Bài 3: Hồn Việt giữa trùng khơi

20/01/2014 11:19

(Baonghean) - Giữa trùng dương đầy nắng gió khắc nghiệt, hòn đảo san hô Trường Sa cát trắng ngày nào giờ xanh tươi, căng tràn sức sống. Quân và dân trên đảo Trường Sa đang ngày đêm sát cánh bên nhau xây dựng Thị trấn Trường Sa phát triển hiện đại, dần mang dáng dấp một đô thị biển đậm chất Việt vững chãi nơi đầu sóng.

Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, vì biển động mạnh, chúng tôi đã một lần lỡ hẹn với đảo Trường Sa. Suốt một tuần dài lênh đênh trên biển, tàu HQ 571 phải neo lại tại vùng nước nông gần đảo Đá Tây mà cánh thủy thủ gọi nôm na là “hồ Đá Tây” để chờ thời cơ cập cảng đảo Trường Sa. Cánh phóng viên ai cũng sốt ruột, nôn nóng không chỉ vì thời gian chờ đợi mà còn bởi tâm trạng háo hức được đặt chân lên hòn đảo nổi tiếng này. Cuối cùng, nắng cũng đã lên phía đường chân trời, thông tin thời tiết cập nhật cho thấy, biển đã hiền hòa, dịu êm hơn. Sáng ngày cuối năm 2013, tàu quyết định nhổ neo hướng về đảo Trường Sa. Chặng đường chỉ dài 22 hải lý, nghĩa là mất chừng 2 giờ đồng hồ để cán đích. Mọi người dồn hết lên boong, dõi mắt theo từng nhịp sóng lướt qua mũi tàu. Cuối cùng đảo Trường Sa cũng đã hiện ra trong màn sương sớm. Phía thủy thủ đoàn thông báo yêu cầu tất cả mọi người vào buồng để đảm bảo an toàn khi tàu cập cảng.

Giờ học của các em trên đảo.
Giờ học của các em trên đảo.

TIN LIÊN QUAN

Tin không vui lại đến, biển tiếp tục nổi sóng liên hồi, mất hơn 30 phút tàu HQ 571 mới có thể cập cảng. Toàn bộ phóng viên được ưu tiên lên đảo trước, tiếp theo sau là hàng hóa chở ra đảo phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp đến gần. Cầu cảng đảo Trường Sa dài 150m, vững vàng vươn ra biển đón những con tàu từ đất liền. Sáng nay, đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ra đón tàu. Tiếng cười nói, gọi nhau í ới, những cái ôm thật chặt giữa các anh lính đảo trong ngày tái ngộ làm không khí trên cầu cảng thêm sôi động. Phía xa xa, nổi bật lên trên nền trời xanh bao la, chợt thấy cổng chào bê tông nền đỏ chữ vàng nổi bật dòng chữ: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Đảo Trường Sa” như một lời khẳng định về chủ quyền thiêng liêng của đất nước đối với mảnh đất xa xôi này khiến tâm trạng của những con dân đất Việt từ đất liền ra thêm xao xuyến, xúc động, nhất là với những người lần đầu có cơ hội được đến Trường Sa như chúng tôi. Tại cột mốc chủ quyền đặt ở trung tâm đảo ghi rõ: “Đảo Trường Sa nằm ở 80 38’ 30” vĩ độ Bắc, 1110 55’55” kinh độ Đông”. Hòn đảo có diện tích 0,2 km2 này được Lữ đoàn 126 đã đổ bộ làm chủ đảo vào 9 giờ sáng ngày 29/4/1975.

Vừa bước chân lên đảo, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, ngỡ mình đang ở một làng quê Việt nào đó trên đất liền. Thị trấn Trường Sa không chỉ được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh điện, đường, trường, trạm y tế mà còn có cả các địa chỉ văn hóa, tâm linh. Nhà tưởng niệm Bác Hồ - một món quà từ xứ Nghệ trở thành địa chỉ thăm viếng quen thuộc của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Đó như là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước trong tim mỗi người con đất Việt giữa trùng khơi. Cách đó không xa là ngôi chùa Trường Sa Lớn với đường lối kiến trúc đậm chất của một mái đình làng Việt. Trong chúng tôi, chẳng ai nghĩ, mình đang ở Trường Sa, quần đảo cách đất liền hơn 250 hải lý.

Chưa hết cảm giác bất ngờ vì không gian quá thân thuộc, chúng tôi tiếp tục đi dọc theo những con đường rợp bóng bàng vuông đến thăm nhân dân trên đảo. Một làng chài khang trang, kiên cố nằm sát bờ biển rì rào sóng vỗ. Cuộc sống của người dân làng chài diễn ra ềm đềm, thanh bình như bất kỳ một làng biển nào khác ở đất liền. Buổi sáng, những người đàn ông nước da ngăm đen, rắn rỏi ra biển đánh cá, phụ nữ dẫn con đến trường, làm các công việc nội trợ và tham gia các hoạt động xã hội của Thị trấn Trường Sa. Ghé nhà ngư phủ Lê Đức Phát quê gốc ở xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) khi anh đang tất bật sửa sang lại lưới chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt cuối năm trước khi nghỉ Tết.

Anh Phát năm nay 34 tuổi nhưng nom ngoại hình còn trẻ lắm! Giọng Nam Trung Bộ đặc trưng, sôi nổi, anh chia sẻ: “Ở đây, nhân dân và bộ đội đoàn kết lắm! Nên cuộc sống dẫu có những thiệt thòi hơn so với đất liền nhưng tư tưởng của ai cũng vững vàng, quyết tâm bám trụ để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”. Đang nói chuyện thì chị Nguyễn Thị Bích Hà – vợ anh đón hai con đi học về. Khác với hình dung về cảnh con cái đông đúc thường thấy ở làng biển, lấy nhau 8 năm, hai anh chị chỉ có 2 mặt con, cháu đầu là Lê Đức Tính (7 tuổi) và cháu út là Lê Đức Toán (4 tuổi). Hỏi sao làm nghề biển mà sinh ít con thế? Chị Hà cười rồi thật thà trả lời: “Chỉ dừng lại ở hai con là đủ. Có thế mới đầu tư cho chúng nó học hành đến nơi đến chốn được chứ. Bây giờ cả làng chài tụi tôi không ai sinh con thứ ba cả”. Ở nơi đảo xa, tâm sự của chị Hà cũng là quan điểm tiến bộ của rất nhiều công dân ở đảo Trường Sa. Họ càng thêm vững tin khi cơ sở hạ tầng về giáo dục được đầu tư xây dựng khá khang trang, bề thế, thiết bị dạy và học tương đối đầy đủ.

Gần sát bên “làng chài” là ngôi trường 2 tầng khang trang được xây dựng từ Quỹ học bổng Vừ A Dính – Báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh xây dựng tặng theo Chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Hôm chúng tôi đến, thầy và trò đang trong thời gian học những buổi học cuối cùng trong năm, trước khi các em học sinh về nghỉ Tết cùng gia đình. Tại phòng học lớp 1, thầy giáo Đồng Minh Hiệp đang ôn tập lại cho các em môn tiếng Việt. Tiếng học trò đọc chữ cái lảnh lót, đều răm rắp len vào tiếng gió biển như vang vọng, bay xa hơn. Thầy giáo Hiệp sinh năm 1991, quê ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) dáng nhỏ nhắn, thư sinh.

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, Hiệp viết đơn tình nguyện ra dạy học ở quần đảo Trường Sa, cùng khóa với Hiệp có thêm 2 bạn nữa giờ đang dạy ở các đảo khác trong quần đảo. Dưới tán bàng vuông, Hiệp nhớ lại ấn tượng trong hành trình ra đảo hết sức “bão tố” của mình: “Lần đầu đi biển, hai ngày hai đêm theo tàu lênh đênh trên biển, người say sóng chẳng ăn uống được gì. Trong đầu cứ nghĩ mong cho nhanh đến đảo. Thế rồi cũng qua, giờ hàng ngày được lên lớp dạy các em học sinh là một niềm vui với mình”. Thầy Hiệp vừa dứt lời thì cậu học trò tinh nghịch, nước da đen nhẻm Nguyễn Phong Đạt ngồi bên hồn nhiên xen vào: “Chú ơi! Thầy Hiệp dạy con nhiều kiến thức hay và bổ ích lắm! Giờ con đọc, viết thành thạo rồi, lại còn biết làm Toán nữa. Chúng con ai cũng quý thầy nên rất thích đến trường”.

Đồng nghiệp cùng trường với thầy Hiệp còn có thầy giáo Phạm Trung Việt. Cũng tốt nghiệp Trường CĐSP Nha Trang và từng là giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Vạn Thạnh II, xã đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Vạn Thạnh là xã đảo còn khó khăn, chế độ ưu đãi cho những giáo viên như thầy Việt không phải là ít nhưng đùng một cái, anh làm đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Mọi người trong gia đình lúc đầu bất ngờ và có không ít ý kiến vào ra phản đối nhưng cuối cùng khi hiểu được lý tưởng của con, em mình, ai cũng đồng ý, vun vào cho anh yên tâm ra đảo công tác. Ở đảo Trường Sa, mặc dù chuyên môn tiểu học nhưng vì số lượng học sinh còn ít nên anh phụ trách dạy lớp mầm non. Nhìn cảnh Việt ân cần chỉ bảo, vỗ về những búp măng non của Thị trấn Trường Sa không khác gì một người cha, ít ai biết rằng, trong sâu thẳm tâm hồn anh còn đó một nỗi niềm riêng.

Thầy Việt và cô gái cùng quê Lê Thị Như Tuyết đi đến quyết định kết hôn sau 3 năm yêu nhau. Nhìn đôi trai tài, gái sắc nên duyên vợ chồng, gia đình, làng xóm ai cũng vui mừng chúc phúc. Nhưng ở với nhau chưa tròn 2 tháng, vợ chồng chưa kịp bén hơi nhau thì Việt nhận quyết định ra đảo Trường Sa dạy học. Giờ đây, chị Tuyết vẫn ngày ngày đi làm kế toán ở trong bờ, anh dạy học ở đảo xa, hàng ngày vợ chồng chỉ biết chia sẻ nỗi nhớ nhung qua những cuộc điện thoại. “Khi mình tình nguyện ra đây, cô ấy rất ủng hộ, thậm chí khuyến khích. Chỉ thương vợ một mình lo toan hết chuyện nội ngoại ở nhà. Giá như hai vợ chồng kịp có mặt con thì chắc chắn cố ấy sẽ đỡ cô quạnh, buồn tủi hơn, nhất là vào những dịp lễ Tết thế này” – Thầy giáo Phạm Trung Việt nghẹn lời tâm sự. “Nói gì thì nói, nhưng tinh thần, tư tưởng đã xác định rõ ràng trước khi đi rồi nên mình quyết tâm, không để những suy nghĩ riêng tư lung lay đâu. Học sinh ở đây cần mình, cần được học con chữ”, thầy Việt khẳng định chắc nịch. Khoảnh khắc ấy, ánh mắt người thầy giáo trẻ sáng lên những quyết tâm và niềm tin. Nhìn cảnh những đứa trẻ hồn nhiên chạy ùa lại ôm choàng lấy bờ vai người thầy, mới thấy những hy sinh thầm lặng ấy thật đáng trân quý biết bao.

Chia tay với những lớp học đặc biệt, chúng tôi lại tiếp tục mải miết với những mảnh ghép ấn tượng của bức tranh Trường Sa, thời gian trôi qua lúc nào không hay. Đêm đến, đứng từ đỉnh cao 27m của ngọn hải đăng Trường Sa lớn, phóng ánh mắt nhìn ra toàn cảnh, thị trấn đảo rực sáng long lanh như một viên kim cương giữa bao la biển đêm đen thẫm. Thượng úy Đặng Văn Tới – một người con quê Yên Thành, Nghệ An phụ trách lưới điện của đảo, đứng bên vui vẻ cho biết: “Hiện nay, cả đảo có 21 quạt gió và gần 500 tấm pin sản xuất khoảng 40KwA điện một ngày, phục vụ đủ nhu cầu chiếu sáng và các sinh hoạt khác cho cả cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Trường Sa còn xa đất liền ở vài điểm, chứ riêng điện có khi là hiện đại hơn đó nhé đồng chí phóng viên. Vì tất cả đều là năng lượng sạch”.

Đảo Trường Sa - “trái tim” của chuỗi ngọc Trường Sa ở Đông Nam biển Đông đang bừng sức sống từng ngày. Những ngày sống ở đây, giữa biển khơi mênh mông sóng nước, chúng tôi nhận ra một điều rằng, lòng yêu nước không phải là cái gì đó quá cao xa. Đó đơn giản chỉ là những hy sinh thầm lặng của người giáo viên, tiếng trẻ con ê a đánh vần hay tấm lòng kiên định bám trụ Trường Sa giữa bão tố, phong ba của những người con đất Việt máu đỏ, da vàng… Tất cả đều rất thân thuộc nhưng ở Trường Sa, nó đã làm nên một không gian đậm chất Việt, thăng hoa, lắng đọng mà tự hào đến lạ.

Đào Tuấn - Thành Duy