Ngành chăn nuôi trước sức ép cạnh tranh
(Baonghean) - TPP là Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương được tham gia bởi nhiều nước như Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam…. Tính chất của Hiệp định này là cắt giảm hầu hết các dòng thuế trong lộ trình rất ngắn và mở cửa thương mại tự do trong các nước tham gia. Tham gia hiệp định TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam chịu nhiều tác động bởi chúng ta đang có nhiều hạn chế do giống, chuồng trại, an toàn vệ sinh thực phẩm… Thế nhưng, người chăn nuôi cũng như cán bộ phụ trách ngành vẫn rất mơ hồ trước thông tin này.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Quang Đại ở Nam Xuân Nam Đàn có quy mô diện tích 6 ha, được xây dựng khép kín, gồm chuồng trại chăn nuôi lợn, 2,5 ha ao nuôi cá, còn lại trồng rau màu, cây ăn quả. Trang trại chăn nuôi chủ yếu lợn thịt, hàng năm xuất bán hơn 100 con lợn nái hậu bị, hàng trăm con lợn thịt, sản lượng khoảng 100 tấn lợn hơi. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi anh tâm sự chưa thấy ngành chăn nuôi nói về Hiệp định TPP sẽ tác động đến người chăn nuôi thế nào.
Trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Quang Đại ở Nam Xuân - Nam Đàn. |
Khi được giải thích, anh cũng lo lắng bởi nhu cầu về sản phẩm thịt lợn có lúc đã bão hòa, đầu ra khó tiêu thụ, nhất là ở các trang trại lớn. Việt Nam gia nhập TPP là một thách thức đối với ngành nói chung và người chăn nuôi nói riêng bởi áp lực cạnh tranh với các nước có nền chăn nuôi phát triển, đặc biệt là Mỹ và Úc. “Tôi được biết ở Mỹ nguồn thức ăn cho chăn nuôi rất dồi dào, ngay cả Việt Nam cũng đã nhập đến 70% nguyên liệu thức ăn từ Mỹ” - anh Đại cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh giới thiệu từng quy trình chăn nuôi đối với từng lứa. Công việc của người chăn nuôi vô cùng vất vả bởi phải thường xuyên đối phó với dịch bệnh, rồi giá cả lên xuống thất thường, đặc biệt là nguồn thức ăn nhiều khi không chủ động. Bởi vậy khi biết Việt Nam sẽ gia nhập TPP và sản phẩm thịt của các nước sẽ vào Việt Nam với thuế suất bằng 0, thực sự là một nỗi lo lớn với người chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi của các nước hiện đã có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả cạnh tranh, trong khi đó sản phẩm chăn nuôi của người Việt đang bán trôi nổi, chủ yếu ở các chợ, thị trường trong nước, ngay cả vào các siêu thị cũng sẽ rất khó.
Công ty Lợn giống ngoại Thái Dương ở Đại Sơn - Đô Lương hiện là nơi chăn nuôi lợn lớn nhất của tỉnh ta với tổng đàn hơn 4.000 con lợn. Kinh doanh chủ yếu là lợn giống với các loại: Yorkshire, Landrace và Duroc. Vì kinh doanh lợn giống nên công tác bảo vệ cho đàn rất được chú trọng nhằm hạn chế dịch bệnh. Qua trao đổi được biết công ty vẫn chưa biết về Hiệp định TPP, về những thách thức có thể đến với ngành chăn nuôi. Anh Lê Quang Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương cho hay: Hiện nay thị trường đang khá ổn định, hơn nữa công ty kinh doanh lợn giống nên nếu gia nhập TPP thì cũng chưa đáng lo. Lợn giống hiện đang được công ty bán cho nhiều địa phương với trọng lượng từ 50 -100 kg/ con. Con nào không đủ điều kiện mới thải loại ra làm lợn thịt.
Bên cạnh lợn thì bò là một sản phẩm bị cạnh tranh khi Việt Nam đàm phán xong TPP. Bởi hiện nay thịt bò Úc đã bán khá phổ biến ở các siêu thị tại các thành phố lớn với giá không chênh lệch thịt bò Việt Nam, dù đang chịu thuế. Nhưng tại Nghệ An, chăn nuôi bò đang rất phát triển. Người chăn nuôi chủ yếu vỗ béo hoặc nuôi nhốt tại các gia trại để bán bò thịt. Do thiếu thông tin nên người chăn nuôi hầu như không biết đến TPP, nhất là người chăn nuôi ở miền núi. Trang trại nuôi bò thịt của anh Vương Văn Hoàn ở xóm 7, Nghĩa Đồng – Tân Kỳ hiện nay nuôi 18 con bò. Nguồn bò thịt và bò giống được anh cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Tuy trang trại chăn nuôi không lớn song anh cũng đang rất yên tâm về đầu ra. Anh cũng chưa từng nghe nói đến TPP và ảnh hưởng của nó đến ngành chăn nuôi Việt Nam.
Không chỉ ở Tân Kỳ, các trang trại khác ở Giang Sơn Đông – Đô Lương, Quỳnh Lưu cũng lạ lẫm khi nói đến TPP. Ngay cả những cán bộ phụ trách ngành chăn nuôi cũng “lãng đãng” khi nghe nói về TPP. “TPP là cái gì, tôi giờ mới nghe nói” - Trưởng phòng chăn nuôi Sở NN và PTNT Nghệ An cho hay. Ông cho biết sẽ tìm hiểu xem sao. Trong lúc đó, đây là thời điểm người chăn nuôi cần được ngành chăn nuôi có một thông điệp cảnh báo hay giải pháp để họ có thể tự bảo vệ mình.
Khi gia nhập TPP, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam sẽ chịu nhiều rủi ro hơn là cơ hội. Các chuyên gia đã từng cảnh báo: Rủi ro đối với ngành chăn nuôi rất lớn bởi Việt Nam kém đủ mọi mặt về giống, thiết bị chuồng trại, cách chăn nuôi, dịch bệnh. Sản phẩm gà Thái Lan, bò Úc… sẽ tràn sang Việt Nam…Trong một phỏng vấn gần đây với báo chí, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Để thích ứng với TPP, chăn nuôi Việt Nam nên bắt đầu từ tự chủ nguồn thức ăn. Hiện nay, Việt Nam là đất nước nông nghiệp mà vẫn phải nhập khẩu ngô với số lượng lớn, đậu tương thì thiếu hoàn toàn, thức ăn đạm như xương thịt cũng nhập khẩu tới hơn 400 nghìn tấn/năm. Đến năm 2020, nhu cầu ngô cần nhập khẩu lên tới 2 triệu tấn trong khi diện tích trồng ngô còn hạn chế. Do đó, cần phải triển khai nhanh chính sách phát triển nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm bớt diện tích trồng lúa chuyển sang ngô”.
Nói về chuyện pha trộn thức ăn thô như ngô, cám gạo để giảm giá thành cho thức ăn công nghiệp, ông Nguyễn Quang Đại - Nam Xuân, Nam Đàn cho biết: Rất khó để thực hiện ở những trang trại lớn bởi khâu nhân công sẽ rất thiếu và nhiều khi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu tăng phụ phẩm thì ngày chăn nuôi kéo dài mới đạt được trọng lượng mong muốn, như vậy tính ra giá thành cũng tương đương. Bởi vậy quan trọng là tại Việt Nam phải sản xuất được thức ăn cho chăn nuôi bằng nguyên liệu của Việt Nam và đạt tiêu chuẩn như quốc tế. Điều này hiện nay chưa làm được.
Bởi vậy để có thể chủ động đối phó và hội nhập với TPP, các trang trại ở Nam Đàn và Hưng Nguyên đang dự kiến sẽ liên kết chuỗi sản xuất theo công nghệ thịt sạch để được hưởng các chính sách của Nhà nước và tìm kiếm thị trường ở các siêu thị. Trong khi sản phẩm chăn nuôi của ta đang rất khó để vào các nước TPP (trừ tôm, cá ba sa) thì việc chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng là việc cần thiết. Nhưng để chiếm lĩnh được đòi hỏi phải làm tốt cả khâu chất lượng và giá thành. Cần tăng cường liên kết nội địa để có nguồn cung thức ăn ổn định, đầu ra giá cả hợp lý, thống nhất, đồng thời liên kết cả với nước ngoài để có thêm tiềm lực, đặc biệt là xuất khẩu.
Bài, ảnh: Châu Lan