Giảm vượt tuyến, hạn chế kinh phí
(Baonghean) - Những năm qua, cùng với việc thực hiện đề án “Nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh”, ngành Y tế Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, đầu tư phát triển kỹ thuật chuyên sâu tiếp cận nhiều kỹ thuật mới tại các cơ sở y tế. Qua đó góp phần giảm bệnh nhân vượt tuyến và giảm gánh nặng chi phí cho người dân.
Phẫu thuật u não tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. |
Là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh hàng đầu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An luôn được đánh giá cao về những đóng góp thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và đang nỗ lực vươn lên trở thành bệnh viện của vùng Bắc Trung bộ. Bệnh viện đặt ra mục tiêu phát triển thêm 10 kỹ thuật mới/năm và đã hoàn thành vượt mức, đưa thêm 25 - 30 kỹ thuật mới vào khám chữa bệnh. Hiện nay, ở bệnh viện, các kỹ thuật mổ nội soi khớp gối, mổ chấn thương cột sống cổ không còn là kỹ thuật khó mà đã được thực hiện thuần thục. Các kỹ thuật như phẫu thuật nội soi, mổ nang thận, tán sỏi bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, cắt đại trực tràng dạ dày các khối u ổ bụng, tán sỏi mật bằng laser, mổ nội soi cơ bản pôlip mũi, viêm xoang, mổ mắt bằng pharco theo công nghệ mới đã trở thành thường quy và được chuyển giao xuống các bệnh viện tuyến dưới. Năm 2014 đã là năm thứ 3, bệnh viện đi sâu vào phát triển các kỹ thuật liên quan đến lồng ngực như mổ tim hở, stens mạch vành, bịt dù ống động mạch, nong van mạch phổi, đặt máy tạo nhịp tim. Tính đến cuối năm 2013, đã có 167 bệnh nhân bị tim bẩm sinh được cứu sống. Ngay ở các khoa lẻ như khoa tai mũi họng cũng đã làm được tất cả các kỹ thuật ở tuyến Trung ương, điển hình như điều trị điếc bẩm sinh bằng việc thay thế xương con ở trong tai.
Không ngừng tiếp thu học hỏi các kỹ thuật mới, bệnh viện thường xuyên gửi cán bộ, bác sỹ đi đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước, hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó với các chuyên gia đầu ngành trung ương; tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng các kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh điều trị. Đơn cử như ở Giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh năm 2013, các bác sỹ Dương Đình Chỉnh, Nguyễn Tất Thắng, Nguyễn Văn Hương ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa đã được trao giải Nhì với hai công trình mang tính hiệu quả cao là “Điều trị dị dạng mạch máu não bằng can thiệp nội mạch” và “Điều trị bệnh ung thư dạ dày bằng phẫu thuật nội soi kèm nạo vét hạch”... Một kỹ thuật mới được nắm giữ thành công đồng nghĩa có rất nhiều bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trung ương, giảm gánh nặng kinh phí.
Ông Tăng Đình Hùng, 49 tuổi ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu một bệnh nhân bị u não được phẫu thuật cứu sống bởi các bác sỹ ở Khoa Phẫu thuật- Thần kinh- Cột sống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa bày tỏ: “Trước khi mổ tôi không cử động được, mắt nhìn kém, đau nhức phần nửa sau đầu. Sau khi được mổ bằng phương pháp mới sử dụng hệ thống định vị Navigation 2-3 ngày, tôi đã có thể tự ngồi dậy và sinh hoạt nhẹ nhàng, đầu óc minh mẫn hơn, sức khỏe hồi phục tốt. May là mổ ở bệnh viện tỉnh chứ vào Thành phố Hồ Chí Minh thì tốn kém quá”. Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa cho biết: “Ngày 6/12/2013, với sự trợ giúp của các Bệnh viện 198 Bộ Công an và chuyên gia Bỉ, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên. Người cho thận là chị Võ Thị Hương, sinh năm 1966 ở khối 7 phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò. Người nhận là Hoàng Văn Hòa sinh năm 1988 - con trai chị Hương. đây là một thành công của bệnh viện bởi hiện nay không nhiều bệnh viện ở Việt Nam thực hiện được việc này.
Mới đi vào hoạt động kể từ ngày 8/8/2011 nhưng Bệnh viện Ung bướu đã nhanh chóng trở thành bệnh viện chuyên khoa hạt nhân khu vực. Từ khi thành lập đến nay, bệnh viện Ung bướu đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật phức tạp thuộc tuyến Trung ương như: Phẫu thuật thành công các khối u phổi, u trung thất, u thực quản; Cắt đoạn dạ dày, cắt toàn bộ dạ dày kèm theo nạo vét hạch; Phẫu thuật cắt đoạn đại tràng; Phẫu thuật cắt hạ phân thùy gan... Tháng 6/2013, Bệnh viện Ung bướu đã thực hiện thành công ca ghép tủy đầu tiên cho Hoàng Thị Hằng, 22 tuổi ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Bệnh nhân Hoàng Thị Hằng được chẩn đoán u limpho ác tính.
Sau đó, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An theo các phương pháp truyền thống, trong đó, có truyền hóa chất. Sau khi hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, bệnh viện đã thực hiện ghép tủy xương thành công cho chị Hằng. Đến ngày 18/1/2014, chị Hằng đã ra viện, sức khỏe phục hồi tốt. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Trung Chính, Cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết Ghép tủy là phương pháp tiên tiến, hiện đại và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư hiện nay trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt đối với nhóm ung thư máu như: bạch cầu cấp, mãn, suy tủy, u limpho ác tính. Thời gian ghép một ca bệnh kéo dài khoảng 4 tiếng, người bệnh chỉ có cảm giác tương tự như đang truyền máu nên có thể vừa ghép vừa xem tivi bình thường. Thực hiện cuộc ghép, người bệnh không cần sử dụng thuốc chống thải ghép, tỷ lệ lui bệnh sau 5 năm sẽ đạt mức 80 - 90%, trong khi các phương pháp khác như: phẫu thuật, hóa trị liệu hay xạ trị mức độ thành công chỉ đạt 50 - 60%. Bệnh viện ung bướu Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật ghép tủy.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An rất thành công trong kỹ thuật mổ tim hở. Bác sỹ Phan Văn Tư, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi cho biết: Bệnh viện đã đưa phẫu thuật tim hở vào mổ thường quy và phấn đấu năm 2014 sẽ điều trị thành công khoảng 40% – 50% bệnh nhi bị tim bẩm sinh. Song song với việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở, bệnh viện đang tiếp nhận kỹ thuật điều trị bệnh ung thư máu (còn gọi là bệnh bạch cầu cấp) ở giai đoạn duy trì từ bệnh viện Nhi Trung ương (tức là dùng thuốc duy trì, vì ung thư trẻ em có nhiều khía cạnh bệnh lý và phương thức điều trị khác với ung thư ở người lớn).
Việc thực hiện Đề án 1816 của Bộ y tế về hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến Y tế cơ sở đã tạo ra những bước chuyển tích cực. Ở các bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện TP Vinh, Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, phẫu thuật nội soi đã được thực hiện thành thạo, trở thành thường quy. Không dừng lại việc trông chờ ở các tuyến trên, ở các bệnh viện tuyến dưới đã chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, bác sỹ Tăng Việt Hà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho hay: “Hiện, Bệnh viện cũng đã ứng dụng thuần thục một số kỹ thuật khó, đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ cho đồng bào các huyện trong khu vực như: mổ sọ não, tán sỏi ngoài cơ thể... Để đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, bệnh viện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại bằng nhiều hình thức từ nguồn vốn của nhà nước, cũng như thực hiện công tác xã hội hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi đã cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh...”.
Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Với mục tiêu trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của Bắc Trung bộ, từ năm 2010 trở lại nay, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khám chữa bệnh đã được ngành đẩy mạnh. Từ năm 2010, các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã đưa vào áp dụng thành công nhiều kĩ thuật cao trong điều trị và chẩn đoán. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực: Phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, mọi đơn vị khám chữa bệnh phải có trách nhiệm lựa chọn phát triển kỹ thuật mới phù hợp với phân tuyến kỹ thuật được duyệt. Lấy chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân làm thước đo y đức của người cán bộ y tế; Tập trung đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng vừa phổ cập vừa chuyên sâu, đào tạo bác sỹ cho các tuyến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống, đáp ứng nhiệm vụ phát triển sự nghiệp y tế trước mắt cũng như lâu dài; Các bệnh viện tập trung đào tạo để triển khai được các danh mục kỹ thuật theo lộ trình, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách cử các cán bộ trẻ có năng lực và bố trí thành các ê kíp chuyên môn, kỹ thuật đi học trong và ngoài nước.
Thanh Sơn - Từ Thành