Về Làng Vạc

07/03/2014 21:17

(Baonghean) - Mùa Xuân năm 1999, Khu di chỉ khảo cổ học làng Vạc được cấp bằng Di chỉ khảo cổ học Quốc gia và từ đó lần đầu tiên Lễ hội Làng Vạc được tổ chức. Đã qua 14 lần, Lễ hội Làng Vạc không những nâng tầm về quy mô, mức độ ảnh hưởng mà ngày càng thể hiện sâu sắc, sự tri ân, lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân...

Làng Vạc, một tuần trước giờ khai hội lần thứ 15, không khí chuẩn bị cho mùa lễ hội đã thực sự sôi nổi. Con đường chính từ trung tâm thị xã dẫn vào xã Nghĩa Hòa và địa điểm lễ hội đã được đầu tư nâng cấp trải thảm nhựa, bà con hai bên đường đã cắm cờ, sửa sang dọn dẹp sạch sẽ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo cho vùng đất này một bộ mặt mới với những con đường liên thôn, hệ thống hạ tầng trường học, trạm y tế, trụ sở xã được xây mới khang trang hiện đại.

Nhân dân vùng đất linh thiêng này ngày càng hiểu được giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của Khu di tích khi đồng thuận, tình nguyện hiến tặng hàng trăm m2 đất ở, hàng ngàn cây cối, hoa màu để góp phần tích cực cùng địa phương hoàn thiện đường giao thông đổ bê tông hơn 500m nối từ trục chính vào sân lễ hội. Càng hiểu hơn giá trị lịch sử của Khu di tích cũng như ý nghĩa thiêng liêng của vùng đất này, bà con các xóm xung quanh Khu di tích đã nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, tình nguyện đóng góp công sức để tu bổ các hạng mục. Về với làng Vạc hôm nay, đi giữa những con đường mới mở thoáng rộng, ta có thể cảm nhận được cuộc sống đang đổi thay no ấm hiện hữu trên vùng đất khó, làm ấm lòng của các bậc tiền nhân...

Đền làng Vạc uy nghi, linh thiêng bên triền đồi mở hướng về phía đập Hòn Sường, đầm làng Vạc nơi còn lưu giữ truyền thuyết rằng: một đêm nọ, thần linh báo mộng cho trưởng làng tập trung dân làng bên đầm, Ngài sẽ trao báu vật của trời để làng tổ chức lễ hội. Sáng ra, khi dân làng đã tụ hội đông đủ bỗng thấy giữa đầm nổi lên chiếc Vạc to như một gian nhà, trong vạc to có 10 vạc nhỏ và rất nhiều âu đĩa trong đó. Dân làng tưng bừng tổ chức lễ hội. Sau 3 ngày mở tiệc, mở hội dân làng làm lễ tạ ơn và trả báo vật về cho thần linh, đang sụp lạy thì Vạc đồng từ từ trôi ra giữa đầm rồi chìm xuống.

Từ đó, làng đặt tên là đầm Vạc, và đặt tên làng là làng Vạc. Truyền thuyết về làng Vạc kết nối với truyền thuyết về chuyện con gái già làng Xiêng Lằm tên là Y La, đã hiến thân, huy sinh tính mạng cao cả để cứu dân làng khỏi họa xâm lăng tàn ác của lũ giặc. Máu của nàng Y La, đã đổ tạo thành những vùng đất đỏ Phủ Quỳ giờ. Cả chuyện truyền thuyết Vạc đồng cũng như nàng Y La là cách diễn giải truyền miệng của người dân để nói về vùng đất linh thiêng, cùng như chiều sâu văn hóa lịch sử nhưng đối với làng Vạc giá trị lịch sử hiện hữu quan trọng nhất đó là kết quả của 5 lần khai quật đã phát hiện 347 ngôi mộ đã thu được 1.228 hiện vật, trong đó đồ đồng là 665 chiếc.

Nếu 4 cuộc khai quật đầu ở khu vực xóm Làng trên sườn Tây núi Đại Vạn chỉ phát hiện được được mộ táng - nơi an nghỉ của cư dân Đông Sơn làng Vạc thì cuộc khai quật lần thứ 5 ở xóm Đình phía Đông Bắc quả đồi lại là nơi cứ trú của họ. Do vậy, di tích làng Vạc thuộc loại hình di tích cư trú - mộ táng nên chúng ta hiểu được rất rõ cuộc sống của cư dân nơi đây hoạt cách hoàn chỉnh mà ít có di tích có được. Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, trong bài “ Tầm vóc làng Vạc - một trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả” đã khẳng định: “Làng Vạc là một di tích cư trú - mộ táng văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng vào bậc nhất nhì nước ta... Với sự có mặt của làng Vạc, vùng đất Nghệ - Tĩnh không còn là đất ven rìa của văn hóa Đông Sơn nữa mà là vùng phân bổ quan trọng của văn hóa Đông Sơn, như các vùng lưu vực sông Hồng, sông Mã”.

Cổ vật ông Trần Đức Đường, CCB khối Đóng, phường Quang Phong (Thái Hòa) sưu tầm khai quật được.
Cổ vật ông Trần Đức Đường, CCB khối Đóng, phường Quang Phong (Thái Hòa) sưu tầm khai quật được.

Trống hội làng Vạc.
Trống hội làng Vạc.

Như vậy, làng Vạc không còn là địa danh thuần túy tên làng mà là một “địa chỉ đỏ” cội nguồn, dấu tích của nền văn hóa của người Việt Cổ đại diện cho vùng hạ lưu sông Cả, sông Hiếu. Để tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công lập đất, mở làng và nhằm phát huy truyền thống uống nước nhờ nguồn về với tổ tiên, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo động lực để xây dựng Thị xã Thái Hòa ngày càng phát triển, hơn 10 năm nay Lễ hội Làng Vạc được duy trì tổ chức vào những ngày đầu tháng 2 âm lịch.

Năm nay, Lễ hội Làng Vạc lần thứ 15 được tổ chức vào các ngày từ mồng 7, 8, 9 tháng 3 (tức là ngày mồng 7, 8, 9 tháng 2 âm lịch). Để lễ hội được tổ chức chu đáo quy mô lớn hơn theo chiều sâu của sự phát triển, phần lễ được tổ chức luyện tập, duyệt trước 10 ngày; phần hội ngoài các hình thức truyền thống như: cắm trại, cồng chiêng, văn nghệ, thi người đẹp thì năm nay để tăng tính chuyên môn chuyên nghiệp, đa dạng phần hội, ban tổ chức quyết định đưa các trò chơi mà các kỳ lễ hội trước chỉ chơi tự do như thi biểu diễn đu tiên, thi bịt mắt đập niêu, đi cà kheo vào thi chính thức và đặc biệt có chương trình gala giọng hát hay qua 15 kỳ cũng được tổ chức.

Ông Tô Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa Thị xã Thái Hòa cho biết: “Thông qua những lần tổ chức lễ hội, Thị xã Thái Hòa mong muốn phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của Khu di chỉ khảo cổ học. Do vậy, ngoài việc bổ sung những nội dung mới cho lễ hội, công tác tôn tạo, bổ sung các hạng mục khu di tích và phát động nhân dân cung tiến các hiện vật để Khu tích ngày càng nâng tầm giá trị...”.

Nhờ những định hướng đúng đắn của thị xã, Khu di tích khảo cổ học làng Vạc ngày càng thu hút được du khách, nhân dân gần xa đến viếng thăm, tri ân các bậc tiền nhân và đã có rất nhiều người có những nghĩa cử cao đẹp nhằm góp phần tôn tạo giá trị của Khu di tích. Rất nhiều hiện vật được bà con nhân dân các dân tộc vùng Phủ Quỳ qua quá trình lao động sản xuất phát hiện những cổ vật đã cung tiến làm phong phú thêm giá trị lịch sử của Khu di tích.

Một tuần trước khi lễ hội lần thứ 15 được tổ chức, ông Trần Đức Đường, một CCB khối Đóng, phường Quang Phong (TX. Thái Hòa) đã có nghĩa cử cao đẹp cung tiến 45 loại hiện vật bao gồm đa dạng các chủng loại: bình sứ, vòng tay, ghế gốm, rìu đá... cho Khu di tích do ông đã sưu tầm, khai quật được trong nhiều năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Đường cho biết: “Tôi muốn các hiện vật phải được đặt đúng vị trí, đúng giá trị lịch sử văn hóa của nó. Đây chỉ là sự đóng góp nhỏ nhoi của tôi và gia đình với ước muốn Khu di tích ngày càng được tôn vinh, gìn giữ, phát huy tốt giá trị lịch sử”.

Tâm sự của ông Đường cũng là sự mong mỏi của tất cả người dân Thị xã Thái Hòa nói chung và xã Nghĩa Hòa nói riêng. Ông Bùi Trọng Thảo - quyền Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa khẳng định: Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Hòa tự hào có Khu di tích lịch sử khảo cổ học làng Vạc. Càng tự hào bao nhiêu thì càng thêm quyết tâm, luôn đoàn kết, đồng lòng để xây dựng Nghĩa Hòa nhanh giàu mạnh, góp phần tích cực phát huy giá trị lịch sử, giá trị văn hóa to lớn của Khu di tích.

Sau 14 lần Lễ hội Làng Vạc được tổ chức và cũng chừng ấy lần, Đảng bộ, nhân dân xã Nghĩa Hòa có thể tự hào báo cáo với các bậc tiền nhân về những kết quả đã nỗ lực đạt được. Trong điều kiện là một xã thuần nông nhưng làng Vạc - Nghĩa Hòa đã biết phát huy những thế mạnh đưa các mô hình kinh tế mới vào sản xuất: mô hình trồng cây dưa hấu, mô hình trồng chanh không hạt, mô hình nuôi ong, nuôi dê... Do đó, đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người/ năm đạt 13,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 7,7%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dưng NTM từ 4 tiêu chí đến nay đã đạt được 10 tiêu chí. Những công trình mới, những con đường mới đang hiện hữu trên vùng đất linh thiêng đã khẳng định sức sống mãnh liệt trường tồn bắt nguồn từ những giá trị lịch sử, văn hóa.

Hồng Sơn