Bình yên nơi miền biên ải
(Baonghean) - Nhắc đến cán bộ, chiến sỹ Công an vùng biên giới Kỳ Sơn, mọi người thường nhớ những chiến công phá án tội phạm ma túy, buôn người hay những hoạt động xâm nhập biên giới trái phép… Nhưng ít ai hiểu đằng sau đó là những khoảng lặng bình yên, mà chỉ có ở đây thật lâu, mới cảm nhận được…
Công an huyện Kỳ Sơn tuyên truyền phòng chống ma túy. |
Vượt qua thử thách
Kỳ Sơn được xem là địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng, và là điểm nóng về hoạt động của tội phạm nên với những chiến sỹ trẻ từ miền xuôi, mới đầu lên công tác tại Kỳ Sơn phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần. Để vượt qua điều đó và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi mỗi người phải có niềm tâm huyết đối với nghề nghiệp đã chọn.
Đại úy Lê Đăng Cường - Đội trưởng Đội ma túy - quê ở Quỳnh Lưu đã có hơn 10 năm gắn bó mảnh đất này. Vùng đất khó khăn và phức tạp như Kỳ Sơn chính là thử thách đầu tiên đối với chàng sinh viên vừa mới tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân. Nơi đây, Cường cùng đồng đội của mình đã xác lập, phá thành công nhiều chuyên án ma túy như bắt đối tượng Lô Văn Phú với lượng ma túy lớn và quả lựu đạn trên tay; ngày 26/12/2006, bắt đối tượng Dềnh Chồng Nhìa, Dềnh Chá Tổng, Và Bá Xềnh, thu 4 bánh hê rô in; hay gần đây nhất là Chuyên án 613C bắt Moong Văn Hoành khi đối tượng có quả lựu đạn đã rút chốt… Ngần ấy năm, thân thuộc địa bàn, cộng với đặc thù nghiệp vụ của chiến sỹ cảnh sát phòng chống ma túy khiến anh thêm yêu công việc tưởng như rất đỗi vất vả và nguy hiểm. Đối đầu với những thử thách cam go ở Na Ngoi, Keng Đu hay Nậm Cắn, Lê Đăng Cường luôn coi đó là những bài học vô cùng quý giá đối với anh cũng như đồng đội của mình. Khi hỏi anh: Bố mẹ anh dưới xuôi, có khi nào anh có ý định chuyển công tác? Cường cười thật hiền: Ở đây quen mất rồi, xa Kỳ Sơn lại thấy nhớ. Đây là quê hương thứ hai của mình…
Không chỉ riêng cán bộ đội ma túy, tập thể cán bộ chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn luôn xác định rằng: là địa bàn hội tụ nhiều yếu tố phức tạp, đối mặt với nhiều khó khăn, họ phải vượt qua những thử thách, đôi khi phải vượt lên chính mình vì những cám dỗ của cuộc sống và những ham muốn tuy tầm thường nhưng rất con người. Nhưng may mắn, các anh luôn được làm việc và học tập trong một tập thể có tinh thần vượt khó. Họ đoàn kết và thương mến nhau như những người trong một gia đình.
Để làm tốt nhiệm vụ được giao, điều đầu tiên, mỗi cán bộ chiến sỹ nơi đây phải chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ cương CAND. Thiếu úy Phạm Đình Thái - mới công tác tại Kỳ Sơn hơn 6 tháng, kể rằng: Những ngày mới lên đây, anh cũng xao động trước những khó khăn trước mắt. Để vào bản thu thập thông tin, có ngày anh cùng đồng đội cuốc bộ, trèo rừng, lội suối 30 km sưng vù đôi chân. Nhưng rồi nhìn những đồng đội ai cùng hào hứng với công việc, Thái phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những ngày vào các bản làng người Mông, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, mỗi ngày như một khám phá mới mẻ trong cuộc sống của mình. Thượng tá Tô Văn Hậu - Phó trưởng Công an huyện nhấn mạnh: Công tác chính trị tư tưởng là yếu tố rất quan trọng đối với lực lượng công an nơi đây. Chính vì vậy, để mỗi cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, phải làm sao để tư tưởng của họ luôn vững tâm, thoải mái…
Đối với tất cả cán bộ chiến sỹ Công an Kỳ Sơn, đơn vị là một mái nhà chung để mỗi người rèn luyện kỷ cương, sống trách nhiệm, gắn bó. Nơi đây, mùa đông cũng như mùa hè, tiếng kẻng báo thức, tập thể dục của đơn vị lúc 5h30 đã thành thói quen của mỗi người. Bài thể dục, bài võ thuật làm cho mọi người thấy khỏe khoắn hơn khi thức dậy. Bữa cơm sáng tại nhà ăn của đơn vị để bắt đầu một ngày làm việc mới là sự góp công của từng thành viên, không để một mình chị đầu bếp gánh vác... Xa gia đình, xa người thân, những buổi tối lạnh miền biên viễn, người có bạn gái thì gọi điện tỷ tê tâm sự. Chàng nào chưa có người yêu thì đến ngồi cùng một phòng xem ti vi, đọc báo. Gần gũi nhất là những lúc anh Hậu, chú Đề hay các lãnh đạo khác của đơn vị cùng anh em chuyện trò, tâm sự chuyện riêng tư, bởi họ cũng là những người lính miền xuôi lên công tác và trưởng thành ở đây.
Trưởng thành từ gian khó
Hơn 13 năm công tác tại “vùng đất dữ”, Đại tá Nguyễn Văn Đề tâm sự: Làm lính công an ở thượng nguồn sông Cả "khó" nhưng anh em không hề ngại khổ. "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm" và "bám dân, bám địa bàn, bám đối tượng, bám chỉ tiêu công tác" là những nhiệm vụ bất di bất dịch của cán bộ, chiến sỹ ở nơi vốn được ví như là "cổng trời" của xứ Nghệ này. "Thường trực luân phiên, giữ yên thôn bản" để chủ động trong công tác nắm tình hình, không để tình huống bị động bất ngờ, phức tạp nảy sinh.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Đề, ở Công an huyện Kỳ Sơn có một nguyên tắc dẫu là bất thành văn nhưng ai cũng thực hiện tốt là cán bộ, chiến sỹ ở miền xuôi lên công tác phải thương yêu giúp đỡ đồng bào miền núi và ngược lại, cán bộ là người miền núi phải giúp đỡ anh em miền xuôi hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán để giao tiếp với nhân dân. Một khi các chiến sỹ “cắm bản” tự học và giao tiếp tốt tiếng dân tộc, việc “ba cùng” và “bốn bám” mới mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, các anh đã có được sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân. Cũng từ đây, Công an huyện Kỳ Sơn đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trong việc lôi kéo, dụ dỗ và lợi dụng đồng bào Mông trên địa bàn. Đến nay, tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép sang Lào đã chấm dứt hoàn toàn, bà con không còn nghe và đi theo lời kẻ xấu xúi giục gây rối, làm mất ANTT như trước đây.
Bên cạnh nhiệm vụ giữ vững bình yên biên cương Tổ quốc, cán bộ chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn còn đảm nhận nhiệm vụ chia sẻ, giúp đỡ khó khăn với đồng bào miền núi. Trận lũ lịch sử năm 2011, Kỳ Sơn là địa bàn trọng điểm của mưa lũ với những thiệt hại hết sức nặng nề. Trong những thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, Công an huyện Kỳ Sơn đã sát cánh cùng đồng bào, cùng lực lượng bộ đội biên phòng trở thành chỗ dựa, niềm tin cậy của nhân dân. 2/3 quân số của đơn vị đã được triển khai đến với dân trong lũ, hoạt động suốt ngày đêm, giúp đỡ dân bản ổn định cuộc sống. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị còn góp lương, góp sức xây dựng nhà tình thương; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cũng bởi vậy mà ở Kỳ Sơn, người dân luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào lực lượng Công an và coi anh em chiến sỹ như người thân trong gia đình.
Ngày lại ngày được “rèn” trong môi trường gian khổ, họ có được những kinh nghiệm thực tế quý giá. Họ không còn ngại khó, ngại khổ bởi đã vượt qua những tháng ngày băng rừng, lội suối, nằm rừng cùng sên vắt. Nơi đây thực sự là cái “nôi” rèn người. Nhờ rèn người, nhiều cán bộ cốt cán, xuất sắc của Công an Nghệ An được trưởng thành từ đây…
Một mùa xuân nữa lại về. Với cán bộ chiến sỹ Công an Kỳ Sơn, 2 năm, 3 năm chưa về quê đón Tết cùng gia đình là chuyện thường. Vì nhiệm vụ, là người lính họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng tư, tạm quên những phút giây đoàn tụ đầm ấm bên người thân để bám trụ với miền biên ải Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và sự động viên của những người vợ, người mẹ nơi quê nhà là nguồn cổ vũ lớn lao để họ vững tâm bảo vệ vùng biên giới đón những mùa xuân ấm áp, yên vui…
Hương Giang
PX15- Công an Nghệ An