vời nhưng chúng em là những người trẻ thời đại @ nên phải biết ước mơ và có kế hoạch cho những ước mơ đó”.
3. Nguyễn Trung Kiên, giải Nhì HSG quốc gia môn tiếng Nga và ước mơ trở thành phiên dịch viên quốc tế.
Chọn ngành Tiếng Nga để theo học, Nguyễn Trung Kiên không nghĩ đến việc đây là thứ tiếng hiện không còn thông dụng nữa, bởi từ nhỏ, trong em tình yêu với nước Nga với mùa thu vàng của xứ sở Bạch Dương này đã đong đầy.
Sinh ra và lớn lên tại xã Diễn Kim – Diễn Châu từ nhỏ Kiên đã phải sống xa bố mẹ. Những năm tháng đó, bố mẹ em làm việc tại nước Nga xa xôi. Năm học lớp 1, em được bố mẹ đón sang Nga. Cũng kể từ đó con người và cảnh vật nơi đây đã in đậm trong tâm trí em. Đến năm lớp 3, em về nước học tập nhưng trong em luôn đau đáu về một ngày được trở lại đất nước xinh đẹp và được giao tiếp, được trao đổi và giao lưu văn hóa với những con người Nga. Thế rồi em đã chọn con đường ngắn nhất để thực hiện ước mơ đó, chính là tìm hiểu ngôn ngữ Nga và thông qua ngôn ngữ để hiểu về văn hóa, về con người, về kinh tế, chính trị nước Nga.
Học tiếng Anh từ nhỏ nhưng vì thứ tình yêu lớn đó, Kiên đã quyết tâm theo đuổi môn tiếng Nga. Và trong những năm học tập tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu em luôn đạt được những thành tích ấn tượng: lớp 11 đạt giải Nhì quốc gia, giải Nhất Olympic môn tiếng Nga, là 1 trong 4 thành viên được tham dự đoàn đại biểu thanh thiếu niên tham dự trại hè Bai-can tại Nga. Nói về chuyến đi này Kiên đã rất xúc động: “Được quay lại đất nước từng in đậm trong tâm trí mình thủa còn thơ bé. Được đặt chân lên xứ sở của những câu chuyện trong “Chiến tranh và hoà bình”, được nhìn ngắm mùa thu vàng trong bức họa “Mùa thu vàng” nổi tiếng của hoạ sỹ Levitan, ước mơ cháy bỏng về một tương lai được trở thành một phiên dịch cho các đoàn đại biểu quốc tế tại Nga càng lớn dần trong em”. Nghĩ thế, quyết tâm thế, nên năm nay cả cô giáo chủ nhiệm và em lại cố gắng ôn luyện để đạt được thành tích cao hơn.
Ngoài hỏi giỏi, Kiên còn là một bí thư chi đoàn gương mẫu, năng nổ. Cô giáo Lê Thị Thanh Thủy - Chủ nhiệm lớp 12 C6 cho biết: “Trong lớp bạn nào có hoàn cảnh khó khăn hay cần sự giúp đỡ, Kiên đều rất sẵn lòng. Đó cũng chính là một phẩm chất quý giá mà thanh niên bây giờ cần có và cần phát huy”.
Thanh Nga