Bài 9: Huy động sinh viên đại học xây dựng NTM như thế nào?
(Baonghean) - Trung Quốc luôn xem nhân tài và vật lực là yếu tố không thể thiếu của quá trình xây dựng NTM, trong đó nhân tài đóng vai trò cung cấp nguồn trí lực, mở đường, thúc đẩy và quyết định sự thành công, nên họ đã có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở nông thôn.
Từ 1995, Giang Tô là tỉnh đầu tiên có chính sách thu hút sinh viên đại học (SVĐH) về đảm nhận một số vị trí lãnh đạo ở nông thôn, đến năm 1999 thì tỉnh Hải Nam thực hiện Chương trình "sinh viên quản thôn". Tháng 3/2000, quận Thiên Hà (TP. Quảng Châu) tuyển dụng 52 sinh viên làm cán bộ quản lý cấp thôn. Từ 2005 trở đi, một loạt địa phương như Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Giang Tây, Phúc Kiến, Thanh Hải, Liêu Ninh, Quý Châu, Thiểm Tây, Sơn Tây, An Huy, Thượng Hải, Cát Lâm, Hồ Nam, Cam Túc, Ninh Hạ, Nội Mông Cổ, Vân Nam lần lượt thực hiện chương trình thu hút sinh viên về quản thôn, giúp đỡ nông dân xây dựng NTM.
Từ năm 2006, Trung Quốc thực hiện chính sách huy động tài năng trí tuệ của SVĐH đóng góp cho xây dựng NTM trên quy mô toàn quốc, trong đó có chương trình sinh viên đại học với "3 trợ, 1 giúp" nông thôn (trợ nông nghiệp, trợ giáo dục, trợ y tế và giúp người nghèo). Đến tháng 3/2008, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội tổ chức diễn đàn thu hút SVĐH xây dựng NTM, sau đó mỗi năm Nhà nước điều động hơn 2 vạn sinh viên về nông thôn công tác, chủ yếu cho họ làm cán bộ quản lý thôn, xóm, xã, phường và tuyên truyền, giúp đỡ nông dân xây dựng NTM.
Chính sách thu hút sinh viên về nông thôn làm việc theo nguyên tắc "công khai tuyển mộ, tự nguyện báo danh, tổ chức tuyển chọn, thống nhất điều động". Nhà nước quy định mỗi năm hạn chót là cuối tháng Tư thì các địa phương phải cung cấp thông tin chi tiết về nhu cầu, nguyện vọng công việc, chức vụ, số lượng sinh viên cần chiêu mộ vào các lĩnh vực. Đến cuối tháng 5, dựa theo kế hoạch của các địa phương, Nhà nước có thể áp dụng phương thức khảo hạch để cấp chứng chỉ "sinh viên đạt chuẩn quản thôn", từ tháng 7 thì điều động họ về làm việc tại các địa phương, kèm theo chế độ ưu đãi thỏa đáng. Thời gian phục vụ ở nông thôn từ 2 đến 3 năm, khi hết kỳ hạn thì sinh viên được quyền quyết định sự nghiệp của mình, hoặc là tiếp tục ở lại công tác, hoặc đi nơi khác làm việc.
Nhưng Nhà nước vẫn có chính sách ưu đãi cho đối tượng sinh viên này, ví như: 1) Nếu sinh viên có nguyện vọng và các cấp thôn, xã, phường, thị trấn, tổ chức xí nghiệp... đang thiếu chức vụ quản lý thì tiếp tục bổ nhiệm; 2) Đối với những sinh viên muốn lập doanh nghiệp, trở thành doanh nhân độc lập thì có thể được miễn lệ phí hành chính, bảo lãnh cho vay tín dụng, trợ cấp lãi suất và một số chính sách khác; 3) Được cộng thêm điểm trong thi tuyển công chức, thi học lên cao hơn; 4) Những sinh viên sau khi tốt nghiệp tự nguyện về vùng xa xôi, khó khăn sau khi hết thời hạn phục vụ, được cộng điểm khi thi cao học, ưu tiên các khoản đóng góp khi học...; 5) Khi đến làm việc ở cơ quan nhà nước được tính thâm niên kể từ thời gian tham gia về nông thôn công tác... Trong quy định về thực hiện chế độ ưu đãi sinh viên tham gia quản lý thôn năm 2013, thì năm thứ nhất mức lương là 3000 tệ/1 tháng, năm thứ 2 là 3500 tệ/1 tháng (tương đương 12,5 triệu đồng tiền Việt), ngoài ra còn được hưởng một số trợ cấp khác về y tế, thai sản, tiền nhà ở công chức; nếu có nhu cầu công tác liên tục ở nông thôn thì được bổ nhiệm lại nếu phù hợp, được hưởng nhiều ưu đãi khác...
Ở nông thôn tuy có nguồn lao động dồi dào nhưng luôn trong tình trạng thiếu nhân tài, thiếu lực lượng lao động có trình độ cao. Mặt khác, nông thôn lại tồn tại nhiều quan niệm lạc hậu, tư tưởng bảo thủ níu kéo, trì trệ, kể cả đội ngũ cán bộ quản lý thôn. Trong khi đó, ở đây lại rất cần cập nhật tri thức khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức và quản lý mới, nên trong chính sách NTM tất yếu phải huy động SVĐH về nông thôn công tác. Việc này sẽ đem lại nhiều tác dụng: 1) Xúc tiến công tác tuyên truyền cho nông dân về nhiều vấn đề của NTM; 2) Quảng bá tri thức, khoa học kỹ thuật mới, hiện đại; 3) Đề cao năng lực tổ chức cơ sở ở nông thôn, làm thay đổi những thói quen, quan niệm cũ đã lạc hậu; 4) Đây còn là chính sách giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, giảm tải sự chen chúc ở thành phố.
Muốn huy động SVĐH về phục vụ NTM rất cần: 1) Tạo ở họ tính chủ động, làm cho họ tự nguyện hơn là cưỡng chế; 2) Tăng biên chế ở nông thôn, cải cách mô thức quản lý nhân sự và chế độ bảo hiểm ở nông thôn; 3) Giáo dục nhận thức cho sinh viên về NTM, tăng cường công tác tuyên tuyền trong ĐVTN, làm cho họ yêu thích nông thôn và nhận thấy cần phải có trách nhiệm với nông thôn; 4) Tạo nên ở SVĐH ý thức phục vụ nông thôn một cách lâu dài; 5) Giáo dục tố chất tổng hợp ở sinh viên, có hiểu biết và sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc ở nông thôn; 6) Làm cho sinh viên nhận thấy có thể hài lòng công tác ở nông thôn, phá vỡ các rào cản về bảo thủ để họ mạnh dạn phát huy tài năng, tích cực sáng kiến trong NTM; 7) Rất cần thiết phải "đặt hàng" nhân lực phục vụ nông thôn từ các trường đại học để có chế độ đào tạo, ưu tiên ngay từ đầu...
Lê Đức Hoàng
(Đại học Vinh)