Sống "phúc âm" đồng hành cùng dân tộc
(Baonghean) - Những ngày này, không khí noel đang tràn ngập khắp các xứ, họ đạo trong toàn tỉnh. Trên những tuyến đường dẫn vào các nhà thờ xứ, họ đạo đều được chăng đèn, kết hoa rực rỡ với hang đá, đèn ông sao, ông già noel lộng lẫy đón mừng ngày lễ trọng của đồng bào Công giáo. Bà con các xứ, họ đạo hồ hởi cùng vui đón giáng sinh an lành, hạnh phúc, trong tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước”…
Những xứ, họ yên vui
Về những nơi có đông đồng bào giáo dân sinh sống, niềm vui đón giáng sinh như càng được nhân lên khi nghe câu chuyện về những giáo xứ bình yên, tích cực tham gia xây dựng tình đoàn kết lương giáo, thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và những tấm gương giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện đúng lời huấn từ của đức Giáo hoàng Benedicto XVI “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Mừng Giáng sinh tại xóm Lam Đồng, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Mai Hoa |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất đồ mộc nội thất của gia đình ông Phùng Trọng Sáng, một doanh nhân công giáo tiêu biểu và là Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Bột Đà, Trưởng ban Đoàn kết công giáo huyện Đô Lương. Xưởng mộc được mở tại gia đình nhưng thường xuyên có gần 10 lao động làm việc, thu nhập trung bình mỗi người từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, riêng thợ chính thì xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng… Cũng nhờ năng động, đa dạng trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ giàu và khá chiếm trên 80%, hộ nghèo chỉ còn 9 hộ, bình quân thu nhập đạt 15 triệu đồng/năm. Trong niềm hồ hởi, linh mục Hoàng Đức Luyến – quản hạt Bột Đà chia sẻ rằng: Bởi đời sống ngày càng khấm khá, nên năm nay bà con các giáo xứ đón Noel yên bình và các hoạt động truyền thống được tổ chức rộn rã, vui tươi.
Lên với huyện Anh Sơn chúng tôi gặp ông Hồ Sỹ Ngân, Trưởng ban Đoàn kết công giáo huyện Anh Sơn – một giáo dân kính Chúa, yêu nước đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết. Ông tự hào cho biết về phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến ở các xóm giáo trên địa bàn, trong đó nổi bật có 3 xóm: xóm 7, xã Thạch Sơn, xóm 9 xã Hùng Sơn và xóm 10 xã Tường Sơn. Trong năm 2013 thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trong đồng bào giáo dân đã lên đến 652 hộ, tăng 7% so với năm trước. Ngoài ra, phong trào chăm lo việc học hành cho con em càng được nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều địa phương quan tâm, đầu tư.
Các hình thức khuyến học, khuyến tài đã và đang được chú trọng, ngày càng có tác dụng khuyến khích con em học tập tốt như: Tiếng trống học bài, dòng họ khuyến học, chi hội khuyến học… Hàng năm các linh mục, ban hành giáo xứ, họ và các nhà hảo tâm đã bằng nhiều hình thức gặp mặt, động viên tặng quà cho các em nghèo có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập tốt, xây dựng quỹ khuyến học trung bình mỗi năm gần 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhờ năng động trong phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình có anh Trần Văn Hiển, giáo dân xóm 8 xã Hùng Sơn, với mô hình VACR chè, rừng nguyên liệu, ao cá, chuồng trại, cho thu nhập mỗi năm từ 300 - 350 triệu đồng; anh Hoàng Hường giáo dân ở xã Khai Sơn đã đầu tư gần 3 tỷ đồng mua ôtô chở khách 45 chỗ ngồi, chạy tuyến Anh Sơn – Hà Nội…
Còn tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc) đồng bào giáo dân tích cực chung tay cùng với các cấp chính quyền xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ở xóm 8, nơi có đến hơn 90% dân số là đồng bào giáo dân là đơn vị đi đầu trong toàn xã về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu quan trọng chính là xây dựng đường giao thông nội xóm và tiến hành dồn điền đổi thửa. Xóm trưởng xóm 8, giáo dân Đặng Hữu Lương cho biết: “Điều thuận lợi nữa là chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cha quản xứ, hội đồng mục vụ và sự ủng hộ của bà con giáo dân.
Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất làm đường để làm đẹp thôn xóm, trong đó ông Lương hiến gần 150m2 đất vườn, ông Nguyễn Văn Hùng, một thành viên trong UBMTTQ, tình nguyện phá hành rào cắt gần 200m2 đất để làm đường, gia đình giáo dân Nguyễn Thị Lĩnh, Nguyễn Thị Hương và 30 hộ khác trong xóm cũng đã tự nguyện hiến gần 5.000m2, người ít vài ba chục mét, người nhiều lên gần 200m. Niềm vui đến với xóm vào cuối năm 2012, sau khi 9 tuyến giao thông nội xóm, nhà văn hóa, bãi chứa rác thải, cổng làng được xây dựng xong thì xóm cũng được UBND huyện công nhận xóm văn hóa”.
Về với khối 6 phường Nghi Thủy, thuộc Giáo họ Mai Lĩnh (Thị xã Cửa Lò), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là con đường bê tông trải dài từ trục đường chính đến tận các ngõ vào đến tận các hộ dân, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang cho thấy cuộc sống khá giả của bà con giáo dân nơi đây. Khối có 152 hộ với 658 khẩu, giáo toàn tòng. Bà con giáo dân luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương, tạo điều kiện giúp nhau vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, làm du lịch và xuất khẩu lao động. Đến nay, toàn khối có 46 hộ khá, 33 hộ giàu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,78%, 136 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, các phong trào từ thiện, đóng góp các loại quỹ nhân dân trong khối luôn đạt và vượt chỉ tiêu.
Bà con giáo dân cũng rất chú trọng nâng cao trình độ dân trí nên con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Nhân dân thực hiện tốt chương trình yên dân, yên địa bàn để mọi người có cuộc sống an bình, hạnh phúc và có trách nhiệm xây dựng khối vững mạnh về mọi mặt, trở thành điển hình trong phong trào đoàn kết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Thị xã Cửa Lò. Trong không khí vui tươi của những ngày lễ Noel, chúng tôi còn được nghe kể rất nhiều câu chuyện vui về tinh thần góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới của bà con giáo dân ở các Giáo xứ Bảo Thanh (Bảo Thành, Yên Thành); Giáo xứ Quan Lãng (Tường Sơn, Anh Sơn); Giáo họ Sơn La (Xuân Sơn, Đô Lương) và những điển hình tiêu biểu như 15 hộ giáo dân khối 6 phường Thu Thủy (Thị xã Cửa Lò) thuộc Giáo họ Yên Trạch đóng góp 225 triệu đồng và trên 50 ngày công làm 175m đường bê tông; gia đình giáo dân Nguyễn Duy Quỳnh xóm Xuân La (Nghi Đồng, Nghi Lộc) hiến 700m2 đất để làm đường giao thông…
“Sống đạo giữa đời”
Cộng đoàn giáo dân tỉnh Nghệ An hiện có 53.843 hộ, 264.845 nhân danh (chiếm trên 8%) dân số toàn tỉnh, với 10 giáo hạt, 88 giáo xứ, 344 giáo họ sinh sống hòa nhập với địa bàn dân cư chủ yếu ở 14/20 huyện, thành thị. Những năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của các quí cha, HĐMV giáo xứ, giáo họ, Ủy ban Đoàn kết công giáo và các Ban Đoàn kết Công giáo đã động viên cộng đoàn giáo dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của nhà nước; qui định của địa phương; thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng xứ họ tiên tiến, xây dựng làng xã văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đoàn kết giúp đỡ nhau giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống nhân văn, thực hiện nếp sống ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; chăm lo sức khỏe cộng đồng.
Bà con giáo dân các xứ, họ đạo tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng hộ giàu trong đồng bào đạo Công giáo lên 7742 hộ, chiếm 14,5%; 18718 hộ khá, chiếm 32,5%, có 3.4946 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 65,7%. Việc thực hiện Pháp lệnh Dân số KHHGĐ được quan tâm, sự học của con em giáo dân ngày càng được coi trọng. Chỉ tính riêng trong năm 2013, có 632 em học sinh theo đạo Công giáo đậu vào các trường đại học, cao đẳng; 40 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Có giáo xứ, giáo họ nhiều năm liền không sinh con thứ 3 trở lên tiêu biểu như Giáo họ Tri Lễ (Khai Sơn), Giáo họ Quan Lãng (Tường Sơn), Anh Sơn, các xóm giáo 6 và 12 (Hưng Phúc, Hưng Nguyên) 5 năm liền không sinh con thứ 3…
Đáp lời mời gọi trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, như lời đức Thánh Cha “Thực thi bác ái là loan báo tin mừng”, những năm qua, nhân đức bác ái trong đạo Công giáo được phát huy và trở thành nét đẹp trong việc “sống đạo giữa đời” của các tu sỹ và tín hữu Công giáo. Cùng với đồng bào trong tỉnh, cộng đoàn giáo dân đã tham gia đóng góp xây dựng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sỹ, hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết... góp phần làm vơi nỗi đau, sưởi ấm bao mảnh đời bất hạnh, nhân lên niềm hy vọng cho bao gia đình.
Giác ngộ sự hòa hợp giữa "đạo" và "đời", nhiều vị HĐMV ở các giáo xứ, giáo họ đã tích cực tuyên truyền vận động bà con giáo dân làm tròn bổn phận của người công dân "kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật Nhà nước, qui ước địa phương. Họ tự nguyện là cầu nối giữa chính quyền và đồng bào giáo dân, giữa xã hội và giáo hội để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay có 4 chức sắc tôn giáo tham gia ủy viên ủy ban MTTQ cấp xã, 2 linh mục tham gia Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, 2 linh mục tham gia Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh.
Nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn ủng hộ, tạo điều kiện để đồng bào Công giáo sống đạo, hành đạo theo qui định của pháp luật và Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền cũng tổ chức triển khai nhiều chương trình, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại vùng đồng bào tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có đạo. Vào các dịp lễ trọng của người Công giáo như ngày lễ Noel, cùng với việc cử các đoàn đến thăm, chúc mừng, chia vui các linh mục, chức sắc, chức việc, cán bộ cốt cán và giáo dân tiêu biểu; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể còn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như tọa đàm, gặp mặt cán bộ cốt cán vùng giáo; tuyên dương điển hình thanh niên tôn giáo; điển hình giáo dân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời đẹp đạo; tổ chức dạ hội đón chào Noel; thăm, tặng quà tại các vùng khó khăn... nhằm động viên đồng bào giáo dân làm tròn bổn phận của người công dân - giáo dân “kính Chúa yêu nước”.
Trên thực tế, đại bộ phận đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An là những người sống phúc âm, chấp hành nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tâm niệm “dấn thân phục vụ tha nhân bằng những việc làm phúc đức và những đóng góp tích cực vào sự phát triển KTXH tỉnh nhà”. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những trường hợp giáo dân vi phạm pháp luật, một số chức sắc, chức việc trong giáo hội chưa thật sự giác ngộ sự hòa hợp giữa đạo và đời, chưa thiện chí hợp tác với cấp ủy, chính quyền dẫn dắt giáo dân - công dân đi vào con đường sống tốt đời đẹp đạo để “gặp Chúa trong lòng dân tộc”, dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến tình đoàn kết lương - giáo và khối đại đoàn kết dân tộc.
Hòa chung niềm vui ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2013 với nhiều hy vọng tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, cấp ủy chính quyền, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp mong muốn bà con giáo dân các xứ, họ thực thi đúng đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vì “quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa...”.
Khánh Ly - Mỹ Hà