Làm giàu từ nuôi trâu bò thương phẩm
(Baonghean) - Về Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) vào những ngày này nhộn nhịp như ngày hội. Máy cày, máy làm đất hoạt động hết công suất, máy bơm nước hoạt động tối đa, xe cộ chở vật tư, phân bón ra đồng tấp nập để phục vụ cho vụ đông xuân.
Khác với mùa vụ những năm trước, năm nay sau chuyển đổi đất lần 2 theo Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mỗi hộ chỉ còn một mảnh thuận lợi cho việc cơ giới hoá nông nghiệp. Trên các cánh đồng không sử dụng trâu cày, hỏi một lão nông mới biết “đầu cơ nghiệp” nay đã trở thành hàng hoá thương phẩm trên thị trường.
Theo lời giới thiệu chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Chí Đào, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 1. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên, từ đầu ngõ 2 con trâu đực to, da đen láng bóng, ức rộng, đôi sừng giang rộng, được ông chủ chăm sóc với 2 bó cây ngô đang trong thời kỳ chắc hạt. Nhìn vào trong chuồng còn 2 con tầm vóc không kém, đang chúi đầu vào chậu thức ăn hỗn hợp. Ông Đào niềm nở: “Nhà nông bây giờ ngoài việc đồng ruộng còn bao nhiêu việc làm cho thu nhập: Nuôi trâu bò nhốt, nuôi lợn, gà, mây tre đan xuất khẩu, nuôi hươu nai lấy lộc... Nhưng 4 xóm Sơn Mỹ đang tập trung vào phong trào nuôi trâu bò thương phẩm. Bình quân ở Quỳnh Mỹ, mỗi hộ nuôi 2 con, có nhiều hộ nuôi 5 con”.
Chúng tôi đến hộ ông Nguyễn Xuân Bốn, một hộ nông dân vừa thoát nghèo ở thôn 1. Ông tâm sự: “Gia đình đông con, ruộng đất ít không có nghề nghiệp ổn định. Trước đây, ngoài việc làm ruộng, chúng tôi tranh thủ làm nghề thả trúm bắt lươn nuôi con ăn học. Từ khi có phong trào nuôi trâu bò nhốt, cả gia đình tập trung vào việc chăn nuôi. Năm trước gia đình mua 2 con bê với giá 16 triệu, đến nay sau 21 tháng, nếu bán với giá thị trường hiện nay được khoảng 90 triệu”. Nhà chị Trần Thị Minh chồng mất sớm, nuôi mẹ liệt sỹ trên 80 tuổi luôn đau ốm và 3 con nhỏ. Thế nhưng, ba năm nuôi bò, chị cũng làm thêm được một căn nhà khang trang.
Ông Hồ Trọng Chiến ở thôn 8 cho biết: “Hiện nay vay vốn rất thuận lợi, chỉ cần nông dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất chăn nuôi thì Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quỳnh Lưu tạo điều kiện, thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, nên chúng tôi vay khá nhiều”.
Ở Quỳnh Mỹ hiện nay “nhà nhà nuôi trâu bò”, giá 1 con trâu khi mua về để vỗ béo từ 30 đến 35 triệu, có con dễ vỗ béo thì 45 triệu. Nguồn thức ăn cho trâu bò chủ yếu rơm, rạ, cỏ, cây ngô, cám gạo ngô, cây chuối..., không sử dụng thức ăn công nghiệp nên tiết kiệm được đầu vào. Từ phong trào nuôi trâu bò nhốt nên gia đình nào cũng chú ý dự trữ rơm rạ ngay từ đầu vụ thu hoạch, riêng vụ đông mỗi gia đình trồng 4 - 5 sào ngô. Mặc dầu diện tích trồng ngô vụ đông ngày càng giảm nhưng ở Quỳnh Mỹ nói chung, Sơn Mỹ nói riêng lại tăng, bất kỳ chỗ nào có thể trồng được là trồng ngay, trồng ngô bây giờ cũng khác trước. Ngô được trồng dày và chăm bón tốt có thể cắt cho trâu bò ăn từ khi gần trổ cờ. Ngoài ra chỗ nào cồn bãi bà con cũng tận dụng trồng chuối để làm nguồn thức ăn khi giáp hạt.
Nuôi trâu bò phải chú ý khâu vệ sinh, chuồng trại hàng ngày phải quét dọn sạch sẽ, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Trâu mua về được chủ nhà tắm rửa sạch sẽ, tìm cách diệt các loại côn trùng bám ngoài da. Thời gian nuôi từ 2 - 3 tháng tuỳ vào tăng trọng và phát triển của từng con, bình quân mỗi con xuất chuồng lãi 5 - 7 triệu, có con lãi trên chục triệu. Phong trào nuôi trâu bò hàng hóa từ một vài hộ ban đầu đến nay đã có hơn 300 hộ, thuộc 3 xóm của HTX Sơn Mỹ tham gia. Với tổng đàn gần 1.000 con trên lứa, với vòng quay 2-3 tháng/lứa, tổng lượng trâu bò chu chuyển trong năm lên đến 4.000 con. Theo cách tính khiêm tốn của bà con mỗi con trâu bò lãi 5 triệu đồng thì hàng năm bà con thu về 2 tỷ đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với vùng đất nghèo như Quỳnh Mỹ. Từ nuôi trâu, bò thương phẩm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Lê Văn Lĩnh