Du lịch vào mùa hành hương, trẩy hội
Chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng lượng tour du lịch tết của các công ty du lịch nhưng tour du lịch hành hương là phần không thể thiếu trong tour sau tết, thường được tổ chức kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Người dân phải nhích từng bước để lên động Hương Tích trong lễ hội chùa Hương 2014 - Ảnh: Tiến Thành |
Các tour du lịch hành hương thường được tổ chức kết hợp tham quan ở nhiều địa phương, danh lam thắng cảnh và tham quan chùa chiền, tham gia các sự kiện lễ hội văn hóa, tôn giáo...
Ít nhưng không thể thiếu
Bắt đầu từ trước tết nhưng các tour du lịch hành hương thường sôi động hơn trong thời gian sau tết. Khách mua tour thời gian này phần lớn là Việt kiều, những người chưa sắp xếp kịp đi tour trong dịp tết muốn kết hợp đi lễ chùa và du lịch. Khách mua tour thường có độ tuổi từ 40 trở lên, phật tử, các tiểu thương sau một năm kinh doanh, làm ăn bận rộn muốn kết hợp thời gian tham quan, vãn cảnh và ghé các Phật tích cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, khấm khá...
Giám đốc một công ty du lịch cho biết mấy ngày này lượng khách Việt kiều đăng ký mua tour cùng gia đình đã tăng hơn hai con số so với cùng thời điểm này năm trước. Phần lớn tour hành hương từ phía Nam chủ yếu đổ ra các tỉnh miền Bắc với các lễ hội chùa Hương, chùa Bái Đính, Yên Tử..., các phiên chợ đặc trưng của nông thôn vùng Bắc bộ, vùng cao. Các tour miền Trung thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở Đà Nẵng, thưởng ngoạn và tham gia Tết Nguyên tiêu tại Hội An. Các tour tham quan thập tự (mười ngôi chùa) ở ĐBSCL luôn kết hợp với tham quan chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc...
Tour hành hương khá đa dạng với thời gian 1-5 ngày, phần lớn là các danh thắng, chùa chiền nổi tiếng. Nhiều công ty du lịch còn tung ra các chương trình giảm giá dành cho du khách đặt tour trước, tour tiết kiệm di chuyển bằng máy bay với giá giảm khoảng 40% so với giá tour bình thường... Theo khảo sát tại các công ty lữ hành, giá tour du lịch hành hương năm nay không tăng so với năm trước.
Tour hành hương đi đâu?
Trong các tour hành hương ra phía Bắc, Ninh Bình được nhiều công ty du lịch và cả du khách hành hương đầu năm chọn đến nhiều nhất vì có nhiều điểm đến phù hợp như khu hang động sinh thái Tràng An (gồm Tràng An, Tam Cốc, cố đô Hoa Lư), vườn quốc gia Cúc Phương, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, luôn quá tải với số lượng phật tử khắp cả nước. Lễ hội Yên Tử - một trong những trung tâm Phật giáo lớn trong lịch sử VN, nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm của người Việt - cũng thu hút khá nhiều du khách.
Miền Trung cũng được nhiều du khách chọn vì ngoài việc viếng chùa ở Đà Nẵng, Huế còn có cơ hội nghỉ ngơi, tắm biển và tham quan nhiều địa điểm đa dạng như Bà Nà, Hội An... Theo các công ty du lịch, nếu không đặt trước phòng khách sạn (tiêu chuẩn khoảng 2 sao) tại khu vực gần chùa Bà Chúa Xứ, du khách phải chấp nhận mức giá phòng 800.000 - 900.000 đồng/đêm, cao hơn nhiều so với mức giá 400.000-450.000 đồng nếu đặt trước tết.
Với khách Công giáo, nhà thờ đá Phát Diệm, thánh địa La Vang, nhà thờ đá Nha Trang... là những địa điểm nổi tiếng và thu hút nhiều du khách Thiên Chúa giáo đến hành hương trong mùa xuân. Người hành hương chọn thánh địa La Vang còn có cơ hội tham quan thêm những địa danh du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình, đặc biệt vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trong khi đó, các tour hành hương nước ngoài gần thì đi Thái Lan với chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew) ở ngay thủ đô Bangkok, hay tham quan một trong ba đại quốc bảo của Thái Lan tọa lạc góc đông bắc Đại vương cung Bangkok (Bangkok Grand Palace). Ngoài ra còn chọn đến Myanmar để tham quan chùa Shwedagon, ngôi chùa Vàng nổi tiếng được coi là trung tâm của Phật giáo Myanmar, tọa lạc ở Yangon. Xa chút thì đi Nhật Bản, nơi người dân cũng có phong tục đi chùa đầu năm ở các đền Jinza thường làm một lễ lớn để cầu nguyện, giải trừ các hạn xấu. Cũng không ít người tham gia cả hành trình du lịch dài đến Ấn Độ, hoặc từ Ấn Độ nối với Nepal mà trong giới thường gọi là tour hành hương - chuyến đi của tâm linh.
Theo tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch định hướng sẽ phát triển ba tuyến du lịch tâm linh phía Bắc, đó là: Hà Nội - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); Hà Nội - chùa Hương - Tam Trúc, Ba Sao (Hà Nam) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) - đền Trần (Nam Định); tuyến kinh đô Việt cổ: đền Hùng (Phú Thọ) - Hà Nội - Hoa Lư (Ninh Bình) - thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - cố đô Huế.
Theo TT