Viêm phế quản mạn - Dùng thuốc gì?

24/12/2013 21:14

Viêm phế quản mạn có biểu hiện ho và khạc đờm... mỗi năm ít nhất 3 tháng (có thể không liên tục), kéo dài ít nhất 2 năm (nhưng không phải do lao, do nấm phổi, áp-xe, giãn phế quản).

Có những đợt cấp tính dẫn đến hậu quả giãn phế quản, tắc nghẽn phế quản (gọi là viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn) làm giảm thông khí, giãn phế nang, thiểu năng hô hấp, tâm phế mạn.

Nguyên nhân chủ yếu gây tăng tiết ở phế quản là do virut, vi khuẩn. Tuy nhiên, các vi khuẩn từ các ổ nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên, răng, miệng, xoang có thể gây bội nhiễm, tạo nên biến chứng thứ phát của một đợt tăng tiết phế quản cấp tính của viêm phế quản mạn.

Để điều trị có thể dùng các thuốc chữa các triệu chứng và các thuốc kháng virut, vi khuẩn.

Các thuốc chữa triệu chứng

Thuốc long đờm: Chất tiết ứ đọng ở phế quản làm trở ngại ở đường dẫn khí. Thuốc long đờm tạo điều kiện để phản xạ ho tống chất tiết ra ngoài làm thông đường dẫn khí. Nếu chất tiết ít nhưng đặc khó tống ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhydrat. Nếu chất tiết nhiều và đặc, việc làm loãng sẽ tăng thể tích gây khó khăn cho việc thông khí thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như acetylstein, carboxystein.

Các chất này tác dụng lên pha gel của chất tiết, làm đứt các cầu nối disulfure của các glycoprotein làm thay đổi cấu trúc và hủy chất tiết. Có thể dùng thuốc làm giảm ho nhưng với liều thích hợp chứ không vì muốn hết ho ngay mà dùng liều quá cao, vì liều quá cao sẽ làm mất hết phản xạ ho, nghĩa là làm cho việc tống chất tiết bị trở ngại.

Điều trị cho bệnh nhân viêm phế quản
Điều trị cho bệnh nhân viêm phế quản

Thuốc kháng viêm: Viêm làm cho việc thông khí bị trở ngại. Dùng corticoid uống, xông hay hít, trường hợp nặng dùng dạng tiêm để kháng viêm. Lưu ý: với dạng uống và tiêm chỉ dùng liều vừa đủ hiệu lực trong thời gian ngắn (không quá 10 ngày) để tránh tác dụng phụ toàn thân (gây ứ nước, giảm khả năng đề kháng). Với dạng hít thường ít khi gây tác dụng phụ toàn thân, có thể dùng kéo dài hơn, tuy nhiên dùng kéo dài có thể gây bội nhiễm nấm nên sau mỗi lần dùng cần súc miệng họng thật sạch.

Thuốc chống tắc nghẽn phế quản: Dùng thuốc làm giãn phế quản nhằm giảm sự tắc nghẽn đường dẫn khí như theophylin, các thuốc chủ vận beta 2 (loại tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol và loại có tác dụng dài như salmeterol, formoterol).

Theophyllin có tác dụng làm giãn phế quản nên giảm sự khó thở. Thuốc làm lợi tiểu, tim đập nhanh, kích thích thần kinh. Dùng liều điều trị vừa đủ sẽ tận dụng tác dụng chính, dùng liều cao sẽ bị các tác dụng phụ. Khoảng cách giữa liều có hiệu lực và liều độc ngắn, nếu dùng không đúng dễ bị ngộ độc.

Với người lớn, thuốc khó dung nạp, thải trừ chậm, ít gây độc, mỗi ngày chỉ cần dùng 2 lần. Trong khi với trẻ em, thuốc dễ dung nạp, thải trừ nhanh, dễ gây độc, mỗi ngày dùng tới 4-5 lần. Hầu hết thuốc chuyển hóa ở gan, thải trừ qua nước tiểu nên người suy gan thận hoặc trẻ nhỏ khả năng thanh thải chất độc ở gan chưa đủ mạnh thì không nên dùng. Thuốc tiết qua sữa không nên dùng cho người cho con bú, nếu bà mẹ cần dùng thì cho trẻ ăn sữa bổ sung.

Các thuốc chủ vận beta-2 có tác dụng kích thích thụ thể beta-2 adrenergic dẫn đến giãn cơ trơn, chống co thắt phế quản, làm thông đường thở. Tùy theo mức nghẽn phế quản (dài hay ngắn) mà chọn thuốc cho phù hợp. Dùng dạng hít xông qua mũi miệng (hiệu lực nhanh, kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản). Nhóm này có tác dụng phụ: làm tăng nhu cầu tiêu thụ ôxy khi nghỉ, gây nhịp tim nhanh lúc nghỉ, rối loạn nhịp tim, run tay, hạ kali máu. Không nên dùng loại uống vì hấp thu chậm, khởi phát hiệu lực muộn (không đáp ứng kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản), phải dùng liều cao hơn, dễ gây kích thích tim mạch, kích động, run cơ, nhức đầu.

Kháng cholinergic và chủ vận beta 2 đều gây quen thuốc (đợt sau phải dùng liều cao hơn mới đạt hiệu quả như đợt trước). Không nên dùng kéo dài mà nên dùng ngắt quảng.

Các thuốc kháng virut, vi khuẩn

Kháng virut: Dùng kháng virut để chống lại nguyên nhân gây viêm phế quản mạn. Thuốc thường dùng là loại kháng virut cúm A.

Kháng vi khuẩn: Tùy mức nguy hiểm và độ nặng do chủng vi khuẩn gây ra mà có thể dùng kháng sinh thông thường hay kháng sinh mạnh, dùng một loại kháng sinh hay phối hợp hai loại kháng sinh trở lên. Mỗi đợt dùng nếu thể nhẹ 8-15 ngày, nếu thể nặng kéo dài 4-6 tuần. Một số kháng sinh có thể dùng như: benzylpenicilin, ceftriazon, augmentin…

Viêm phế quản mạn khá nguy hiểm nhất là những đợt bị bội nhiễm, cần được điều trị tích cực. Việc dùng các thuốc chữa triệu chứng và dùng kháng sinh cần do bác sĩ chỉ đinh cụ thể về liều lượng và thời gian dùng. Người bệnh không tự ý dùng thuốc.

AloBacsi.vn