Lan man chuyện ngựa
Chắc chưa ai thống kê bây giờ loài ngựa ở Việt Nam có bao nhiêu con, nhưng hầu như đến bất cứ vùng quê nào, ta cũng bắt gặp hình ảnh những chú ngựa khi được thả rông trên sườn đồi, khi đang thồ hàng, chở người trên những con đường dốc núi hiểm trở hay trên những con đường đã láng nhựa, đổ bê tông...
Minh họa từ internet |
Có lẽ hiếm có nơi nào ngựa lại nhiều như ở TX Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh. Đấy là những chú ngựa đã được thuần phục, chủ yếu dùng để kéo xe hàng. Hồi trước, nhà tôi ở cạnh quốc lộ 1A. Buổi sáng, giấc ngủ muộn thường được đánh thức bởi tiếng vó ngựa gõ lộc cộc vang lên từ mặt đường phố. Những cỗ xe ngựa rầm rập phóng nhanh, tụ tập về phía ngã ba. Hình như ở đó có một quy ước ngầm về phân đất làm ăn, các cỗ xe ngựa đậu vạ vật chờ khách ngay trước cổng Nhà máy Gạch Thuận Lộc, trước cổng chợ hay các đại lý buôn bán vật liệu xây dựng.
Đừng vội xem thường cung cách kiếm tiền của các chủ ngựa. Nhiều gia đình khá giả nhờ ngựa. Tôi có ông cậu họ ở TX Hồng Lĩnh chỉ sắm cỗ xe ngựa mới độ dăm năm mà đã thoát khỏi diện hộ đói nghèo, nuôi 6 miệng ăn, thậm chí còn dư tiền xây một căn nhà mái bằng. Xe ngựa lốp trong cuộc cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác tỏ ra có một ưu thế khá đặc biệt, phù hợp với tình trạng đường sá cả đô thị, vùng phụ cận và nông thôn.
Chỉ mới đây thôi, để phục vụ cho việc làm nhà ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), danh bạ của tôi cũng phải ken thêm vài số điện thoại của mấy anh làm nghề xe ngựa. Thiếu độ dăm tạ hay 1 tấn xi măng, vài chục cây thép, ít hộp gạch lát, ít khối cát thì gọi chuyến xe ngựa là tiện nhất. Vừa nhanh, giá cả cũng phải chăng. Đây quả là một thứ nghề lao động dịch vụ nếu không được gọi là chuyên nghiệp thì cũng có thể xem là loại việc làm cho các nhà nông tận dụng thời gian nông nhàn.
Bây giờ, chỉ cần vài chục triệu bạc là có trọn một bộ xe ngựa ngon lành. Đầu tư ban đầu cho một thứ nghề như thế quả không lớn. Cái chính vẫn là công chăm sóc cho những con ngựa kéo. Một ngày cần có vài kg thóc cho cỗ máy 4 chân này. Với ngựa, thóc là món cao lương mỹ vị, chỉ được ăn trong những ngày chủ kiếm được tiền. Còn những ngày thường, mưa rét, ế khách, ngựa chỉ được xài những món bình dân như chuối băm trộn cám, rơm cỏ, rau muống, lá đu đủ, tre hóp… Chế độ đãi ngộ chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng giống ngựa vốn nhẫn nhục, trung thành, tỏ ra rất chịu khó làm lụng để nuôi gia chủ.
Ngựa cưỡi, ngựa kéo thì rõ rồi, nhưng có người còn sáng kiến tận thu sức lực của ngựa khi bắt nó tập cày. Chuyện như đùa, nhưng nghe bảo cũng có con cày khỏe và giỏi ra phết, chả kém gì trâu. Trách gì mà người đời cứ gọi chung là đồ trâu ngựa. Làm ra tiền cho chủ nên số phận sướng khổ của các chú ngựa cũng phụ thuộc vào sự đối xử của chủ. Ông cậu tôi thương con ngựa của mình lắm. Những lúc hàng nặng, ông không nỡ ngồi lên xe mà lững thững bám thành xe đi bộ cùng ngựa. Những lúc đường xa mệt nhọc, ngựa ngoan mấy cũng phát khùng, trở chứng không chịu đi. Để động viên, ông cậu tôi tạt vào quán ven đường mua cho nó cặp cu-đơ. Chén xong, người ngựa, ngựa người lại lọc cọc kéo nhau đi giữa cái nắng nồng gay gắt.
Giống ngựa không thông minh lắm nhưng cũng khá sáng dạ, biết chọn đường tốt để đi, tránh các vật cản như “ổ gà, ổ chó” dọc đường. Đang kéo hàng nặng mà gặp dốc hay vũng đất lầy thì cũng tự biết lấy đà tăng tốc độ. Khi xuống dốc, ngựa trình diễn món tuyệt chiêu phanh chân. Cái dốc nhà tôi xe đạp, xe máy xuống còn ngợp, thế mà, có bữa, trên xe hàng khá nặng, ông cậu chả biết tính toán thế nào mà vẫn lệnh cho Hồng (tên do cậu tôi đặt cho cô ngựa) thẳng tiến. Ngựa Hồng thoáng chốc ngần ngại nhưng rồi vẫn tuân lệnh chủ, gồng mình hí vang, chụm bốn chân vào triền dốc, từng bước nhả xe hàng xuống khoảnh sân một cách ngon lành. Nhìn tôi đang ngây mặt vì sợ hãi, ông cậu tôi cười khà khà: “Chân ngựa cứng và dẻo dai, ít khi bị què hoặc bong gân. Chỉ có điều, nó hay bị đau bụng và bị hà ăn chân. Với chứng đau bụng, chỉ cần nấu nồi lá hóp thật đặc cho uống, còn bị hà ăn chân thì kiếm tý đất đèn đốt lên cho vào mảnh vải buộc túm vào chân, qua đêm là khỏi”.
Cái đêm hôm ấy, khi hai cậu cháu đang ngồi chuyện trò về ngựa thì nghe thấy tiếng Hồng kêu khằn khặt ở phía sau chuồng. Cậu bảo “ngựa đói” rồi chạy đi xúc mớ thóc đem vào chuồng. Tôi lò dò theo sau, tò mò hỏi: “Sao nó không hí mà cứ kêu khục khặc như vậy?”. Cậu họ tôi giải thích: “Nó mà hí thì gay vì đó là triệu chứng cô ả đang thèm tình”. Chỉ vào con Hồng, ông bảo: “Ngựa cũng như người, có tướng cả. Ngựa nào có mắt chân, được cả 4 mắt thì càng tốt, rất giỏi đi đêm. Nếu đốt chân, tính từ mắt cá trở xuống mà nhặt thì chạy nhanh, nếu lông ngắn và mịn thì chịu đựng thời tiết giỏi và dễ vỗ béo…”.
Theo Báo HT