Hương bồ kết

26/12/2013 20:58

(Baonghean) - Cuối đông, về quê, tần ngần đứng dưới tán bồ kết già trơ cành xám ngắt, chỉ còn lởm khởm những chùm gai hoắt nhọn, những quả bồ kết cuối cùng đã rụng hết. Một mùa bồ kết nữa âm thầm đi qua. Chợt da diết nhớ hương bồ kết ngai ngái, thơm thuần khiết ủ trên những mái tóc thề thuở trước…

Ở quê tôi trước đây, cây bồ kết mọc nhiều. Dân quê thường gọi loại cây thân gỗ, chi chít gai nhọn và cho những chùm quả đen đen chủ yếu dùng để nấu nước gội đầu này bằng cái tên dân dã khác là “ chùm kết”.

Bồ kết mỗi năm chỉ ra quả một lần. Mùa xuân, trên những cành cây xù xì, điểm giữa những tán lá xòe rộng là thảm hoa màu trắng li ti. Dẫu bé nhỏ nhưng những nụ hoa khiêm nhường ấy cũng góp phần làm cho bầu trời xuân quê tôi thêm sắc màu và duyên dáng hơn. Qua hạ rồi thu sang, những quả nhỏ xanh non hấp thu đủ cái nắng nóng, rồi hanh hao của khí trời cứ lớn dần thành từng chùm quả, dài cỡ ngón tay, lúc lỉu trên cành. Những quả bồ kết xanh sậm, căng hằn những hạt vẫn chưa chịu chín. Chỉ đến khi những đợt gió đầu đông về heo lạnh thì những chùm quả mới ngả sang vàng nhạt nhánh và mùi hương bồ kết thơm nồng ngai ngái theo làn gió nhẹ truyền đi khắp nơi. Dân quê tôi cứ thế nhặt những chùm quả chín phơi khô, cất để dùng quanh năm.

Thủa trước, chẳng riêng gì phụ nữ mà nam phụ lão ấu ở quê đều gội đầu bằng thứ nước nâu vàng sóng sánh nấu từ quả bồ kết khô. Chỉ cần ra vườn lượm dăm quả bồ kết, bẻ nhỏ cho vào nồi nước sôi, cầu kỳ hơn thì thêm vào ít lá sả, lá hương nhu, lá bưởi tươi là có ngay một nồi nước gội đầu thơm dịu nhẹ. Có lẽ vì chăm gội đầu bằng nước bồ kết với các cây lá trong vườn mà tóc của các thanh nữ làng tôi lúc nào cũng đen nhức và suôn dài.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Sở hữu mái tóc đen và đẹp nhất là chị Loan con thầy Lân. Chị Loan trắng trẻo, tóc dài, cánh trai làng nhiều anh thầm yêu mái tóc huyền như mây của chị. Ngay cả tôi, từ lúc còn bé con, cũng rất thích hít hà hương bồ kết ủ trong tóc và thầm mơ có mái tóc dài giống chị vì thế rất chăm gội đầu… Mẹ tôi bảo hồi mẹ và các dì đi thanh niên xung phong, thứ không thể thiếu trong ba lô trước lúc lên đường là đùm bồ kết phơi khô, giã nhỏ, vừa để gội đầu vừa để ngửi mùi hương cho vợi bớt nỗi nhớ quê... Đã thành nếp, chiều 30 Tết, dù bận đến đâu, mẹ cũng không quên sai chị em tôi lấy bồ kết và các loại lá thơm trong vườn để đun nước gội đầu “tẩy trần” trước khi bước sang năm mới.

Không chỉ dùng nước “chùm kết” gội đầu, mà dân quê tôi còn dùng để giặt quần áo, chăn màn mà rất sạch sẽ, thơm tho. Ấy là những năm thập niên 70, 80, khi xà phòng còn khan hiếm và đắt đỏ. Dân công chức còn có tem phiếu, chứ dân quê làm ruộng mấy ai dám bỏ tiền ra mua bánh xà phòng Liên Xô về dùng. Và quả bồ kết vườn nhà là sự lựa chọn đầu tiên và gần như duy nhất. Ngoài ra, các bà các mẹ còn dùng quả bồ kết làm vị thuốc chữa các bệnh thông thường như chữa tiêu đờm, ngạt mũi, sâu răng, rôm sảy... Khi dùng làm thuốc thường lấy quả sấy khô đốt thành than, tán bột...

Giờ đây, phần lớn người dân không còn dùng bồ kết gội đầu mà chuyển sang dùng các loại dầu gội thông dụng, quảng cáo nhan nhản trên ti vi. Cây bồ kết cũng mất dần vị thế, bị chặt bỏ rất nhiều. Những mùa bồ kết cứ thế lặng lẽ đi qua. Nhưng mùi hương tinh khiết của nó vẫn đọng lại trong nỗi nhớ khôi nguôi của bao người...

Phan Hà Long