Bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ: "Nội công ngoại kích"?
(Baonghean) - Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi một loạt bộ trưởng dính líu tới những cáo buộc tham nhũng và phải từ chức. Vụ việc này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình rầm rộ chống chính phủ tại những thành phố lớn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua đã cáo buộc các thế lực nước ngoài và phe đối lập đứng đằng sau những bất ổn chính trị hiện nay tại nước này. Mặc dù lời cáo buộc này chưa có sự xác minh rõ ràng, song các nhà phân tích đã bắt đầu tiên liệu về một sự thay đổi cục diện tại khu vực Trung Đông, trong đó vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Cơn địa chấn chính trị làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào ngày 17/12 sau một cuộc điều tra tham nhũng quy mô chưa từng có, với việc con trai của 3 bộ trưởng nội các bị bắt giữ và các nhà chức trách thu giữ một khối lượng tiền rất lớn tại nhà riêng của họ. Đến ngày 22/12, Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan quyết định sa thải 25 quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có cảnh sát trưởng thành phố Istanbul và hàng chục nhân viên cảnh sát khác - một động thái được phe đối lập trong nước nhìn nhận là hành động “trả đũa” và để ngăn cản tiến trình điều tra của cơ quan chống tham nhũng. Ngày 25/12, Thủ tướng Erdogan công bố cải tổ Nội các quan trọng, với sự thay đổi nhân sự ở 10 bộ, ngành sau khi 3 bộ trưởng nội vụ, kinh tế và môi trường đệ đơn từ chức do cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, việc thay đổi nội các vẫn chưa làm hài lòng các đảng phái đối lập bởi họ cho rằng, cách hành xử như vậy là “quá chậm và chưa đủ”. Sự bất bình với chính phủ của Thủ tướng Erdogan thể hiện rõ nét qua làn sóng biểu tình tại nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, đỉnh điểm là cuộc biểu tình trong “ngày thứ 6 đen tối” với hơn 10.000 người tham gia, yêu cầu Thủ tướng Tayyip Erdogan và chính phủ của ông từ chức.
![]() |
Biểu tình đòi chính phủ và thủ tướng từ chức. |
Trong lúc phải căng mình chống đỡ với cuộc khủng hoảng, ông Tayyip Erdogan không ngần ngại cáo buộc đó là “âm mưu ngoại quốc”, và cuộc điều tra tham nhũng mới đây là “động thái bôi nhọ thanh danh” của chính phủ, có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và các phần tử “tay sai” trong nước. Lời cáo buộc này được cho là nhằm trực diện vào Mỹ và cá nhân Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Francis Ricciardone – người mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đang tiến hành một chiến dịch vận động chống chính phủ cầm quyền. Nguồn cơn của lời cáo buộc chính là những phát biểu của Đại sứ Mỹ Francis Ricciardone trong một cuộc gặp với người đồng cấp Liên minh châu Âu tại Ankara: “Chúng tôi đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ cần chấm dứt quan hệ với Iran. Họ đã không lắng nghe. Rồi các ông sẽ thấy sự sụp đổ của một đế chế”.
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào về sự dính líu của Mỹ với cuộc biến động chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng cho rằng những cáo buộc nhằm vào Mỹ và cá nhân Đại sứ Francis Ricciardone là vô căn cứ và “rất đáng lo ngại”. Còn bản thân ông Ricciardone thì khẳng định thông tin về cuộc gặp giữa ông và các đại sứ Liên minh châu Âu là sai lệch, và “không ai được phép làm hủy hoại quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ”. Bất chấp những động thái này của các nhà ngoại giao Mỹ, giới phân tích vẫn cho rằng thực sự đang có một sự rạn nứt không hề nhỏ trong quan hệ giữa hai nước, xuất phát từ việc Mỹ không hài lòng với nhiều hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, đáng kể nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ khi vẫn mua dầu từ Iran và trả bằng vàng qua Ngân hàng nhà nước Halkbank. Ngoài ra, việc cách đây ít tháng, chính quyền của Thủ tướng Erdogan cũng làm mất lòng đồng minh của mình khi tuyên bố sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc trị giá hơn 3,4 tỉ USD, bỏ qua các nhà thầu của Mỹ và Liên minh châu Âu.
Biến động chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy Thủ tướng Tayyip Erdogan vào thời khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp khi những cuộc biểu tình yêu cầu ông từ chức chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngoài nhiệm vụ giải quyết bất ổn trong nước, thách thức lớn hơn với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn là việc duy trì vị thế ở khu vực Trung Đông vốn đang có nhiều biến động. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng đang lan rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể chi phối đến quan hệ tay ba Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ, trong điều kiện Mỹ và các nước phương Tây đang bàn đến khả năng nới lỏng, thậm chí tháo gỡ các lệnh trừng phạt Iran sau thỏa thuận hạt nhân mới đây. Sự tính toán của Mỹ ở khu vực Trung Đông còn nằm ở vai trò của Iran trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Vì vậy, nếu để mất lòng Mỹ ở thời điểm này, cộng với tình hình bất ổn trong nước, rất có thể vị thế dẫn dắt về kinh tế và chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ đang dày công gây dựng sẽ bị “cài số lùi”. Và chắc chắn đó là điều mà chính phủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan không bao giờ mong muốn.
Thúy Ngọc