Mấu chốt trong vụ sập cầu Chu Va

06/03/2014 20:23

"Khi thép từ ắc neo tăng đơ chịu nhiệt độ cao thì sẽ thay đổi tính chất cơ lý của thép. Khả năng chịu lực rất yếu và gặp tải trọng nặng thì có thể xảy ra đứt ốc neo dẫn đến sập cầu…"- một TS cầu đường phân tích nguyên nhân có khả năng dẫn đến việc sập cầu Chu Va 6 ở Lai Châu.

Loại trừ nguyên nhân từ ốp gạch!

Liên quan đến vụ sập cầu Chu Va 6, Đại tá Bùi Xuân Phong, Chánh văn phòng CA tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận vụ việc cầu Chu Va 6 bị sập.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sập cầu Chu Va 6 là do ắc neo tăng đơ của cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sập cầu Chu Va 6 là do ắc neo tăng đơ của cầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sập cầu Chu Va 6 là do ắc neo tăng đơ của cầu.

Về nghi vấn trụ cầu có ốp gạch ống nung, chất lượng thi công không đảm bảo, ông Phong cho rằng đây cũng chỉ mới là hiện tượng ban đầu và cũng chưa thể có kết luận về chất lượng, thi công cụ thể như thế nào.

Trao đổi với PV về vấn đề này, một TS cầu đường (xin giấu tên) cho rằng: Về nguyên tắc việc cầu Chu Va 6 thi công có ốp lớp gạch ống bên ngoài, không ảnh hưởng đến nguyên nhân sập cầu.

Vị TS này phân tích, ở đây có thể đặt trường hợp, giả sử nếu đơn vị thi công cầu làm ẩu, đổ bê tông không đảm bảo, cấp phối gồ ghề thì bình thường người ta có thể trát hồ bên ngoài. Nhưng cũng có thể do gồ ghề, xấu xí quá nên người ta ốp gạch xung quanh trụ cầu để bảo vệ và đảm bảo mỹ quan.

“Về nguyên tắc việc ốp gạch bao quanh trụ không ảnh hưởng, nhất là khi tại thời điểm xảy ra sự cố, trụ cổng cầu cả 2 bờ không phát hiện hư hỏng đáng kể”, ông này nói.

Trong khí đó, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam lại thận trọng phân tích: Tất cả các hạng mục của cầu Chu Va 6 nhà thầu làm đều phải có sự chấp thuận của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát.

Do vậy, ở đây nhà thầu có làm thêm một lớp ốp gạch như Sở GTVT Lai Châu nói thì chắc chắn phải được sự đồng thuận của Chủ đâu tư và tổ tư vấn giám sát, thiết kế.

“Để tìm hiểu đúng nguyên nhân, Bộ GTVT đã lập tổ công tác điều tra và phải chờ có kết luận cụ thể từ Bộ này và các cơ quan liên quan thì mới có thể kết luận được chính xác nguyên nhân sập cầu”, ông Long nói.

Mấu chốt ở ắc neo tăng đơ!

Theo báo cáo ban đầu của tổ công tác kỹ thuật Bộ GTVT, nguyên nhân trực tiếp gây sự cố là do đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp ở phía bản Chu Va 8 (phía thượng lưu cầu), dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu gây lật mặt cầu, hất người đi trên cầu xuống sông.

Sau khi cầu sập, phát hiện ắc neo tăng đơ bị gãy được thiết kế bằng vật liệu thép đúc nhập khẩu; có khả năng chịu lực tối thiểu 60 tấn/1 bên, tối đa là 100 tấn/1 bên. Cáp chủ có khả năng chịu tải 72,4 tấn/1 bên. Ắc neo có hiện tượng phá hoại giòn, đứt vỡ đột ngột.

Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, biểu hiện được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực.

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) - Trưởng đoàn công tác Bộ GTVT cho biết: Ắc neo không nhỏ và là loại thép chịu cường độ cao. Tuy nhiên, khi thổi nhiệt có thể làm biến đổi vật liệu, nhiệt độ làm chuyển tính chất từ sắt sang gang.

“Chúng tôi nghiêng về khả năng này nhiều hơn là do cầu quá tải, kết luận cuối cùng phải đợi giám định ắc neo”, ông Hà nói.

Về vấn đề này, vị TS cầu đường cũng cho rằng, nguyên nhân do ắc neo dẫn đến sập cầu hoàn toàn hợp lý. Bởi, theo thiết kế ắc neo phải có trọng tải cao và nguyên tắc phải chịu được tải trọng 1/2 của cáp (100 tấn).

Nhưng qua hình ảnh được chụp cho thấy, ắc neo được chế tạo thủ công, dùng thép tròn nung nóng rồi đập tòe ra sau đó dùng hàn xì khoét lỗ.

Theo ông, khi thép từ ắc neo tăng đơ chịu nhiệt độ cao thì sẽ thay đổi tính chất cơ lý của thép. Khả năng chịu lực rất yếu và gặp tải trọng nặng thì có thể xảy ra đứt ốc neo dẫn đến sập cầu…

Theo.vietnamnet