Hàng Việt về nông thôn: Kênh quảng bá thương hiệu

15/01/2014 14:49

(Baonghean) - Tổ chức các phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" là một giải pháp tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 17 phiên chợ. Thông qua hoạt động này, đã giúp doanh nghiệp trong nước củng cố thương hiệu, mở rộng uy tín và đặc biệt làm thay đổi nhận thức người tiêu dùng...

Bà con xã Phong Thịnh (Thanh Chương) đến mua sắm tại gian hàng của Công ty CP Thanh Hà.
Bà con xã Phong Thịnh (Thanh Chương) đến mua sắm tại gian hàng của Công ty Cổ phần Thanh Hà.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù thời tiết không ủng hộ, rét đậm cộng với mưa nặng hạt nhưng những nhân viên thuộc Công ty TNHH EB Vinh vẫn tranh thủ dọn dẹp, bày biện hàng hóa để chuẩn bị cho kịp buổi bán hàng đầu tiên của chương trình tại chợ Chùa - xã Phong Thịnh (Thanh Chương). Anh Hoàng Minh - phụ trách điểm bán hàng lưu động của công ty cho biết: "Năm ngoái, Công ty cũng tổ chức đưa hàng Việt về huyện này nhưng mỗi năm tổ chức một khác. Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi nên anh chị em trong đội có phần vất vả hơn". Nghe tin có phiên chợ hàng Việt về nông thôn, bà con xã Phong Thịnh và các xã lân cận đã rủ nhau đến tham quan phiên chợ. Mới 8 giờ sáng nhưng rất đông bà con tới lựa chọn, mua hàng. Tiếng nói cười, tiếng chào hỏi huyên náo một vùng. Những mặt hàng được người dân quan tâm nhiều nhất là xà phòng, dầu ăn, nước mắm, mì chính, mì tôm..., và các mặt hàng gia dụng thiết yếu được giảm giá, có khuyến mại đi kèm. Chị Nguyễn Thị Phương (ở xã Thanh Liên) đang chăm chú đọc những thông tin trên sản phẩm ấm siêu tốc cũng vui vẻ góp chuyện: "Hàng hóa phiên chợ năm nay phong phú hơn nhiều so với năm trước, mà giá cả các mặt hàng cũng phù hợp với mức thu nhập của người nông dân. Mấy năm nay, nhờ các chuyến hàng Việt về nông thôn mà người dân chúng tôi có cơ hội được đi mua sắm như trong siêu thị, được dùng hàng hóa giá rẻ, chất lượng đảm bảo".

Điều làm người dân háo hức khi đến với chương trình chính là cơ hội được tham quan, tìm hiểu hàng Việt với đa dạng các mặt hàng mà họ khó có thể mua sắm được nếu không xuống Thành phố Vinh. Trong khuôn khổ chương trình, các quầy hàng đều thiết kế bắt mắt, hàng hóa có đầy đủ tên, địa chỉ nhà sản xuất, nhà phân phối. Mặt khác, công tác thông tin, quảng bá phiên chợ tới người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức. Ngoài phát tin trên đài truyền hình tỉnh, huyện, xe thông tin lưu động, băng rôn tại nơi đông dân cư và phiên chợ, Ban tổ chức còn phát tờ rơi tới tay người dân tại một số nơi đông dân cư và có xe đi cổ động tới các xã ở xa địa điểm thực hiện. Những mặt hàng được giới thiệu và trưng bày chủ yếu là các nhóm hàng gia dụng, điện gia dụng; bánh kẹo, sữa, bia, rượu, nước giải khát; mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo; thực phẩm công nghệ… do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với mẫu mã đa dạng; giá bán, giá khuyến mãi được niêm yết rõ ràng trên mỗi sản phẩm để bà con dễ dàng lựa chọn; tạo tâm lý yên tâm trong việc lựa chọn hàng hóa.

Một trong những cách để doanh nghiệp bám sâu thị trường nông thôn là xây dựng hệ thống phân phối và đưa hàng về chiếm lĩnh lại thị trường. Anh Trương Tiến Hưng, phụ trách gian hàng Công ty CP Thanh Hà cho hay: "Chúng tôi tham gia vào phiên chợ được xem như việc đầu tư vào Marketing thương hiệu, tiếp thị sản phẩm, còn chuyện lỗ lãi thì không nghĩ đến vì nếu tính chi tiết từng khoản phải bỏ ra là khá nhiều, từ khâu vận chuyển đến chuyện đi lại, ăn ở cho 4 ngày tham gia chương trình… Những chi phí này khó có thể bù đắp bằng lợi nhuận qua mỗi phiên chợ bởi doanh số mỗi chuyến bán hàng chưa được cao, nhưng quan trọng nhất là chúng tôi có cơ hội được trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, qua đó nắm bắt thị hiếu của họ để đề ra chiến lược kinh doanh lâu dài. Qua 2 phiên chợ ở 2 huyện Thanh Chương và Diễn Châu, đơn vị chúng tôi đã ký thỏa thuận được với 6 hợp tác xã và 4 cửa hàng làm đại lý chính thức để phân phối các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; trực tiếp gặp gỡ người dân để tư vấn kỹ thuật, cách thức sử dụng sản phẩm "...

Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt "và chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia lần thứ 2 trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Thủy sản Vạn Phần đã tham gia 4 phiên chợ, và từ các phiên chợ này, công ty đã trực tiếp ký hợp đồng cung ứng sản phẩm chủ yếu là loại nước mắm thượng hạng, loại 1 và loại 2 với 4 nhà phân phối tại chợ Huỳnh (Tương Dương), chợ Chùa (Thanh Chương), điểm phân phối tại Ngã ba Phú Phương (Quế Phong) và điểm phân phối chính tại Diễn Châu. Theo ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu: "Để tham gia các phiên chợ có hiệu quả, công ty xác định phương thức bán hàng tận nơi, tự trang trải mọi chi phí vận chuyển, đầu tư các thiết bị xe chở hàng chuyên dụng. Mặc dù kinh phí bỏ ra tại các phiên hàng, hội chợ khá lớn, song qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, doanh số bán hàng của Công ty từ đầu năm đến nay tăng đáng kể, đạt trên 7 tỷ đồng, trong đó trên 60% từ khu vực nông thôn, 20% khu vực thành phố và 20% ngoại tỉnh. Để cạnh tranh giữa các thương hiệu, Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo VSATTP, tăng cường các biện pháp nhằm mở rộng thị trường qua các kênh. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn".

Hàng Việt về nông thôn không chỉ được bà con đón đợi mà ngay cả với người tổ chức, doanh nghiệp cũng đặt nhiều kỳ vọng. Đối với các doanh nghiệp đã tham gia khá lâu thì các công tác "làm thị trường" đã trở nên rành rẽ, quen thuộc. Trước phiên chợ một ngày, khá nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng cho người tiếp cận tại chợ huyện và các chợ lân cận để khảo sát hàng hóa; tính toán phân bổ số lượng sản phẩm chủ lực, sản phẩm phụ như thế nào cho hợp lý để đáp ứng mục tiêu giúp cho người tiêu dùng tiếp cận đa dạng chủng loại; kết hợp hình thức khuyến mãi ra sao để giới thiệu những sản phẩm mới một cách hiệu quả nhất.

Năm 2013, được sự hỗ trợ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp đã thực hiện được 7 đợt hàng Việt về nông thôn theo Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia và 10 đợt thực hiện "Tuần hàng Việt về nông thôn", thu hút khoảng 100.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, đạt doanh thu 20,5 tỷ đồng; doanh thu bình quân tại mỗi điểm của chương trình khoảng 500 triệu đồng, có những chương trình đạt doanh số gần 1 tỷ đồng. Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương Mại, Sở Công thương nhận định: "Từ những chuyến hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp ý thức được ý nghĩa của chương trình nên đã thực sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến quy trình sản xuất, phân phối để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sau bán hàng để mở rộng kênh phân phối theo hướng lâu dài, bền vững. Chương trình cũng là dịp để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Đồng thời từng bước hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất ".

Qua hơn 4 năm thực hiện chương trình "Hàng Việt về nông thôn", các doanh nghiệp tham gia trên địa bàn tỉnh đã từng bước gây dựng được các nhà phân phối, các đại lý cấp 1, 2, vừa làm nhiệm vụ bán hàng vừa giữ hàng để bổ sung, tránh "đứt" hàng sau khi các phiên chợ kết thúc. Và cũng khá nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp được với thị trường nông thôn và có những điều chỉnh phù hợp. Sự chào đón của người dân cho thấy hàng Việt vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Vấn đề là làm thế nào để hàng Việt đến gần với thị trường nông thôn nhất và làm thế nào để sức mua của thị trường này bền vững chứ không chỉ lên - xuống theo từng đợt vận động. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi các doanh nghiệp có các sản phẩm phù hợp, mở rộng các hình thức phân phối linh hoạt và đa dạng hơn.

Ngọc Anh