Việt Nam bảo đảm quyền, lợi ích của các dân tộc thiểu số

14/01/2014 22:45

Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho thấy, Nhà nước Việt Nam thực hiện đường lối nhất quán: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ.

Khu ở nội trú của học sinh dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Khu ở nội trú của học sinh dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Với tinh thần đó, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.

Thực tế những năm qua, người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước ngày càng nhiều. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham chính ngày càng tăng, số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ dân số.

Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, trong khi người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3% dân số.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 18%, cấp huyện là 20%, cấp xã là 22,5%.

Trong giai đoạn 2006-2012, Nhà nước đã có 160 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi, với kinh phí từ ngân sách lên tới 55.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD).

Với nguồn lực như vậy, nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tốt như Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng có đông người dân tộc thiểu số giảm từ 32,6% năm 2009 xuống còn 24,3% năm 2012. Cơ sở hạ tầng có sự cải thiện rõ rệt: 98,6% xã có đường ôtô; 99,8% số xã và 95,5% số thôn được sử dụng điện sinh hoạt.

Xác định công tác đào tạo nguồn lực tại chỗ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đời sống kinh tế-xã hội của vùng, cùng với nỗ lực chung của cả nước, từ năm 2012, tất cả các xã vùng dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở.

Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học bình quân cả nước đạt gần 98%, trong đó 95% trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường. Tất cả các tỉnh vùng có đông dân tộc thiểu số đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế.

Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Chỉ sau 2 năm, đã có 32 tỉnh tổ chức dạy và học 12 tiếng dân tộc thiểu số; cả nước có hơn 2.600 lớp học chữ tiếng dân tộc với 136.600 học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 3 tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai, bước đầu đạt kết quả tốt.

Vấn đề chăm lo sức khỏe cho nhân dân ở vùng có đông dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và đầu tư. Mạng lưới y tế ở các vùng này phát triển nhanh chóng cùng với việc xây dựng hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã. Hiện nay, gần 99,4% số xã đã có trạm y tế, gần 78% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tính đến năm 2011, hơn 94% số thôn đã có cán bộ y tế. Đồng bào dân tộc được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc và miền núi như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể...

Nói về chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nhấn mạnh chương trình 135 (về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn) đã trở thành "thương hiệu" về xóa đói giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn.

Chương trình đã nhận được sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số và sự ủng hộ, đánh giá cao của các tổ chức quốc tế đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.

Theo đó, trong hai năm tới (2014-2015) sẽ có hơn 3.500 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 49 tỉnh trong cả nước được đưa vào danh sách đầu tư của Chương trình 135.

Theo ông Giàng Seo Phử, năm 2014 sẽ là năm bản lề trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Ủy ban Dân tộc với việc chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng chính sách, đề án, dự án trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020.

Chiến lược nhằm phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi; phát triển sản xuất, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe...

Đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm. Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt đã thể hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

Đề án đã tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, 92% người dân được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình, nhiều chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Êđê, Chăm, Khmer...

Nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia như “Lễ hội Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Lễ Cấp sắc” của dân tộc Dao.

Tổ chức UNESCO đã công nhận một số di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là di sản văn hóa thế giới như: “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên", "Thánh địa Mỹ Sơn"...

Bên cạnh đó, người dân vùng dân tộc và miền núi cũng ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hay dịch vụ trợ giúp pháp lý. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã có Trung tâm trợ giúp pháp lý. Đây là nơi cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng… để giúp đỡ người nghèo, người dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc về pháp luật.

Trong 4 năm (2009-2012), các tổ chức trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ hơn 200.000 lượt đối tượng là người dân tộc thiểu số, thành lập gần 2.000 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã để phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số.

Theo Vietnam+