khi doanh nghiệp đồng hành với nông dân
(Baonghean) - Trong mối quan hệ liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) thì nhà nông và nhà doanh nghiệp đóng vai trò quyết định, bởi đây là mối liên kết nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tăng cường chất lượng với quy mô sản xuất lớn để tạo ra hàng hóa, và đã là sản xuất hàng hóa thì nhất thiết phải có sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp có phần khởi sắc hơn bằng việc thông qua hợp đồng xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) hoặc xây dựng vùng chuyên canh cây nguyên liệu để phục vụ cho công nghiệp chế biến của các nhà máy sản xuất đường, chè, dứa, tinh bột sắn… Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nào cũng có sự liên kết chung thủy với nhau. Tình trạng được mùa mất giá, doanh nghiệp ép nông dân thu mua sản phẩm với giá thấp đã diễn ra như ở Nhà máy đường Nghệ An Tate&Lyle (Quỳ Hợp), Nhà máy nước dứa cô đặc (Quỳnh Châu)... Ngược lại, khi mất mùa được giá thì nhiều cơ sở sản xuất lại ép doanh nghiệp thu mua với giá quá cao và thậm chí đưa sản phẩm ra bán trên thị trường tự do cho các thương lái khác, tự xóa bỏ hợp đồng đã được hai bên thỏa thuận ký kết. Đây là tình trạng đã xảy ra vừa qua mà kết cục là không bên nào được lợi.
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa |
Rút kinh nghiệm từ thực trạng đó, mấy năm nay, nhất là năm 2013, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được cải tiến thông qua hợp đồng ký kết cụ thể, chặt chẽ hơn và đảm bảo những lợi ích lâu dài của mỗi bên nên việc thực thi hợp đồng được thực hiện tốt hơn.
Trên mặt trận sản xuất lúa gạo, mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp lại càng quan trọng hơn. Mặc dù Nghệ An chưa phải là tỉnh sản xuất lúa gạo xuất khẩu như một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng… nhưng lúa gạo Nghệ An đã dư thừa, có lúa gạo hàng hóa bán ra thị trường tự do ở nhiều tỉnh, kể cả xuất siêu đi Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Vì vậy, sản xuất lúa gạo ở Nghệ An rất cần có sự liên kết giữa 4 nhà, trong đó đặc biệt là 2 nhà: nhà nông và nhà doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưới hình thức xây dựng các CĐML.
Vừa qua, đã có vài doanh nghiệp thực sự liên kết với nông dân thông qua ký kết hợp đồng đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là đơn vị tiên phong trong việc ký kết hợp đồng với nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong 2 năm (2012 và 2013). Tổng công ty đầu tư, ứng trước cho nông dân giống và vật tư phân bón theo quy trình sản xuất hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh cho các hộ dân tham gia sản xuất CĐML. Cuối mỗi vụ sản xuất, Tổng công ty mua lại sản phẩm trên diện tích CĐML với giá cao hơn giá thị trường tự do tại thời điểm thu mua 10%. Kết quả vụ lúa vừa qua, đã thu mua được trên 1.000 tấn và dự kiến sẽ thu mua khối lượng lớn hơn trong vụ hè thu tới.
Cùng với Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, còn có Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Hòa (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hòa) ở Yên Thành. Đây là một công ty chuyên kinh doanh giống lúa gạo chất lượng cao và thu mua lại sản phẩm cho nông dân. Sản phẩm giống lúa chất lượng cao AC5 của Công ty Vĩnh Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng chỉ “gạo xứ Nghệ”. Từ giống lúa này, với thương hiệu “gạo xứ Nghệ”, Công ty Vĩnh Hòa đã ký kết hợp đồng với hàng chục hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để sản xuất hàng ngàn ha giống lúa AC5. Những năm gần đây, giống lúa AC5 độc quyền trên cả nước không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của “gạo xứ Nghệ” trên thị trường.
Năm 2011, Công ty Vĩnh Hòa chính thức khai trương thương hiệu “gạo xứ Nghệ” ra thị trường các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là Hà Nội với số lượng lúa lúc bấy giờ chỉ mua được 600 tấn lúa, tương đương bằng 390 tấn gạo. Năm 2012, công ty quyết định mở rộng mạng lưới liên kết với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để sản xuất và thu mua giống lúa AC5 lên đến hàng ngàn ha. Thế nhưng kết thúc năm 2012, công ty cũng chỉ mua được 1.700 tấn lúa, tương đương 1.100 tấn gạo để cung cấp chủ yếu cho các thành phố Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế… Đến năm 2013, nhu cầu về “gạo xứ Nghệ” đột ngột tăng cao thông qua đơn đặt hàng của các thành phố và các tỉnh miền Bắc, còn có Thành phố Hồ Chí Minh với khối lượng lên đến hàng trăm tấn gạo do Công ty Hạt Ngọc đặt hàng, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại thành phố, còn có nhu cầu đưa sang Mỹ để chào hàng và giới thiệu sản phẩm “gạo xứ Nghệ” tại Mỹ.
Năm nay, Công ty Vĩnh Hòa mua lúa cho nông dân với giá từ 7.200 đồng/kg thóc đầu vụ thu hoạch và 7.600 đồng/kg thóc cuối vụ thu hoạch. Với mức giá này, theo ông Phan Văn Hòa - Giám đốc công ty - thì công ty đã mua cao hơn giá lúa chung trên thị trường tự do là 30% và người nông dân sẽ thu lãi được 50% giá trị so với tổng mức chi phí đã đầu tư cho sản xuất. Trong khi đó, lúa mua về công ty xay xát ra thành gạo bán cho các đối tác với giá 14.000 đồng/kg gạo thì phần lãi ròng sau khi trừ hết các chi phí từ thu mua, vận chuyển, xay xát, lãi suất tiền vay ngân hàng, tiền lương công nhân… là gần như không đáng kể và thậm chí là hòa vốn. Vậy tại sao không có lãi mà công ty vẫn mua lúa cho nông dân với giá cao như vậy?
Riêng trong vụ xuân 2013, Công ty Vĩnh Hòa đã mua được 11.200 tấn lúa và theo ông Phan Văn Hòa - Giám đốc công ty thì đến bây giờ đã bán gần hết số lúa đã mua nói trên sau khi xay xát gạo. Sở dĩ công ty mua lúa AC5 cao như vậy chỉ vì muốn làm tăng thu nhập cho bà con nông dân để họ phấn khởi và sẽ tiếp tục gieo cấy giống lúa AC5 vụ sau nhiều hơn vụ trước. Còn Công ty Vĩnh Hòa trong vụ xuân và vụ hè thu 2013 này đã bán ra 450 tấn hạt giống AC5 để gieo cấy trên 15.000ha lúa và đã thu lãi về ước khoảng 8-9 tỷ đồng. Như vậy, chuỗi giá trị do sản xuất giống lúa chất lượng cao AC5 mang thương hiệu “gạo xứ Nghệ” sẽ được san sẻ thông qua việc nông dân bán được lúa với giá cao và phía công ty nhờ mở rộng diện tích sản xuất để kinh doanh hạt giống có lãi. Vậy là cả 2 bên cùng có lợi thì mới giúp sản xuất và kinh doanh tồn tại, phát triển bền vững. Cách làm này của Công ty Vĩnh Hòa thật đáng khuyến khích cho nhiều doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Doãn Trí Tuệ