Đại học không là con đường duy nhất

26/03/2014 15:25

(Baonghean) - Câu chuyện của những người trẻ khởi đầu bằng con đường học nghề, và thành công nhờ nghề sau đây đã minh chứng rằng thành công là ở chính sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và sự quyết tâm theo đuổi đam mê. Với họ, đại học không phải là con đường duy nhất...

Thầy Nguyễn Thành Vinh hướng dẫn thực hành cho sinh viên.
Thầy Nguyễn Thành Vinh hướng dẫn thực hành cho sinh viên.

Tốt nghiệp THPT, không thi đại học như các bạn cùng lứa, chàng trai nghèo Nguyễn Thành Vinh, quê ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc quyết định lựa chọn cho mình hướng đi riêng. Anh chia sẻ: “Ngày đó, mình cũng ao ước một lần được ngồi trên giảng đường đại học nhưng nhà đông anh chị em, thương cho bố mẹ đều là công nhân một đời tần tảo vì con mà cuộc sống vẫn thiếu đây, hụt đó; phần vì mình nghĩ học cũng cốt là kiếm được một công việc, học nghề thì sẽ không sợ thiếu việc làm, thế là mình đã chọn thi vào trường nghề”. Năm 2004, anh Vinh theo học khóa 2 khoa Điện tử Viễn thông tại Trường Đào tạo nghề Việt - Hàn.

Anh tâm niệm "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh", một nghề cho chín còn hơn chín nghề, anh vừa học vừa đi làm thêm nâng cao tay nghề. Nhờ vậy sau khi tốt nghiệp, anh nhận tấm bằng loại xuất sắc. Không ngừng phấn đấu, đi làm thực tế 2 năm tại các công ty tư nhân, dành dụm được tiền anh tiếp tục học liên thông tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2006, anh được trường mời về giảng dạy tại Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Ngoài công tác giảng dạy, làm thêm tại các công ty, anh còn tham gia viết giáo trình cho một số môn học: Kỹ thuật mạch điện tử, cảm biến, kỹ thuật số… và một số giáo trình nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên.

Tiếp cận với công nghệ mới, trăn trở với nghề, anh thường tham gia nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy “Lấy học sinh làm trung tâm và phát huy tư duy tích cực trong học sinh”. Tham gia hướng dẫn sinh viên làm Robocon trong cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam 2009 khu vực Miền Trung và Tây Nguyên và hai đội Robocon của trường vinh dự được lọt vào vòng 12/44 đội tham dự. Trong quá trình giảng dạy, anh còn hướng dẫn các nhóm sinh viên làm đề tài tốt nghiệp và đều đạt giải cao: Nhất, Nhì và Ba trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật công nghệ học sinh - sinh viên được tổ chức tại Trường CĐ Nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc.

Là giáo viên trẻ đầy đam mê, anh không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề bằng việc trải nghiệm qua các cuộc thi. Anh đã giành được nhiều giải thưởng trong các hội thi tay nghề của tỉnh và toàn quốc. Và thành quả những ngày tháng miệt mài phấn đấu của anh là những bằng khen, giải thưởng: Giải Nhì Công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An – năm 2011. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen ‘‘Đã có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Nghệ An”. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng giấy khen “Đạt giải Khuyến khích – Nghề Điện tử công nghiệp” trong Hội giảng Giáo viên dạy nghề giỏi toàn quốc năm 2012. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tặng giấy khen “Đạt giải Ba – Nghề Điện tử” trong Hội giảng Giáo viên dạy nghề giỏi toàn tỉnh năm 2011. Trong nhiều năm anh liên tiếp là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Nói về con đường dẫn đến thành công, anh chia sẻ, với mình không quan trọng việc mình đi bằng con đường nào mà quan trọng là ta đến được cái đích mình mong muốn. Việc lựa chọn được nghề nghiệp trước hết là phải phù hợp với năng lực và sở trường, đam mê và luôn nỗ lực hết mình, bằng ý chí và hoài bão của tuổi trẻ.

Cũng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng con đường học nghề nhưng anh Nguyễn Ngọc Dũng (Nghi Đức – Nghi Lộc) hiện đã là Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tú Hà, chuyên sửa chữa các loại máy công trình. Anh chia sẻ: “Ngay từ lúc còn bé, tôi đã rất mê ô tô và các loại động cơ. Sau này khi tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết tâm theo đuổi đam mê ấy bằng cách lựa chọn học nghề sửa chữa ô tô. Hơn nữa, tôi cũng suy nghĩ, cuộc sống ngày càng phát triển, chắc chắn các loại máy móc cũng sẽ nhiều lên, lúc ấy ra trường sẽ không sợ thất nghiệp”.

Cũng bởi đam mê nghề mà việc học của anh không mấy khó khăn. Những môn học cả lý thuyết và thực hành với anh như là sự trải nghiệm và khám phá để thỏa mãn đam mê về các loại máy móc. Môn học nào anh cũng đạt được kết quả trên 8 điểm. Ra trường, anh cầm chắc tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường làm giáo viên thực hành. Thế nhưng, mong muốn được trải nghiệm thực tế và trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành, anh tự xin việc làm cho một công ty máy thủy lực. Đó là quãng thời gian quý giá để anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm công việc. Anh chia sẻ “Ngày ấy, ra trường là một công nhân bình thường với mức lương ban đầu chỉ khoảng chừng 400 nghìn đồng. Mặc dù vậy, tôi mong muốn tìm môi trường để mình trau dồi tay nghề, sau này có thể đứng vững với chính cái nghề mình đã được học và đã được trải nghiệm. Và sau thời gian tôi luyện, anh trở thành một trong những thợ giỏi của công ty.

Nỗ lực với công việc cũng đã đưa anh đến với cơ hội lớn trong cuộc đời người thợ. Là một thợ sửa máy “có tiếng” chuyên chữa được những “ca bệnh khó”, nên anh được lãnh đạo công ty nơi anh đang làm việc hiện nay mời về làm. Để nâng cao tay nghề, chuyên môn kỹ thuật, ngoài thời gian làm việc, anh tự mình mày mò tìm hiểu thêm tài liệu về các loại động cơ, máy móc…để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Hiện nay, anh đã được đề bạt lên vị trí phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Trên cương vị mới, anh thường xuyên hỗ trợ, chỉ dẫn kỹ thuật cho anh em công nhân; cố gắng để đảm bảo cuộc sống ổn định cho những người thợ. Luôn có cơ chế khuyến khích công nhân rèn luyện để nâng cao tay nghề và trả lương phù hợp với năng lực của họ. Với anh, con đường học nghề đã thực sự làm thay đổi cuộc sống.

Câu chuyện về những người đã thành công nhờ con đường học nghề là điều những bạn trẻ hiện nay cần suy ngẫm. Có nhiều con đường để dẫn đến thành công, quan trọng là về cách lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, luôn nỗ lực và đam mê...

Đinh Nguyệt – Phạm Ngân