Tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm

05/03/2014 09:39

(Baonghean) - Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đang lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là một số địa phương có số lượng gia cầm lớn như TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Thời tiết thất thường, dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Hiện nay các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, không để lây lan.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 2 xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Lâm; tổng đàn gia cầm bị chết và nhiễm bệnh phải tiêu hủy hơn 3.000 con. Sau khi dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng, cơ quan chức năng địa phương từ xã đến xóm đang triển khai phòng, chống quyết liệt. Một số xóm giáp ranh với ổ dịch đang chủ động bơm thuốc phòng khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh khu chăn nuôi của từng hộ, mua vắc-xin H5N1 về tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình không để dịch lây lan. Ông Hồ Đức Chính - cán bộ Thú y xã Quỳnh Lâm cho biết: “Đến nay xã chưa phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm mới nào. Ban Thú y đang bám sát các ổ dịch để theo dõi, phòng, chống không để dịch lây lan ra diện rộng, đồng thời tiến hành tiêm phòng cho đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi”.

Ban Thú y xã Quỳnh Lâm phun thuốc khử trùng tiêu độc mỗi khi có  phương tiện qua lại địa bàn.
Ban Thú y xã Quỳnh Lâm phun thuốc khử trùng tiêu độc mỗi khi có phương tiện qua lại địa bàn.

Xã Quỳnh Giang có tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, trên địa bàn có 2 con sông lớn chảy qua là sông 13 và sông Thái thường xuyên có xác động vật, gia cầm chết trôi dạt nguy cơ phát tán dịch. Hiện Quỳnh Giang đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tính từ trước Tết Nguyên đán 2014 cho đến nay, toàn xã đã nhận được 6.000 liều vắc-xin H5N1 và 24 lít hóa chất do Trạm Thú y huyện cấp. Số lượng vắc-xin và hóa chất trên đã được Ban Thú y xã tiêm phòng phủ kín cho đàn gia cầm trên địa bàn. Ngoài ra, xã chủ động mua vôi bột để rải ở các trục đường chính, nơi tiếp giáp với các ổ dịch cũ. Thành lập các đoàn kiểm tra trên các tuyến đường, con sông để kịp thời phát hiện trường hợp vận chuyển hay vứt xác gia cầm bừa bãi xuống sông. Gia đình ông Thái Điền ở xóm 5, xã Quỳnh Giang là một trong số hộ chăn nuôi gia cầm nhiều nhất xã với 600 con gia cầm, trong đó 500 con vịt đẻ và 100 con ngan. Năm 2012, gia đình ông Điền có đàn vật nuôi bị dịch cúm H5N1 và phải tiêu hủy gần 1000 con, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Rút bài học từ việc phòng, chống dịch bệnh, từ đó đến nay gia đình ông luôn ý thức cao về việc tiêm phòng và bảo vệ đàn vật nuôi. Nhờ thế, dịch cúm gia cầm đến nay đang được khống chế.

Gia đình bà Kiều Thị Phúc ở xóm 6, xã Quỳnh Mỹ có tổng đàn gia cầm lớn nhất xã với gần 5.000 con, trong đó hơn 2.500 con vịt đẻ; 500 con ngan; 100 con gà. Nằm giáp ranh với ổ dịch cúm gia cầm ở xã Quỳnh Lâm nên công tác phóng, chống dịch được gia đình bà Phúc hết sức chú trọng. Khi chưa xảy ra dịch cúm gia cầm ở xã Quỳnh Lâm thì mỗi năm gia đình bà đều tiêm phòng vắc-xin H5N1 cho đàn vật nuôi 2 lần/năm. Ngoài ra, gia đình còn tiêm phòng các loại thuốc dịch tả, tụ huyết trùng... theo định kỳ hàng tháng. Khi biết tin trên địa bàn xuất hiện dịch cúm gia cầm bà tiếp tục mua vắc-xin về tiêm phòng lần 3 cho đàn vật nuôi. Do đó, hiện nay, đàn gia cầm của gia đình bà đang sinh trưởng khỏe mạnh. “Nghe tin có dịch cúm gia cầm xuất hiện ở huyện nên gia đình đã nhanh chóng bơm thuốc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ” - bà Phúc cho biết.

Hiện nay, rất nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng đang khẩn trưởng phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm. Thời tiết thường xuyên có mưa phùn là điều kiện để dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan ra diện rộng. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống phải cần sự quyết tâm và ý thức cao của người dân cũng như các cơ quan chức năng ở địa phương. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tại xã Quỳnh Hậu và xã Quỳnh Lâm, UBND huyện Quỳnh Lưu đã tập trung chỉ đạo một số biện pháp cấp bách để ngăn chặn, phòng, chống sự lây lan của dịch cúm H5N1 cũng như H7N9; tập trung tiêu hủy nhanh, gọn đàn gia cầm có biểu hiện ốm và nghi mắc bệnh, đồng thời chỉ đạo phun thuốc khử trùng tiêu độc ngay tại khu vực chăn nuôi và khu vực lân cận. Tiếp tục chỉ đạo các xã cung ứng vôi bột rắc các tuyến đường vào ra của từng vùng, lắp các trạm chốt để ngăn chặn việc cung ứng. Huyện kiện toàn lại ban chỉ đạo, đồng thời phân công cán bộ cùng với cán bộ thú y và lãnh đạo các phòng, ban theo dõi trực tiếp các xã để có đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các công tác phòng, chống và kịp thời xử lý dịch khi có xuất hiện”.

Tại Thị xã Hoàng Mai, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng đang được cơ quan chức năng triển khai quyết liệt nhằm không để dịch lây lan ra diện rộng. Xã Quỳnh Vinh là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất so với các địa phương trên địa bàn thị xã với gần 60 nghìn con gia cầm được nuôi đều ở tất cả các xóm. Gia đình anh Trần Văn Tân ở xóm 7, xã Quỳnh Vinh là một trong số hộ có đàn gia cầm nhiều nhất; hiện nay trong trại của gia đình có 600 con gia cầm, trong đó 400 con vịt đẻ và 200 con gà các loại. Anh Tân cho biết, chăn nuôi gia cầm đến nay đã hơn 20 năm, gia đình luôn phòng ngừa các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi. “Sau khi nắm được thông tin dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát, gia đình đã chủ động các biện pháp phòng chống. Trước đây, trung bình 10 đến 15 ngày phun hóa chất khử trùng thì nay gia đình phun hóa chất 7 ngày/lần. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột và quan sát động tĩnh của đàn vật nuôi để báo cáo kịp thời lên cơ quan chức năng khi có dịch bệnh” - Anh Tân cho biết.

Một số xã, phường của thị xã như Quỳnh Trang, Quỳnh Dị, Mai Hùng người dân cũng như chính quyền địa phương cũng đang gấp rút phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ông Đậu Minh Công - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết, xã hiện có khoảng hơn 40 nghìn con gia cầm, sau khi có công điện của UBND Thị xã Hoàng Mai về phòng, chống dịch cúm gia cầm, UBND xã chỉ đạo Ban Thú y xã tiếp cận từng hộ chăn nuôi để kiểm tra, nắm bắt tình hình. Sau đó, mua vôi bột, thuốc hóa chất phát cho mỗi hộ để chủ động phòng, chống cho đàn vật nuôi.

Theo ghi nhận đến thời điểm này, trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai chưa phát sinh thêm trường hợp bị nhiễm cúm gia cầm H5N1 nào sau ổ dịch của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở khối 11, phường Quỳnh Xuân. Tuy vậy, người dân và chính quyền địa phương không chủ quan lơi là trong phòng, phống dịch bệnh; điều cần thiết lúc này là phải thường xuyên bám sát cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để tuyên truyền vận động tới người dân... Theo ông Phạm Chí Diên - Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Hoàng Mai, thì những ngày này, Phòng phối hợp với Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu và Ban Thú ý các xã, phường tiến hành công tác điều tra, rà soát và nắm bắt lại số lượng gia cầm trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch tiêm phòng. Đồng thời, bố trí cán bộ chuyên môn theo dõi, kiểm soát các hoạt động vận chuyển động vật đi qua địa bàn, đẩy mạnh vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Kỹ thuật tiêm phòng dịch cúm H5N1 cho gia cầm:

Subtype H5N1 chủng Re-6 có tác dụng phòng bệnh cúm do vi rút gia cầm Subtype H5 gây ra cho gà, vịt, ngan, hiện đang được Chi cục Thú y Nghệ An triển khai. Sau khi tiêm 14 ngày gia cầm có miễn dịch. Thời gian miễn dịch với gà là 6 tháng, vịt và ngan nếu tiêm nhắc lại sau mũi vắc xin đầu tiên, thời gian miễn dịch là 4 tháng.

- Liều lượng và cách sử dụng:

Tiêm bắp lườn hoặc dưới da cổ; Gà: 2-5 tuần tuổi: 0,3ml/con, trên 5 tuần tuổi 0,5ml/con; vịt: 2-5 tuần tuổi: 0,5ml/con, trên 5 tuần tuổi: 1,0ml/con.

- Chú ý: Bảo quản vắc-xin ở 2-80C. Hạn sử dụng 12 tháng; Dùng theo sự chỉ dẫn của bác sỹ thú y.

P.V

Hồng Diện - Việt Hùng(Đài Quỳnh Lưu)