Khắc phục "lỗ hổng" pháp lý trong hoạt động xuất bản

26/12/2013 17:50

(Baonghean) - Luật Xuất bản 2012 được Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ 4) thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Luật Xuất bản 2012 đảm bảo được các mục tiêu cơ bản, đồng thời khắc phục được "lỗ hổng" pháp lý trong lĩnh vực xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm, hứa hẹn sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất bản - in - phát hành trong thời gian tới.

Về lĩnh vực xuất bản

Trong quá trình xác nhận kế hoạch xuất bản, cơ quan quản lý nhà nước không còn can thiệp quá sâu vào nội dung của các đề tài. Cơ chế phân quyền này đã tạo ra “sân chơi” khá rộng rãi cho các nhà xuất bản, đồng thời quy định trách nhiệm lớn cho giám đốc, tổng biên tập NXB. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những cuốn sách chất lượng kém, vi phạm Luật Xuất bản làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa đọc như: Thể hiện không đúng, không đầy đủ về chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia; Miêu tả đời sống tình dục không phù hợp thuần phong mỹ tục; Sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật lịch sử… Rất nhiều xuất bản phẩm sau khi phát hành mới phát hiện ra sai phạm và tiến hành thu hồi, rút giấy phép.

Để xẩy ra tình trạng trên là do NXB buông lỏng quản lý trong liên kết xuất bản. Để thu hút đối tác, một số NXB đã chấp nhận khoán trắng hoàn toàn việc xuất bản cho đối tác liên kết. Vì thế, Luật Xuất bản 2012 dành khá nhiều nội dung trong việc nâng cao năng lực của các NXB.

Luật quy định thêm tiêu chuẩn chức danh của tổng giám đốc, ngoài những quy định khác thì có ít nhất 3 năm làm một trong các công việc: biên tập, quản lý xuất bản hoặc báo chí, quản lý tại cơ quan chủ quản NXB. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chức danh tổng biên tập được quy định phải có chứng chỉ hành nghề biên tập, có ít nhất 3 năm làm công việc biên tập tại NXB hoặc cơ quan báo chí và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật. Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên NXB. Theo đó, ngoài việc được đứng tên trên xuất bản phẩm, được từ chối biên tập những tác phẩm mà nội dung có dấu hiệu vi phạm và chịu trách nhiệm trước giám đốc NXB và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập, biên tập viên được tham gia các lớp tập huấn định kỳ về kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức. Đặc biệt, biên tập viên có trách nhiệm không được để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả...

Luật cho phép tổ chức, cá nhân được liên kết với NXB để xuất bản đối với từng tác phẩm được quy định trong Luật và quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc, tổng biên tập NXB trong liên kết xuất bản và trách nhiệm của đối tác liên kết.

Với một số bài đồng dao có nội dung phản cảm, cuốn sách
Với một số bài đồng dao có nội dung phản cảm, cuốn sách "Đồng dao cho trẻ mầm non" tập 6 (Nhà xuất bản Mỹ thuật) đã bị thu hồi.

Một điểm mới nữa trong Luật Xuất bản lần này là các cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh phải nộp lệ phí thẩm định nội dung tài liệu cho cơ quan cấp phép xuất bản. Trong hồ sơ, cùng với đơn đề nghị cấp giấy phép phải kèm theo 3 bản thảo thay vì 2 bản thảo như trước đây. Nếu là tài liệu để xuất bản điện tử, phải lưu toàn bộ nội dung vào thiết bị số và đối với tổ chức nước ngoài tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Về lĩnh vực in

Luật Xuất bản năm 2004 và Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã mở ra cơ chế xã hội hóa hoạt động in. Các thành phần kinh tế khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham gia hoạt động in, tạo điều kiện cho ngành in được đầu tư phát triển nhanh.

Trước năm 2004, cả nước chỉ có hơn 160 cơ sở in với những thiết bị in thô sơ lạc hậu thì đến nay có gần 1.500 cơ sở in với những công nghệ, thiết bị in hiện đại. Thế nhưng, tình hình hoạt động in đang diễn ra rất phức tạp, lộn xộn, bừa bãi, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng in lậu, in giả giấy tờ quản lý nhà nước xảy ra khá phổ biến đang trở thành vấn nạn của xã hội. Điều đó đặt ra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in.

Ngoài những quy định về hoạt động; Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; Điều kiện nhận in xuất bản phẩm, các quy định về in gia công xuất bản phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì Luật Xuất bản 2012 quy định riêng Điều 35 “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm”. Điều này quy định rất rõ trách nhiệm cụ thể trước pháp luật của người đứng đầu cơ sở in về hoạt động in xuất bản phẩm của mình.

Về lĩnh vực phát hành

Một trong những điểm mới tại Luật Xuất bản 2012 là đã quy định cơ sở phát hành như doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trước khi hoạt động phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ sở phát hành còn phải đảm bảo các điều kiện như: Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; Có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp; Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.

Đối với các cơ sở phát hành là các hộ kinh doanh cần đảm bảo các điều kiện như: Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam; Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm và không phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, Luật Xuất bản năm 2012 còn phân quyền thêm cho các cửa khẩu được giải quyết thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh tại cơ quan quản lý xuất bản hoặc làm thủ tục, hồ sơ tại cửa khẩu nhập khẩu. Đây cũng là điểm mới về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xuất bản phẩm.

Về xuất bản phẩm điện tử

Luật Xuất bản 2012 đề cập tới xuất bản phẩm điện tử và nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm. Việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử được quy định cụ thể ở Chương VI của Luật. Đây là hình thái mới của hoạt động xuất bản, là một bước tiến mới của Luật, phù hợp với xu thế phát triển của nền xuất bản hiện đại trên thế giới.

Từ Điều 45 đến Điều 52 trong Luật Xuất bản 2012 quy định về việc xuất bản phẩm điện tử, gồm: Điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Cách thức thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Kỹ thuật, công nghệ xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; Nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử... Các nội dung trên cơ bản đã bao quát các đối tượng, hình thức, điều kiện trách nhiệm và quyền hạn tham gia thực hiện và phát hành xuất bản phẩm điện tử, điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Lan Oanh (Sở TT&TT)