Vượt giá lạnh đi tìm con chữ

07/01/2014 09:24

(Baonghean) - Mùa này trên miền cao biên viễn của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… càng thêm giá lạnh. Nhưng bất chấp thời tiết khắc nghiệt, học sinh vùng cao vẫn đến trường đều đặn để học con chữ. Đạt được những điều ấy, không chỉ là sự chăm chỉ, ham học hỏi của các em mà còn là sự động viên, quan tâm của các thầy, cô giáo, những chính sách khuyến học kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Huyện biên giới Quế Phong vào những ngày này sương giăng trắng núi, cái giá lạnh, rét buốt ngấm vào da thịt đến tê tái. Đi trên Quốc lộ 48, dù đã mặc áo ấm kín mít nhưng chúng tôi vẫn không khỏi hít hà, xuýt xoa, lâu lâu phải tấp xe vào sưởi ấm “ké” ở một đống lửa nào đó đốt bên đường. Sương giá cộng với mây mù nên vào sáng sớm hay chập tối, xe cộ lưu thông đều phải bật đèn nhằm tránh gây tai nạn. Thời tiết rét buốt khiến người dân cũng ngại ra đường hay lên nương rẫy làm việc. Thế nhưng mới 6 giờ sáng, hàng trăm em học sinh cấp một, hai ở các thôn bản của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đã í ới gọi nhau đi học.

Trước đây Trường THCS Đồng Văn nằm ở bản Piếng Pùng, khi Nhà máy Thủy điện Hủa Na tích nước, ngôi trường này phải di dời về bản Đồng Mới với bao thiếu thốn, bộn bề. Trường nay đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm nhưng nhìn còn hoang sơ, xung quanh khuôn viên chỉ được che chắn bằng những phên đan tre nứa. Thế nhưng vượt qua bao khó khăn về cơ sở vật chất, thời tiết khắc nghiệt của miền núi, thầy trò Trường THCS Đồng Văn vẫn đến trường đều đặn, luôn duy trì tiết dạy. Thầy Hồ Sĩ Quý – Phó Hiệu trưởng tâm sự: “Bây giờ trời có rét mướt, mưa gió thế nào các em cũng đến trường, không còn bỏ học phải đi vận động như trước nữa. Nhìn sự chăm chỉ, ham học của các em, các thầy, cô giáo chúng tôi rất mừng. Cái nhận thức về học hành nơi đây đang dần thay đổi từng ngày”.

Xã Đồng Văn là một trong những xã khó khăn của huyện miền núi Quế Phong, có địa hình đồi núi hiểm trở nên việc đi lại học tập của các em rất vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa bão và giá rét. Có những bản như Khủn Na, Pù Khóng cách trung tâm UBND xã và trường học hàng chục cây số, thế nhưng với tinh thần ham học, hàng ngày các em học sinh ở hai bản này vẫn miệt mài đến trường.

Đa số hoàn cảnh gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, nên quần áo, sách vở đến trường còn rất thiếu thốn. Nhiều em trời lạnh giá thế này nhưng vẫn manh áo mỏng đến trường, một số em vì không có áo ấm nên mặc luôn chiếc áo đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Thầy Lang Văn Bốn, giáo viên của trường tâm sự: “Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cái ăn còn khó nói chi đến cái mặc. Thấy các em đến trường co ro trong chiếc áo mỏng, thầy cô cũng xót xa lắm. Mùa Đông này nhà trường cũng đã có chương trình vận động các cán bộ, giáo viên để giúp đỡ những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có áo ấm đi học”.

Sáng sớm, giá lạnh, sương mù phủ kín lối đi trên vùng núi Đồng Văn. Những đôi mắt trong sáng với khát khao con chữ vẫn miệt mài đến trường. Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thấy sự học được xem trọng như ở vùng núi nghèo khó, hiểm trở này. Mang trên mình chỉ hai chiếc áo mong manh, nhưng em Lô Thanh Hà đã dậy từ lúc gà gáy để đến trường học. Quãng đường từ bản Khủn Na tới trường học rất xa và đèo dốc, em phải đi từ sớm mới kịp giờ học. Nhìn em đến trường, trên mi mắt còn đọng những giọt sương đêm, đôi tay tê cứng vì giá buốt, hẳn ai cũng thương cảm, xót xa. Thế nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, em nở nụ cười ấm áp: “Mùa lạnh thì đi học cực hơn nhưng tụi em quyết tâm là không bỏ học buổi nào. Bố mẹ bảo là cứ chăm chỉ học hành, sắp tới bán mấy tạ ngô, sắn trên rẫy là có tiền mua áo ấm cho em”.

Mặc dù hiện nay trường trung học cơ sở Đồng Văn có 113 em được hưởng chế độ bán trú, 22 em được hưởng chế độ nội trú nhưng ngôi trường này vẫn chưa được công nhận là trường phổ thông dân tộc bán trú. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất thiếu thốn, mới có phòng học chứ chưa có nhà bán trú cho học sinh, giáo viên, nhà bếp, hệ thống nhà vệ sinh. Việc được nhận chế độ học sinh bán trú nhưng lại không được ăn, ở trong trường cũng gây nhiều khó khăn, bất cập cho các em học sinh, đặc biệt là vào mùa Đông giá lạnh như thế này. “Một số em có điều kiện thì ở trọ trong các bản làng gần trường, còn một số thì phải đi về trong ngày rất vất vả. Chúng tôi mong sớm nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền để thời gian tới, có nơi ăn chốn ở ổn định cho các em học tập tốt hơn” – thầy Hồ Sĩ Quý cho biết thêm.

Từ trung tâm xã chúng tôi vượt hàng chục cây số đường dốc ngoằn nghèo, hiểm trở để đến Trường Tiểu học Đồng Văn 1. Vừa đi, đồng chí Phó Chủ tịch xã Kim Ngọc Chiến vừa giới thiệu cho chúng tôi: “Trường chuyển về mấy năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có điện; nước thì phải xin các hộ dân xung quanh, nhà ở giáo viên còn chật chội lắm, nói chung cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn. Nhưng được cái là các cô, các thầy vẫn miệt mài bám lớp, bám trường từng ngày để gieo cái chữ cho con em nơi đây. Chúng tôi rất kính trọng và ghi nhớ công ơn, thầy cô nhiều lắm.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi vừa đặt chân đến là một ngôi trường bé nhỏ nằm cheo leo trên một quả đồi, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng, tre nứa. Vẻ hoang sơ và nghèo khó ấy càng khiến cho cái giá lạnh của mùa Đông thêm buốt giá. Thế nhưng vừa bước chân vào cổng trường, tiếng học bài “ê.. a” của các em vang lên một cách đều đặn, rõ to xua tan lạnh giá. Thầy Sầm Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng cho hay: “Miền rừng núi này khắc nghiệt lắm, các em đi học vất vả gấp bội phần. Trường chính như ri còn đỡ chứ các điểm trường lẻ thì cô trò còn gian nan hơn nữa, có kể cũng không hết được. Thế nhưng nhờ các chính sách quan tâm của Nhà nước, động viên của thầy, cô giáo, những năm trở lại đây không còn có tình trạng bỏ học, các em đến lớp rất chuyên cần”.

Thấy khách lạ, những mái đầu nghiêng ngó, miệng chúm chím cười, đôi má hây hây đỏ vì heo lạnh. Em Lang Thị Yên- lớp 4A vui vẻ cho biết: “Nhà cháu cách đây xa lắm nên cháu phải dậy từ sáng để đi học. Mùa này bố mẹ bảo chỉ có tiền mua cho chiếc áo len, còn áo ấm phải đợi đến mùa bắp năm sau. Đi trên đường thì lạnh nhưng vào trong phòng học ấm nên cháu vẫn học tốt chú ạ”. Nhìn nụ cười ấm áp, hồn nhiên của đứa trẻ, bao giá lạnh, mây mù của miền sơn cước bỗng chốc tan biến.

Quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi Phuxailaileng – ngọn núi cao nhất xứ Nghệ thuộc miền biên giới huyện Kỳ Sơn mây mù bao phủ. Mùa Đông về, cái buốt lạnh nơi đây càng thêm khủng khiếp hơn. Lúc chúng tôi lên đã quá nửa trưa nhưng chẳng thấy mặt trời, mây mù dày đặc bao phủ khắp nơi, chỉ đứng cách nhau vài ba mét là không nhìn rõ mặt nhau. Thế nhưng khi bước chân vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Na Ngoi, lớp nào cũng đông đúc, tiếng học bài rộn rã, khí thế. Là người miền xuôi nhưng đã hơn 30 năm nay, thầy Nguyễn Thế Hiền – Hiệu trưởng trường vẫn gắn bó với vùng đất biên viễn này. Hơn 30 năm giảng dạy cũng là hơn 30 mùa đông mà thầy phải trải qua một mình. “Mùa Đông ở miền núi, đặc biệt là huyện Kỳ Sơn này khắc nghiệt lắm. Ban ngày còn đỡ chứ đêm xuống giá lạnh ngấm vào da thịt đến tê buốt. Thế nhưng cán bộ, giáo viên và các em học sinh trong trường vẫn lên lớp đều đặn, không có tình trạng nghỉ học tránh rét hay bỏ học đâu. Để gieo được con chữ nơi vùng đất này, không phải ngày một, ngày hai là làm được, mà có khi phải gắn bó, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người”- thầy Hiền tâm sự.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Na Ngoi (Kỳ Sơn) tới trường.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Na Ngoi (Kỳ Sơn) tới trường.

Trường có 411 học sinh thì có đến 318 học sinh thuộc diện bán trú, nghĩa là cách nhà trường từ 7 km trở lên nên việc học hành, đi lại vào mùa mưa, mùa Đông rất cực khổ. Tuy nhiên, gần một năm trở lại đây, nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh nên các em nên đỡ vất vả đi phần nào, không còn đội rét mướt, lội đường rừng về nhà lấy cơm gạo, mắm muối như trước đây. Em Vừ Bá Cu, lớp 6A, người dân tộc Mông vui vẻ cho hay: “Nhà em cách đây xa lắm, phải băng qua hàng chục con khe, con dốc mới về đến nơi. Nhưng bây giờ nhà trường nấu ăn rồi, em không còn phải đi đi, về về như trước nữa. Cơm thầy, cô nấu ăn ngon lắm, tụi em đứa nào cũng chăm đi học để được ăn cơm”. Tâm sự của em Vừ Bá Cu rất hồn nhiên nhưng lại rất thật. Đói cái bụng, rung cái tay thì không tài nào học chữ được, phải ăn no cái con chữ mới chịu chui vào đầu. Vì vậy những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những chính sách khuyến học vùng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học ở miền Tây xứ Nghệ đã giảm rõ rệt.

Trường đông học sinh nên nhiều em phải thuê trọ ở ngoài, một số thì được bố mẹ làm cho cái chòi tá túc ngay sát trường. Những căn nhà lá thấp ẩm, mong manh, mùa Đông về càng thêm giá rét. Vì vậy nhiều chòi các em rủ nhau ngủ chung cho ấm, có chòi lên đến chục em. Em Vừ Bá Dìa lớp 6C chỉ vào căn chòi của mình cho chúng tôi hay: “Căn chòi này tụi em ở 8 người. Mùa Đông lạnh lắm nên càng ở đông thì càng ấm, mùa Hè tụi em lại chuyển bớt ra ngoài. Nhà em cách đây nửa ngày đường nên cuối tuần mới về, sáng thứ hai lại trở ra đi học”.

Trên những bản làng chênh vênh của miền cao xứ Nghệ, hàng ngày các em học sinh người Mông, người Thái, Khơ Mú… vẫn bất chấp cái giá lạnh, khắc nghiệt của mùa Đông để đến trường. Sự cần mẫn, chăm chỉ ấy rồi đây hẳn nhiên sẽ được đền đáp bằng những con chữ, kiến thức để thay đổi cái nghèo khó, gian khổ nơi miền cao biên viễn. Nhưng ngay lúc này, những học sinh các huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… cần lắm sự sẻ chia, quan tâm từ cộng đồng, xã hội, các cơ quan, ban, ngành. Những món quà nhỏ như đôi dày dép, chiếc áo ấm tình thương sẽ giúp các em vượt qua cái giá lạnh đến trường học hành được tốt hơn.

Triều Dương