Đào tạo nghề điêu khắc đá - Những bất cập...

09/01/2014 19:17

(Baonghean) - Dọc theo Quốc lộ 48C, từ Ngã ba Săng Lẻ đến khu công nghiệp nhỏ Thung Khuộc, đan xen giữa các cụm dân cư xã Thọ Hợp, Tam Hợp có cả chục cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Ngày cuối năm, các cơ sở này đều tất bật nhộn nhịp, chỉ tiếc lao động có tay nghề cao được hưởng mức lương chót vót thì toàn là người ngoại tỉnh...

“Có nghề điêu khắc đá mỹ nghệ thì bỏ vào đâu cũng sống tốt...” là lời khẳng định của ông chủ doanh nghiệp tư nhân Thiện Tâm Nguyễn Trọng Bằng (sinh năm 1971). Ở Quỳ Hợp, doanh nghiệp tư nhân Thiện Tâm là cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ bén rễ khá lâu (từ năm 2004) nên được nhiều người biết đến. Tại gian trưng bày và xưởng sản xuất của doanh nghiệp Thiện Tâm (tại khu công nghiệp nhỏ Thung Khuộc) là đầy rẫy các sản phẩm đá. Từ tượng Phật bà Quan âm, Phật Di lặc cưỡi sóng, sư tử ngậm ngọc, sư tử chầu, voi chầu, ngựa chầu cho đến các loại bình hoa, đĩa trang trí, tay vịn cầu thang các loại... Công nhân miệt mài cưa, xẻ, mài, dũa sản phẩm, còn ông chủ thì điện thoại réo liên hồi. Lúc là khách nhắc giao hàng đúng hẹn, lúc lại đặt đơn hàng mới khiến cuộc viếng thăm của chúng tôi liên tục đứt đoạn. Ông chủ Bằng phân bua: "Ngày cuối năm thường như vậy đấy. Với những khách hàng quen thì chúng tôi phải gắng chứ khách mới thì đành từ chối hoặc giới thiệu họ với cơ sở có uy tín khác...".

Hàng đá mỹ nghệ ở Doanh nghiệp Thiện Tâm.
Hàng đá mỹ nghệ ở Doanh nghiệp Thiện Tâm.

Theo ông chủ Bằng, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ đang lên ngôi, khách hàng người thì thích làm đồ trang trí, người lại muốn có sản phẩm đá lũa để trấn phong thủy. Nhất là những gia đình có kinh tế, sắm ít đồ đá mỹ nghệ bày trong năm mới cho thêm phần sang trọng căn nhà là thú vui không thể thiếu... Nhu cầu của khách hàng đa dạng và lớn, Phủ Quỳ lại là thủ phủ của các loại đá quý hiếm, vì vậy, cơ sở sản xuất mọc lên như nấm, nhiều người không có nghề cầm tay nhưng có tiền nên cũng đầu tư máy móc, thuê xứ khác về làm. Hỏi chuyện nhân lực lao động của doanh nghiệp Thiện Tâm, ông chủ Bằng không giấu rằng để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao anh đang phải cậy nhờ vào những nghệ nhân xứ khác.

Doanh nghiệp Thiện Tâm có 10 lao động, trong đó có 2 nghệ nhân người Nam Hà, Đà Nẵng, còn lại là lao động địa phương. Lương bình quân của hai nghệ nhân rất cao, tính theo sản phẩm từ 30 - 40 triệu đồng trên tháng. Các lao động còn lại có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nguyễn Trọng Bằng nói: Người địa phương mình không có tay nghề, chỉ làm những việc giản đơn, quen tay, theo những mẫu sẵn như độc bình, đĩa, tay cầu thang còn đồ cao cấp như tượng người, tượng thú có ít nhiều sáng tạo, hoặc mang tính nghệ thuật do không được đào tạo bài bản nên không làm được...”.

Trương Quang Trung miệt mài bên một sản phẩm đá trắng.
Trương Quang Trung miệt mài bên một sản phẩm đá trắng.

Nguyễn Trọng Bằng kể rằng, trước khi đến với nghề điêu khắc đá, anh đã tốt nghiệp Trung cấp mỹ thuật và mở hiệu quảng cáo, vẽ truyền thần ở phố huyện. Ngày đó, Quỳ Hợp cũng bắt đầu du nhập nghề đá mỹ nghệ và làm ăn khá phát đạt. Vì rất thích nên cuối năm 2001, khi Trường Trung cấp nghề Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An chiêu sinh dạy nghề điêu khắc đá mỹ nghệ, anh đã nộp đơn theo học. Sau gần 2 năm, Bằng đã có nghề điêu khắc đá cầm tay và trở về Quỳ Hợp mở doanh nghiệp Thiện Tâm (năm 2004). Ngày mới lập doanh nghiệp, Bằng mời những bạn bè cùng lớp điêu khắc đá cùng tham gia. Vậy nhưng, một thời gian sau bạn bè đều mở xưởng riêng, Trường Trung cấp nghề Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An lại ngừng đào tạo nghề điêu khắc đá nên Bằng phải mời thợ ngoài...

Với nghề điêu khắc đá mỹ nghệ, anh Trương Quang Trung (sinh năm 1980, là bạn học của Nguyễn Trọng Bằng) - chủ một xưởng đá mỹ nghệ ở xóm Đò, xã Thọ Hợp - từng được bầu chọn là thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2009; được tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2012; cũng năm 2012, được UBND tỉnh vinh danh là thanh niên tiêu biểu của tỉnh. Anh cho biết, tốt nghiệp lớp điêu khắc đá, vì không có vốn nên anh đi làm thuê hết Quế Võ (Bắc Ninh) đến Non Nước (Quảng Nam) để tích lũy kinh nghiệm và kiếm tiền. Năm 2007, khi có số vốn kha khá, anh về quê mở xưởng đá mỹ nghệ.

Trung vừa là chủ đồng thời cũng là thợ chính, ngoài ra, còn có 1 thợ tiện, 1 thợ điêu khắc và 3 thợ phụ. Anh tâm sự rằng, ngoài trả lương cho các lao động thì thu được trên 200 triệu đồng. Mức lương bình quân của thợ từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, còn với những thợ cao cấp thì hơn. Với Trung, vì vốn ít nên chỉ khi khi có đơn đặt hàng cao cấp thì anh phải mời thợ có tay nghề cao giúp sức. Trung tâm sự: "Nghề điêu khắc đá dễ kiếm tiền nhưng không dễ tìm người làm. Các cơ sở đều khan người làm, phải thuê người trong Nam, ngoài Bắc nên đã có những lao động địa phương do chính anh đào tạo thành nghề cũng bỏ đi để hưởng mức lương cao...". Và anh nói: Với nguồn đá dồi dào như ở Quỳ Hợp, rất cần xây dựng một làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ, đào tạo nên những người thợ điêu khắc đá...

Điều Nguyễn Trọng Bằng, Trương Quang Trung suy nghĩ cũng là niềm tiếc nuối của các thầy, cô Trường Trung cấp nghề Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An. Cô Hồ Thị Xuân - Hiệu phó cho biết, ngay sau khi trường được thành lập (năm 2001), cô từng đôn đáo khắp các làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ nổi tiếng cả nước như Ninh Vân (Ninh Bình), Nhồi (Thanh Hóa), Non Nước... để học hỏi kinh nghiệm; đến Trường Đại học Nghệ thuật Huế xin giáo trình và mời các giáo viên tham gia giảng dạy. Lớp điêu khắc đá đã được mở nhưng rồi chỉ tồn tại 4 khóa (từ năm 2002 đến năm 2007) thì phải ngừng vì không có học sinh. Cô Xuân nói: "Việc chiêu sinh rất khó khăn vì không có cơ chế gì giúp thêm cho các em. Những lớp trước đây mở được là do các huyện và một số doanh nghiệp quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ. Ngoài giao nhiệm vụ cho các xã vận động, tuyên truyền về nghề, huyện còn cấp kinh phí ăn cho học sinh. Từ năm 2008, các địa phương không mặn mà với nghề điêu khắc đá nên trường không tuyển sinh nổi...".

Với cô Xuân, để đào tạo nghề điêu khắc đá là không khó, học sinh khi đã có quyết tâm là trường có thể đào tạo được. Những học sinh của các lớp điêu khắc đá dù năng lực khác nhau, nhưng đều đã vững vàng khi rời khỏi nhà trường và đều có việc làm ổn định. Bởi lẽ này, cô Xuân rất luyến tiếc và mong có một ngày trường sẽ mở lại được lớp điêu khắc đá... Thầy Nguyễn Xuân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, để mở lại lớp điêu khắc đá mỹ nghệ là việc nên làm nhưng vượt quá khả năng của trường. Thầy Phượng nói: "Trong các nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nếu có thêm nghề điêu khắc đá mỹ nghệ là rất tốt, bởi khi với nghề này, lao động sẽ có việc làm ổn định với thu nhập cao. Biết vậy nhưng sẽ khó bởi để đào tạo nghề điêu khắc đá thời gian kéo dài 18 tháng, trong khi đó, các nghề khác chỉ đào tạo trong 3 tháng. Chi phí cần có để học sinh vùng cao theo học 18 tháng là không đơn giản. Trong khi trường chỉ có thể miễn giảm học phí, tạo nơi nghỉ cho học sinh...".

Quả thật, những vấn đề đặt ra của các giáo viên Trường Trung cấp nghề Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An thật khó để giải quyết. Tiếc cho mảnh đất dồi dào tài nguyên khoáng sản đá Phủ Quỳ, khi người lao động địa phương, nhất là con em đồng bào các dân tộc đang rất cần việc làm ổn định có thu nhập thì không thể tiếp cận để học nghề điêu khắc đá mỹ nghệ. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất lại phải đôn đáo tìm thợ khác xứ.

Nhật Lân