Đầu tư thâm canh - Giải pháp đảm bảo trồng mía có lãi

09/01/2014 18:24

(Baonghean) - Không thể làm giàu nhanh nhưng mía lại là cây trồng xóa nghèo bền vững cho hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh từ khi có 3 nhà máy đường đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giá mía nguyên liệu xuống thấp đang kéo người nông dân trở về với nỗi lo làm sao để sản xuất có lãi?

Từ hơn mười năm nay, khi Nhà máy Đường Nghệ An Tate&Lyte đi vào hoạt động thì mía trở thành cây trồng chủ lực của hàng trăm nghìn hộ dân ở vùng Phủ Quỳ và các vùng phụ cận, giúp nhiều nông dân thoát nghèo. Không chỉ trên đồi mà ngay trong vườn nhà cũng được người dân xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) đưa mía vào trồng. Năm nay giá mía nhà máy thu mua thấp hơn so với năm ngoái 10 giá, điều này khiến nông dân trồng mía thiệt thòi. Bà Nguyễn Châu Minh - Xóm 2, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) cho biết: “Giá mía năm nay quá rẻ, so với giá cả thị trường trong khi đó công làm, công cày bừa, phân bón, chi phí cao, mà công ty mua giá thấp quá nên tính ra không còn lãi bao nhiêu. Năm sau nếu giá vẫn thấp, chúng tôi sẽ chuyển sang trồng cây ngắn ngày”.

Giá vật tư phân bón, công lao động đều tăng so với các năm trước nhưng giá mía mà các nhà máy thu mua cho nông dân lại rẻ hơn các năm trước. Niên vụ 2012- 2013, giá mía 900 nghìn đồng/tấn thì niên vụ 2013-2014 giá chỉ còn 800 nghìn đồng/tấn. Qua tìm hiểu được biết năm nay giá đường thế giới giảm so với các năm trước. Đặc biệt thị trường đường trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn khi mà sản phẩm đường ngoại tràn vào qua đường tiểu ngạch tăng. Vì thế các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như Nhà máy đường Sông Lam, nếu vào đầu vụ ép năm ngoái giá đường tại nhà máy là 15.000 đồng/kg thì năm nay còn 13.000 đồng/kg. Không những thế hiện lượng đường lưu kho ở nhà máy còn trên 1.500 tấn.

Ông Lê Thanh An- Phó Giám đốc Nhà máy Đường Sông Lam cho biết “Sở dĩ giá mía năm nay thấp vì giá đường trong nước cũng như thế giới xuống thấp so với năm ngoái cùng với việc tiêu thụ khó khăn. Để giữ vùng nguyên liệu, công ty cũng cố gắng ép hết mía cho bà con, giá cả thỏa thuận trên cơ sở chất lượng mía và lượng đường. Để đảm bảo cho chất lượng mía vụ sau, công ty cũng đưa ra một số giải pháp như khuyến khích người dân thay đổi bộ giống mới; Khuyến khích người dân trồng mới bằng cách hỗ trợ phân bón, tiền cày đất, tiền giống”.

Thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu huyện Nghĩa Đàn.
Thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu huyện Nghĩa Đàn.

Giá đường thấp nên các nhà máy mua mía nguyên liệu cho nông dân với giá thấp thua năm ngoái là sự tác động của quy luật thị trường đối với nguyên liệu mía. Và như vậy để có thể có lãi đối với nghề trồng mía nguyên liệu thì nông dân cần phải đầu tư chăm sóc cây mía tốt hơn và xem đây là cây hàng hóa. Cũng ngay trên cùng một vùng, giá mía nhà máy thu mua cũng như thế nhưng nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất mía cao, nhờ vậy dù giá mía xuống thấp nhưng một số người dân vẫn có lãi và họ vẫn tiếp tục lấy cây mía làm cây chủ lực.

Nếu vùng nào chăm sóc tốt sẽ cho năng suất và chất lượng mía cao nên không bị ảnh hưởng nhiều khi giá mía xuống thấp. Bởi trên thực tế người nông dân không muốn trồng mía cũng khó tìm được cây trồng gì có thể thay thế cây mía, nhất là khi cây mía trong toàn tỉnh hiện lên đến 26.000 ha. “Nếu không trồng mía thì lại quay lại với cây trồng ngày trước là ngô và sắn” ông Nguyễn Văn Lê (xóm 2 xã Hoa Sơn- Anh Sơn) đã tâm sự như thế khi được hỏi cây trồng thay thế cây mía nếu như giá mía thấp như hiện nay. Có thế nói, nếu bỏ cây mía nông dân lại quay về với điểm xuất phát ban đầu là loay hoay tìm kiếm cây trồng phù hợp và có đầu ra ổn định.

Phải khẳng định lại rằng mía là cây trồng mang tính hàng hóa đã có đầu ra ổn định và là cây trồng giúp hàng trăm nông hộ thoát nghèo. Và như thế việc bỏ cây mía trong ngày ngày 2 là điều không nên làm. Ngoài ra, cây mía vẫn phải được duy trì tồn tại khi mà 3 nhà máy đường vẫn đang hoạt động và cần có nguyên liệu để vận hành. Bài toán đặt ra với cây mía đó là làm thế nào để nông dân có thể có lãi với cây mía. Và lời giải cho bài toán này chỉ có thể là đầu tư thâm canh tăng năng suất cho cây mía, các nhà máy tiếp tục chung tay cùng nông dân giải quyết khó khăn.

Về phía Ngành Nông nghiệp, ông Từ Kim - Trưởng phòng Kỹ thuật trồng trọt - Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng “Mía là một trong những cây trồng chủ lực, và để đảm bảo cho 3 nhà máy đường hoạt động bình thường thì phải giữ vững 30.000 ha đất trồng mía. Vì vậy, chúng tôi khẳng định là không nên trồng các loại cây khác để thay thế cho cây mía. Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân chăm sóc cây mía, đầu tư thâm canh, phân bón hợp lý, phòng trừ sâu bệnh tốt để tăng năng suất cũng như chất lượng mía. Từ đó nâng cao giá trị cho cây mía, như thế mới mang lại hiệu quả kinh tế, người dân sẽ gắn bó hơn với cây mía nguyên liệu”.

Qua niên vụ mía 2013 cho thấy đã đến lúc người trồng mía cần nhìn nhận mía là một cây trồng hàng hóa và phải gắn với các nhà máy đường. Và để cây trồng này không chịu nhiều sự tác động của thị trường thì cách duy nhất đó là tập trung đầu tư chăm sóc tăng năng suất sản lượng cho cây mía. Đối với các nhà máy đường cũng cần có sự chia sẻ khó khăn với nông dân để 2 nhà tiếp tục đồng hành cùng phát triển. Các doanh nghiệp cần tiếp tục chung tay cùng nông dân giải quyết khó khăn, tiết kiệm trong sản xuất, cho nông dân vay để đầu tư cho cây mía nhằm tăng năng suất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Khi có dịch bệnh các nhà máy cần giúp dân phòng chống dịch bệnh bảo vệ cho cây mía…

Thúy Vinh (Đài tỉnh)