Quỳnh Liên: Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp

15/01/2014 21:50

(Baonghean) - Quỳnh Liên là xã được Thị xã Hoàng Mai chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, đến nay địa phương này đã đạt 13/19 tiêu chí. Không chỉ tích cực hiến đất, góp công sức để làm đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân nơi đây còn chú trọng phát triển các mô hình sản xuất rau màu hàng hóa để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Vườn su su của anh Hồ Văn Đước xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu).
Vườn su su của anh Hồ Văn Đước xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu).

Mùa này, gia đình anh Hồ Văn Đước ở thôn 6, xã Quỳnh Liên trồng 15 sào su su trên diện tích đất cát ven biển, mặc dù diện tích sản xuất lớn nhưng vợ chồng anh Đước lúc nào cũng thong dong chẳng giống dáng vẻ của một nông dân tất bật với ruộng đồng. Một năm gia đình anh trồng 3 vụ chính gồm su su trồng từ tháng 8 đến tháng 3 (âm lịch) năm sau, tháng 4- 5 trồng dưa hấu, tiếp đó trồng cải củ và các loại rau màu khác. Gia đình đã đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 15 sào su su. Anh Đước bộc bạch: Cây su su rất dễ trồng, không bị sâu bệnh, không phải phun thuốc trừ sâu, chỉ bón phân và tưới nước đầy đủ là cây phát triển tốt, trời rét tưới 2 lần/ngày, mùa nắng thì phải tưới cả ngày. 3 giếng nước được đào tại chân ruộng và hệ thống tưới bán tự động phủ kín tới mỗi gốc cây, chỉ cần cắm phích điện là nước phun tưới đều.

Mỗi vụ cho gia đình anh thu hoạch 60 – 70 tấn quả su su, nếu bán với giá bình quân ở mức rẻ 2.000 đồng/kg, cũng có thu nhập trên 120 triệu đồng/vụ. Năm 2013, đầu vụ gặp mưa lụt cây chết, gia đình phải trồng lại vừa mất giống vừa chậm thời vụ, giảm giá trị thu nhập. Ưu điểm của su su là rất thuận lợi về đầu ra, có bao nhiêu sản phẩm cũng được tư thương đến thu mua hết tại ruộng, đưa đi tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, Huế và xuất bán sang Trung Quốc. Ngoài su su, gia đình anh Đước còn trồng dưa hấu hè thu và cải củ… Trung bình mỗi năm từ sản xuất các loại rau quả, anh Đước có tổng thu nhập trên 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 200 triệu đồng. Chưa bằng lòng với hiện tại, anh đang mong ước có thêm diện tích đất để mở rộng sản xuất thêm khoảng 20 sào nữa để quy hoạch thành trang trại sản xuất rau màu lớn.

Kế bên là vườn su su 10 sào của hộ anh Lê Văn Nguyệt thôn 9, mỗi năm cho thu hoạch trên 40 tấn quả. Anh Nguyệt chia sẻ: Ở vùng đất cát ven biển này, hầu như nhà nào cũng thích trồng su su bởi cây su su dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, đem lại giá trị thu nhập cao. Trồng 10 sào su su, năm nào rớt giá nhất cũng có lãi ròng 60 triệu đồng/vụ; thu hoạch xong su su tiếp tục trồng dưa hấu hè thu, mỗi vụ thu hoạch 15 tấn dưa, bán với giá 6 – 7 triệu đồng/tấn; sau đó trồng rau cải củ vụ đông, thu nhập 7 – 10 triệu đồng/sào, tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 140 triệu đồng/năm. Mùa nào thức nấy, gia đình tôi cũng như tất cả hộ dân trong xã đều luân canh sản xuất khép kín trong năm, chẳng bao giờ cho đất nghỉ. Ở vùng nông thôn chỉ biết dựa vào đất mà sống, nhờ năng động, sáng tạo trong sản xuất, cuộc sống nhân dân ngày càng khấm khá và giàu lên từ đất.

Năm 2011, Quỳnh Liên bắt tay xây dựng nông thôn mới khi còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu. Với lợi thế của địa phương trong sản xuất rau màu hàng hóa, Quỳnh Liên đã quy hoạch hơn 100 ha vùng sản xuất rau màu tập trung thu nhập cao ở tất cả các thôn trong xã. Quỳnh Liên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn ven biển là cũng nhờ vậy. Ông Nguyễn Văn Thuyết, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Quỳnh Liên cho biết: Toàn xã có 302 ha đất sản xuất nông nghiệp, song diện tích luân canh gieo trồng hàng năm đạt 1.060 ha, với hệ số vòng quay 3,5 lần, giá trị sản xuất từ trồng trọt hàng năm đạt hơn 48 tỷ đồng. Trong đó có hơn 70 ha trồng su su, hầu hết mỗi hộ chỉ 2 lao động chính nhưng nhờ áp dụng hệ thống tưới bán tự động tại chân ruộng giúp nông dân giảm sức lao động, giảm công chăm sóc, đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đây.

Hiện, địa phương đang thực hiện chuyển đổi ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng, phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2014. Một số thôn đã làm xong dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1 – 3 thửa, diện tích lớn tập trung, bà con có điều kiện đầu tư hệ thống tưới ẩm bán tự động, đầu tư thâm canh, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng giá trị sản xuất tăng 30 – 35% so với trước đây, tổng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt 159 triệu đồng/ha. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều hộ đầu tư mô hình sản xuất rau màu thu nhập cao, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất làm giàu tại địa phương phát triển. Phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân là nền tảng vững chắc để địa phương xây dựng nông thôn mới.

Quỳnh Lan