Khởi sắc từ nghề truyền thống

17/03/2014 22:47

(Baonghean) - Quan niệm “phi nông bất ổn” dường như đã không còn đúng với nhiều làng quê hiện nay, khi mà những làng mộc, làng xây dựng, làng xuất khẩu lao động, làng tơ tằm… xuất hiện ngày càng nhiều ở các làng quê. Nhờ những nghề tưởng như là phụ đó mà một bộ phận người dân nông thôn đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.

Làng nghề trống truyền thống ở xã Thanh Văn (Thanh Chương).  Ảnh: Đức Chuyên
Làng nghề trống truyền thống ở xã Thanh Văn (Thanh Chương). Ảnh: Đức Chuyên

Đường vào xã Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu) nay không còn sình lầy, chật chội như trước nữa mà đã được trải nhựa đến tận từng xóm. Vào đến đầu xã, người mới đến lần đầu hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và tưởng mình đang đi nhầm vào một làng Đồng Kỵ nào đó ở tận…Bắc Ninh. Càng đi vào trong, những cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, những cửa hàng mộc dân dụng lại trở nên dày đặc. Bên cạnh đó là những xưởng sản xuất quy mô, nơi thì chuyên về đục, nơi thì chỉ nhận chạm khảm, có nơi thì chỉ chuyên lắp ghép và trưng bày…

“Nghề mộc đã có ở Quỳnh Hưng khá lâu, tuy nhiên phát triển vượt bậc và trở thành làng nghề thì chỉ khoảng mười năm trở lại đây” – ông Trần Bình Trọng, Phó Chủ tịch xã tự hào “khoe” về nghề mộc ở xã. Quả cũng đáng mừng thật, bởi có ai ngờ rằng, những người nông dân Quỳnh Hưng quanh năm “tay lấm chân bùn”, chưa đi ra khỏi làng, cũng chưa bao giờ có khái niệm thế nào là mộc cao cấp, thế nào là mộc mỹ nghệ, nay đã sản xuất được những sản phẩm đồ gỗ kì công, có giá trị. Toàn xã hiện đang có hai làng nghề làm mộc, đó là làng nghề mộc Nam Thắng và làng nghề mộc Thuận Giang với khoảng 600 người sống bằng nghề. Hiện mức thu nhập trung bình của một thợ mộc từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, riêng thợ lành nghề, có kinh nghiệm, thợ đục có thể từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. “Dù ngành nghề mộc ngày một phát triển và có thu nhập ổn định nhưng hiện tại, việc tìm lao động tại chỗ trong làng không dễ vì đa phần sau một vài năm làm thợ, những người có kinh nghiệm đều tách ra làm riêng, ai cũng muốn “hút” lao động giỏi về” - chị Nguyễn Thị Hải, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Hải Bá cho biết. Do đó, chẳng phải đi đâu xa, với phương thức truyền nghề “cầm tay chỉ việc”, chỉ cần chăm chỉ, người dân Quỳnh Hưng đã có cuộc sống sung túc hơn rất nhiều làng quê khác.

Ở Quỳnh Lưu, có nhiều làng giàu lên từ nghề phụ, như nghề mộc ở Quỳnh Nghĩa, làm miến ở Quỳnh Bá, chế biến thủy sản ở Quỳnh Bảng… Nhưng chắc ít có nơi nào như Quỳnh Hưng, chỉ một xã nhỏ mà có tới bốn, năm nghề. Ngoài hơn 50 hộ làm nghề mộc, xã còn có 13 doanh nghiệp và 51 tổ thợ chuyên làm nghề xây dựng, 18 tổ chuyên sản xuất và sửa chữa các loại xe thô sơ, cổng sắt và các công trình phụ trợ, có 61 hộ kinh doanh hàng tạp hóa, 40 cơ sở kinh doanh bán hàng mộc , 27 cơ sở ( 53 lò ấp) trứng gà, vịt. Toàn xã có 29 xe tải, 42 máy phục vụ nông nghiệp và 5 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Sự xuất hiện ngành nghề phụ ở Quỳnh Hưng cũng bởi một lẽ rất đơn giản: nghèo và thiếu đất sản xuất. Về điều này, ông Đặng Đình Hòe (xóm 3) năm nay đã gần 80 tuổi thấm thía lắm.

Ông bảo, Quỳnh Hưng “đất chật người đông”, nơi khác một người có thể được phân một đến hai sào lúa, còn ở đây, mỗi người chỉ được vài ba trăm mét vuông. Bà con Quỳnh Hưng, được tiếng là cần cù, chịu thương chịu khó, có tính cưu mang nên một người khá giả từ nghề phụ muốn giúp đỡ nhiều anh em, bạn bè. Một người lập tổ, thì những người khác cũng lập phường, lập hội để “buôn có bạn, bán có phường”. Nhờ thế, các ngành sản xuất, dịch vụ khác cứ thế theo “đà” mà phát triển.

Thực tế cho thấy, nếu người dân cứ mãi tư duy theo kiểu “con trâu đi trước cái cày theo sau”, nếu không có những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thì các làng quê khó có thể phát triển. Chẳng đâu xa, ngay ở Nghi Liên, một xã vùng ven Thành phố Vinh cũng đã có sự khác biệt. Đây vốn là xã thuần nông, bà con vốn chỉ quen với việc đồng áng trồng lúa và trồng hoa màu. “Duy chỉ có xóm 4, nhờ biết tận dụng diện tích đất, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường mà từ trồng lúa, người dân trong xóm đã chuyển sang trồng hoa, trồng cây cảnh để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thành phố và các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Đây cũng là xóm đầu tiên của Nghi Liên đạt danh hiệu Xóm văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1%. “Ăn theo” nghề hoa cây cảnh, một số ngành nghề khác như nghề đúc chậu hoa, nghề làm vườn, nhận chăm sóc, cắt tỉa hoa tại nhà cũng được phát triển, tổng thu nhập của xóm mỗi năm hàng chục tỷ đồng” – ông Thái Phi Dung, xóm trưởng xóm 4 nói thêm.

Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng là một cách để người dân ở các làng quê khôi phục các ngành nghề truyền thống và xây dựng thêm nhiều ngành nghề mới. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đặng Sơn (Đô Lương) là một trong số đó. Đây vốn là nghề truyền thống lâu năm của người dân của xã vùng ven sông Lam này nhưng một thời gian do hiệu quả kinh tế không cao, công việc lại vất vả, khó tiêu thụ nên ngày một mai một. Sau đó, nhờ một số hộ dân nhạy bén, mở rộng thị trường, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng và ươm tơ nên 5 năm trở lại đây, nghề đã được phát triển trở lại và mở rộng đến nhiều xã khác trong vùng. Bên cạnh đó, dân trong xã cũng phát triển thêm nhiều nghề mới như nghề mộc, nghề làm bánh đa nem, nghề nướng bánh đa… Từ những nghề này, đời sống của nhiều hộ dân trong xã từng bước được cải thiện, đưa Đặng Sơn từ một xã khó khăn, có ít đất nông nghiệp nhất của huyện Đô Lương trở thành một xã có mức sống khá cao trong toàn huyện.

Có thể khẳng định, việc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ta hiện có hơn 200 làng có nghề truyền thống, trong đó có hơn 119 làng đã được công nhận làng nghề với nhiều ngành nghề như tre đan, bún bánh, bánh đa, chổi đót, nghề hương, nghề rèn. Ngoài ra còn có nhiều ngành nghề mới được du nhập như chế biến thuỷ sản, chế biến lương thực, thực phẩm, mộc mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, thêu ren, móc sợi, dệt thổ cẩm, sửa chữa cơ khí, xây dựng,…

Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2015 phát triển 318 làng có nghề, trong đó 150 làng được công nhận làng nghề, bình quân mỗi xã đồng bằng ven biển có 2 - 3 làng nghề, mỗi xã vùng núi thấp có 1 làng nghề, mỗi huyện miền núi có từ 20 - 30 làng nghề, cố gắng mỗi năm đưa giá trị sản xuất từ các làng nghề là 2.500 tỷ đồng. Để khôi phục hiệu quả các ngành nghề, tỉnh đang chỉ đạo, tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề, các ngành nghề nông thôn phù hợp nhằm khai thác, phát huy những ngành nghề lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để có định hướng đầu tư phát triển một cách cụ thể, khoa học.

Mỹ Hà