Ẩm thực quyết định trong lựa chọn điểm đến

30/12/2013 16:09

(Baonghean) - Du khách nào từng đến xứ Nghệ đều nhận thấy, ngoài đa dạng về các loại hình du lịch như du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái… Nghệ An còn có nhiều loại hải sản, động thực vật phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển ẩm thực. Tuy nhiên, để ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đang là trăn trở của chính quyền địa phương, các chủ nhà hàng, khách sạn.

Ẩm thực hiện là một phần không thể thiếu trong tổng thể sản phẩm du lịch, là một nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Ở xứ Nghệ cũng vậy, nếu nhắc đến Thanh Chương người ta thường nghĩ ngay đến gà đồi, nhút muối; đến với Nam Đàn là phải tìm để thưởng thức các món ăn nức tiếng như cá rô Bàu Nón, dê thui Cầu Đòn, me Nam Nghĩa; nếu muốn thưởng thức món cháo lươn, miến lươn, hay xúp lươn nóng hổi, thơm phức du khách lại phải tìm về Thành phố Vinh. Trong danh sách top 12 món ăn được vinh danh đạt kỷ lục ẩm thực châu Á trong năm 2013, miến lươn Nghệ An đã mang đến một ấn tượng ẩm thực thú vị của mảnh đất xứ Nghệ gió lào cát trắng.

Đến Cửa Lò, Cửa Hội du khách tha hồ lựa chọn đặc sản biển… Đặc biệt những năm gần đây, cứ đến độ tháng 10 trở đi, các nhà hàng ở Hưng Châu – Hưng Nguyên luôn tấp nập khách gần xa đến để thưởng thức các món ăn làm từ con rươi, như rươi xào xúc bánh đa, rươi thuôn, rươi tráng trứng… Ngược lên miền Tây theo tuyến du lịch sinh thái tới lễ hội Hang Bua - Quỳ Châu du khách sẽ được thưởng thức món vịt bầu Quỳ, lên Con Cuông vào thăm vườn Quốc gia Pù Mát du khách sẽ được thưởng thức cá mát sông Giăng, gà rừng nướng, cơm lam… Kể ra thì ẩm thực xứ Nghệ cũng rất đa dạng, phong phú, có đầy đủ đặc sản miền núi, miền biển với cách chế biến hấp dẫn. Vấn đề là hiện nay các địa phương có đặc sản gắn với phát triển du lịch như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, TP Vinh, Cửa Lò… đã thực sự chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá hay chưa?

Món “Xúc xích lươn xứ Nghệ” của đầu bếp Trần Văn Hoà,  Sài Gòn Kim Liên Resort.
Món “Xúc xích lươn xứ Nghệ” của đầu bếp Trần Văn Hoà, Sài Gòn Kim Liên Resort.

Tôi có người bạn làm việc ở Hà Nội, vừa rồi có dịp về quê chơi, gặp nhau chưa kịp chào hỏi đã giục tôi dẫn ngay đến quán nào đó để thưởng thức món rươi xào, mà rươi tháng 10 mới ngon. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì bạn tôi biết khá rõ về món ăn này, nào là tháng mấy thì mới có rươi, nào là để có một món rươi ngon phục vụ cho du khách người dân địa phương phải vất vả đi từ 2 – 3 h sáng ra ngoài ruộng vớt đem về nhập cho nhà hàng như thế nào? Sau khi an tọa trong một nhà hàng ở Hưng Châu (Hưng Nguyên) trên mâm đầy đủ các món được chế biến từ rươi, vừa thưởng thức, bạn tôi không khỏi xuýt xoa: đúng là ngon thật, vừa ngọt, vừa thơm lại có hương vị đồng quê. May nhờ xem clip “Vớt lộc trời” của báo Nghệ An điện tử mới biết được quê ta có món rươi chứ có thấy quảng cáo, tuyên truyền gì đâu. Đem câu chuyện này kể với ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng phòng VHTT huyện Hưng Nguyên, được biết: Hiện nay hầu hết các món ăn đặc sản như rươi, rượu nếp, bánh đa, kẹo lạc… của Hưng Nguyên vẫn đang “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên trong định hướng dài hơi phát triển du lịch, huyện cũng đã đề cập đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch, trong đó có văn hóa ẩm thực.

Được biết đến là địa phương “Sa Nam trên bến dưới thuyền/ Bánh đúc hai dãy thịt bò mê thiên”. Nghe câu ca này, nếu ai có dịp về Nam Đàn thăm quê Bác, nhất định phải tìm cho được món bánh đúc ăn với hến, bánh đúc ăn với thịt bò thuôn nóng hổi, thơm phưng phức mà không phải nơi nào cũng có. Ngoài bánh đúc, Nam Đàn còn nổi tiếng với các món ăn như cá rô Bàu Nón rán giòn chấm nước mắm Cửa Hội, thịt me Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn… Ông Hồ Anh Mai – Trưởng phòng VHTT&DL huyện Nam Đàn khẳng định: Trong chiến lược phát triển du lịch, ngoài xây dựng quy hoạch, quảng bá điểm đến như Khu di tích Kim Liên, Miếu mộ Vua Mai, đền Hoành Sơn, đình Trung Cần, hồ Tràng Đen…

Chúng tôi xác định muốn giữ chân du khách, thì phải phát huy các món ăn đặc sản của quê hương Nam Đàn. Hiện nay trên các Website của huyện cũng đã cập nhật liên tục các thông tin về điểm đến, về đặc sản văn hóa ẩm thực, huyện cũng phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch in tờ rơi quảng bá giới thiệu các món ăn tại các hội chợ xúc tiến du lịch trong tỉnh, trong khu vực Bắc Trung bộ, trong nước và quốc tế để du khách khắp nơi có dịp hiểu hơn về văn hóa ẩm thực nói riêng, văn hóa du lịch nói chung của Nam Đàn. Đặc biệt, trong Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa các huyện Nam Đàn, Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò vừa qua, 3 địa phương có tiềm năng du lịch đã đi đến thống nhất: Ngoài liên kết trong xây dựng điểm đến còn hỗ trợ nhau trong quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực.

Bên cạnh các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá những món ăn đặc sản với nhiều hình thức khác nhau, các khách sạn, nhà hàng cũng đang đầu tư mạnh vào văn hóa ẩm thực – một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp. Bà Võ Thị Ngọc – Phòng Truyền thông khách sạn Mường Thanh Sông Lam, là khách sạn 5 sao duy nhất hiện nay trên địa bàn Thành phố Vinh cho biết: Mỗi một chuyến du lịch, ngoài ngủ, chơi, mua sắm thì các món ăn đặc sản của từng vùng, miền đang là sự lựa chọn của khách du lịch. Có những du khách chỉ tìm những điểm đến có nhiều món ăn nổi tiếng bởi họ nghĩ đã đi du lịch là phải được thưởng thức từ phong cảnh đến món ăn. Và văn hóa ẩm thực có vai trò rất quan trọng quyết định sức hút của điểm đến. Để xây dựng thương hiệu điểm đến, tại Mường Thanh Sông Lam, ngoài các đặc sản quen thuộc của xứ Nghệ như súp lươn đồng, cá lăng sông Lam nướng, cá mát sông Giăng... thực khách còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực vùng Tây Bắc với văn hóa bản địa và các sản vật độc đáo như: xôi chim Mường Thanh, xôi niêu nếp Điện Biên hay xôi niêu…

Còn với ông Vũ An Huy – Phó Giám đốc khách sạn Sài Gòn – Kim Liên thì một trong những tiêu chí quan trọng để trở thành khách sạn hạng sao đó là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một khách sạn đẹp, phòng ốc sang trọng, không gian mát mẻ chưa đủ, mà khách sạn đó phải nấu ăn ngon, hợp khẩu vị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng năm khách sạn Sài Gòn – Kim Liên đều tham gia hội thi nghiệp vụ chế biến món ăn giỏi, nghiệp vụ buồng bàn, bar do ngành Du lịch tổ chức. Ví như năm 2012, khách sạn đạt giải Nhất với món ăn “cá mú hấp kỳ lân” của đầu bếp Võ Ngọc Hùng và đạt giải Ba toàn đoàn trên hơn 20 đơn vị tham gia.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở VHTT và DL cho biết: Văn hóa ẩm thực đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, góp phần tăng sức hấp dẫn cho hoạt động xúc tiến du lịch. Bởi vậy, việc khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực sẽ góp phần đáng kể trong qúa trình xúc tiến quảng bá, thu hút du khách. Để nâng cao tay nghề cho các đầu bếp ở các nhà hàng, khách sạn, những năm gần đây, Sở VHTT và DL, Công đoàn ngành và Hiệp hội ngành Du lịch Nghệ An tổ chức hội thi nghiệp vụ chế biến món ăn giỏi ngành Du lịch Nghệ An. Hội thi nhằm khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa ẩm thực truyền thống xứ Nghệ, đồng thời khơi dậy phong trào thi đua, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho các đầu bếp, từ đó đưa chất lượng dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch ngày một tốt hơn.

Thanh Thủy