Nuôi tôm theo hướng VietGap: Tăng lợi, giảm hại

27/03/2014 21:09

(Baonghean) - Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGap) là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội, đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây được xem là cách giúp nông dân tăng lợi, giảm hại một cách bền vững. Tuy nhiên, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi và đang còn nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Trong những năm qua, dịch bệnh trên tôm hoành hành đã gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm. Cùng với đó là thời tiết diễn biến bất thường, lũ lụt liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng nuôi tôm của toàn tỉnh. Tỉnh đã xác định phát triển nuôi tôm nước lợ với các định hướng cơ bản như tập trung vào hình thức nuôi thâm canh, hiệu quả kinh tế gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, và lấy công tác quản lý làm giải pháp cơ bản. Cụ thể là các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang tuyên tuyền vận động cho người nuôi tôm thực hành nuôi tôm tốt theo quy trình VietGAP. Trong năm 2012, Chi cục NTTS đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình VietGap tại 3 huyện: Quỳnh Lưu (gần 1 ha), Diễn Châu (3 ha), Nghi Lộc (1 ha). Song đến nay chỉ có mô hình nuôi tôm của ông Ngô Xuân Đại, xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu) đạt hiệu quả và đến nay đã được cấp giấy chứng nhận.

Thu hoạch tôm tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu).
Thu hoạch tôm tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu).

Đầu năm 2013, ông Đại được hỗ trợ 50 triệu đồng và vay mượn thêm 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình. Về cơ sở hạ tầng, ông đã xây dựng hệ thống cấp, thoát nước riêng, xây dựng ao lắng, nhà kho chứa thức ăn, máy móc... Trong quá trình nuôi, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, ông xây dựng quy trình nuôi chặt chẽ có ghi chép, theo dõi, tổng hợp số liệu về thức ăn, sức khỏe của tôm... Nhờ áp dụng chặt chẽ những yêu cầu trên, đầm tôm của ông phát triển tốt và không mắc bệnh. Kết quả cuối vụ, trên diện tích 2,7 ha nuôi, ông thu về 45 tấn tôm, năng suất đạt 17 tấn/ha. Khi bán đạt kích cỡ từ 80-90 con/kg nên được giá là 140 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, ông lãi trên 4 tỷ đồng. Ông Đại cho biết: Trước đây, mình chỉ nuôi theo kinh nghiệm nhưng thời tiết ngày càng khó lường, kinh nghiệm có nhiều đến mấy cũng chẳng bõ bèn gì nên vụ nuôi nào cũng có diện tích tôm bị chết, số thì sinh trưởng kém nên năng suất không cao. Tôi nghĩ rằng, nếu không thay đổi nhận thức, không áp dụng KHKT vào nuôi trồng thì khó mà thành công. Vì thế, tôi đã mạnh dạn xin được áp dụng mô hình VietGAP theo hướng an toàn sinh học và thực tế đã chứng minh rằng đây là hướng đi đúng, có hiệu quả.

Tuy chưa được công nhận là mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng nhiều người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang thực hiện những bước căn bản để xây dựng mô hình này. Từ năm 2013, trên diện tích 5.000m2, ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã áp dụng nuôi tôm thâm canh theo quy trình VietGAP. Ông Tin cho biết: Để áp dụng theo VietGAP đầu tiên ông mua con giống từ cơ sở cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, qua kiểm dịch rồi mới thả nuôi, thức ăn cũng được mua từ đại lý đảm bảo uy tín chất lượng, ghi chép cẩn thận từ khâu nhập con giống, thức ăn, cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch. Theo ông Tin, nếu thực hiện đúng quy trình VietGAP thì tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh. 1 ha sẽ cho thu hoạch từ 10 - 15 tấn, tổng thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí sẽ cho lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ cũng cho thu nhập vài tỷ đồng. Ông Hoàng Xuân Tin cho biết rằng, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà nuôi tôm theo quy trình VietGAP còn cho hiệu quả lớn về môi trường vì nguồn nước thải và ao đầm được xử lý một cách cẩn thận nên hầu hết các mầm bệnh đều được xử lý cơ bản triệt để.

Hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã có những nhận thức cơ bản về việc nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt là công tác xử lý ao đầm trước khi thả giống. Khi xử lý ao đầm và trong quá trình nuôi, người dân không nên sử dụng hóa chất, thuốc BVTV... Hậu quả của nó không chỉ khiến chất lượng sản phẩm giảm sút, môi trường bị ô nhiễm mà còn tác động đến chính sức khỏe của người nuôi tôm. Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần tạo được lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong điều kiện giá tôm không ổn định như hiện nay, mô hình nuôi tôm VietGAP mở ra hy vọng mới cho nông dân, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển nghề nuôi bền vững.

Tôm sạch theo tiêu chí VietGAP đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các doanh nghiệp cũng được yên tâm về sản phẩm, tự tin chinh phục các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục NTTS cho biết: Áp dụng quy trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là một giải pháp quan trọng và có tính bền vững. Người nông dân được lợi đầu tiên là về hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cộng đồng nuôi tôm được hưởng lợi quan trọng vì khi tất cả người nuôi tôm cùng áp dụng quy trình này thì môi trường nuôi được đảm bảo bền vững.

Tuy nhiên, cái khó nhất khi áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là điều kiện hạ tầng cơ sở nuôi trồng còn yếu. Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ nên hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là thủy lợi và hệ thống ao chứa, ao lắng không đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, hơn 90% diện tích nuôi tôm trên địa bàn đã chuyển sang mô hình nuôi thâm canh trên đối tượng tôm thẻ. Song, tại nhiều vùng nuôi đang tồn tại rất nhiều bất cập. Người nuôi tôm vẫn đang sử dụng chung hệ thống cấp và thoát nước mà chưa có sự tách bạch riêng nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Ngoài ra, áp dụng VietGAP, tức là nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo từ con giống đến bàn ăn, nên các trại giống phải đạt tiêu chuẩn trước, sau đó là các cơ sở hạ tầng sản xuất rồi mới đến quy trình nuôi. Mặt khác, nếu cơ sở nuôi đầu tư đúng theo các nguyên tắc của quy trình VietGAP thì chi phí sẽ tăng lên khoảng 20 – 25%, nhưng giá bán sản phẩm vẫn ngang bằng với sản phẩm thủy sản thường, do đó sẽ rất khó để các cơ sở nuôi theo VietGAP cạnh tranh được với những cơ sở nuôi truyền thống. Khó khăn là thế, nhưng không có nghĩa là không áp dụng được VietGAP cho thủy sản vì VietGAP là yêu cầu tất yếu trong sự phát triển và hội nhập. Trước mắt, và công tác đầu tiên là hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các cán bộ và hộ nuôi, phổ biến kiến thức và trình diễn các mô hình VietGAP tiêu biểu. Khuyến khích sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ nuôi và Nhà nước hay giữa các nhóm nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo thêm nhiều điều kiện để triển khai áp dụng VietGAP có hiệu quả. Nhà nước cần có những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi một cách đồng bộ để giúp người nuôi có điều kiện thực hiện tốt quy trình VietGAP.

Bài, ảnh: Phạm Bằng