Bước đi quyết định trong lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập

15/01/2014 14:57

(Baonghean) - Ngày 14/1, Ai Cập bắt đầu tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong bối cảnh an ninh được tăng cường và các cuộc biểu tình phản đối chính quyền vẫn tiếp diễn. Dù diễn ra khá muộn so với lịch trình mà Tổng thống lâm thời Atly Mansour vạch ra, cuộc bỏ phiếu này vẫn cho thấy lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập đang đi đúng hướng kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

Theo Ủy ban bầu cử Trung ương Ai Cập, có khoảng 54 triệu cử tri trong tổng số 85 triệu người dân nước này đủ tư cách đi bỏ phiếu, tại hơn 30 nghìn điểm trong cả nước, trong hai ngày 14 và 15/1. Trước đó, từ ngày 8 đến 12/1, công dân Ai Cập sống ở nước ngoài cũng đã đi bỏ phiếu. Mặc dù chỉ có 15% trong tổng số hơn 680.000 kiều dân nước này đăng ký tham gia cuộc trưng cầu ý dân – một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với cuộc trưng cầu trước đó, song kết quả cho thấy tỷ lệ cử tri sống ở nước ngoài bỏ phiếu ủng hộ dự thảo hiến pháp đạt mức rất cao. Tỷ lệ bỏ phiếu “có” đạt 100% tại Palestine, 99,5% tại Los Angeles (Mỹ) và 99% tại Rome (Italia). Ngoài ra, trên 98% cũng là kết quả đạt được tại hàng loạt địa điểm khác như Saudi Arabia, Sudan, Tunisia, Paris (Pháp), Áo, … Theo Ủy ban bầu cử, kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu trong nước vào ngày mai.

Người dân Ai Cập xem danh sách cử tri tại một điểm bỏ phiếu.
Người dân Ai Cập xem danh sách cử tri tại một điểm bỏ phiếu.

Theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng Bản dự thảo hiến pháp sẽ được thông qua với tỷ lệ trên 70% số phiếu ủng hộ. Một cuộc điều tra do Trung tâm Nghiên cứu dư luận Ai Cập tiến hành trên cả nước từ ngày 24 đến 26/12 cho thấy, có tới 74% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp mới, trong khi chỉ có 3% khẳng định sẽ bỏ phiếu chống. Khả năng Bản dự thảo hiến pháp được thông qua với tỷ lệ cao không chỉ dựa trên những con số của các cuộc điều tra, mà còn dựa trên những phân tích về tâm lý của người dân Ai Cập – những người đã quá chán ngán với tình trạng bạo lực cũng như việc gián đoạn cuộc sống thường nhật do các cuộc biểu tình đường phố của phe Hồi giáo tại Cairo cũng như tại các thành phố khác trên khắp cả nước. Mặt khác, với 247 điều khoản, bản dự thảo hiến pháp sửa đổi được đánh giá là đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của người dân và sự phân quyền giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp của Ai Cập. Với người dân Ai Cập hiện nay, “cơm no áo ấm” mới thực sự là mong muốn sát sườn nhất, chứ không phải là các chương trình nghị sự tôn giáo có xu hướng cực đoan của các lực lượng Hồi giáo.

Mặc dù được nhiều người dân ủng hộ, song bản dự thảo hiến pháp mới lại bị các lực lượng Hồi giáo phản ứng mạnh mẽ bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của lực lượng vốn có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị, xã hội Ai Cập. Bản Hiến pháp mới sẽ dẫn tới việc ngăn cấm hoàn toàn các đảng Hồi giáo trong các hoạt động chính trị và giúp củng cố quyền lực của quân đội. Ngoài ra, bản Hiến pháp này cũng xóa bỏ những điều khoản bổ sung bị xem là giống các quy định của đạo Hồi mà Quốc hội với đa số thành viên Hồi giáo đưa vào dưới thời cựu Tổng thống Morsi. Đó là lý do các lực lượng Hồi giáo kiên quyết tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời tiếp tục tiến hành các vụ tấn công bạo lực nhằm vào lực lượng an ninh tại nhiều điểm trên khắp cả nước. Vì vậy, để đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu, Ai Cập đã phải triển khai gần 400 binh sĩ, cảnh sát và hơn 600 đơn vị chiến đấu cơ động cùng sự hỗ trợ của máy bay, xe thiết giáp.

Lần trưng cầu dân ý này được xem là một phép thử quan trọng đối với chính phủ lâm thời Ai Cập. Nếu chính quyền thành công trong việc điều hành một cuộc bỏ phiếu tự do và minh bạch, không có sự cố an ninh nào lớn, họ có thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Hồi giáo. Ngoài ra, đó còn là tấm vé thông hành đưa các lực lượng tự do và thế tục lên nắm quyền một cách “danh chính ngôn thuận” sau các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra trước giữa năm nay. Và quan trọng hơn, nó thể hiện sự đồng thuận của người dân Ai Cập, những người vẫn luôn mong chờ ngày chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài sau gần 3 năm hứng chịu cơn địa chấn “Mùa xuân Arab” tại đất nước Kim Tự Tháp. Tuy nhiên, liệu chính quyền lâm thời có thể đạt tới kết cục “mỹ mãn” này hay không, điều đó còn phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của lực lượng Hồi giáo. Hiện nay vẫn có ý kiến lo ngại rằng, nguy cơ bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ là động lực đẩy làn sóng biểu tình bạo lực Hồi giáo dâng cao, khiến họ dốc toàn lực cho một cuộc chiến chống lại chính quyền.

Thúy Ngọc