Làm tốt công tác tài chính ngân sách

27/01/2014 21:47

(Baonghean) - Năm 2013 là năm thứ ba của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011- 2015, nhưng tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn. Trong khi đó, một số chính sách, cơ chế thay đổi từ Trung ương tiếp tục tác động đến việc thu - chi ngân sách trên địa bàn. Với chức năng giúp UBND tỉnh quản lý tài chính, quản lý thu - chi, Sở Tài chính Nghệ An đã có nhiều giải pháp để tăng thu, tiết kiệm chi, vừa đảm bảo các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2013. Ảnh: C.L
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2013. Ảnh: C.L

Năm 2013, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách năm là 5.614 tỷ đồng, giảm 466 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2012. Thế nhưng, bằng những nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò của ngành Tài chính, ước thực hiện thu ngân sách năm 2013 đạt hơn 6.300 tỷ đồng, bằng 112,3% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Với số thu đó, và nhu cầu chi 16.297.250 triệu đồng, trong đó nhiều thời điểm cần chi các nhiệm vụ đột xuất, đối ngoại, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hỗ trợ thiên tai bão lũ, quả là không dễ đối với ngành Tài chính. Giám đốc Sở Tài chính ông Hoàng Viết Đường cho biết: “Đã có lúc phải “bóc ngắn cắn dài”, nhưng rồi phải hoàn trả về vị trí đảm bảo công tác tài chính đúng qui định của Nhà nước”. Theo báo cáo Sở Tài chính tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm vừa rồi, tổng chi ngân sách năm 2013 trên địa bàn Nghệ An là 16.297.250 triệu đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển: 2.827.421 triệu đồng; chi thường xuyên: 13.167.909 triệu đồng. Chi năm 2013 tăng chủ yếu do Trung ương bổ sung có mục tiêu về XDCB, các cơ chế, chính sách mới về an sinh xã hội, tiền lương, phụ cấp tăng thêm, hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lụt,...

Năm 2013, chi đầu tư phát triển đạt 2.942 tỷ 150 triệu đồng, đạt 110% dự toán. Nguồn vốn chi đầu tư phát triển tăng chủ yếu do Trung ương bổ sung có mục tiêu năm 2013, gồm: bổ sung nguồn vốn vay ADB: 9 tỷ 500 triệu đồng; hỗ trợ vốn Chương trình 135 nguồn viện trợ của Chính phủ Ailen 7 tỷ 500 triệu đồng; ứng vốn đối ứng cho các dự án ODA: 20 tỷ đồng; tạm ứng vốn sửa chữa đảm bảo an toàn hồ chứa nước 30 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục bão lũ năm 2013 (cơn bão số 8, 10, 11) 85 tỷ đồng.

Năm qua, ngành đã đảm bảo chi cho các hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, quốc phòng - an ninh và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nói riêng và chi phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đáp ứng kịp thời nguồn vốn chi phát triển nông nghiệp nông thôn; kinh phí thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách, người có công, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở các vùng biên giới, hải đảo; hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo dịp Tết; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo. Đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch gia súc, gia cầm, sâu bệnh hại lúa, đảm bảo kinh phí khắc phục thiên tai, mưa lũ,...

Ngoài ra, ngành đảm bảo các khoản chi lớn trong năm 2013 như: hỗ trợ khắc phục hạn hán, bão, lũ lụt, dịch bệnh: kinh phí khắc phục hạn hán xâm nhập mặn vụ đông xuân 17.700 triệu đồng; kinh phí khắc phục mưa đá, lốc xoáy 2.508 triệu đồng; kinh phí khắc phục bão lụt, hỗ trợ cây trồng 68.940 triệu đồng; kinh phí bảo hiểm cây trồng vật nuôi 44.215 triệu đồng; kinh phí phòng, chống dịch gia súc, gia cầm 5.609 triệu đồng. Hỗ trợ kinh phí an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo: Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo 42.066 triệu đồng; bổ sung kinh phí thực hiện mức đóng BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi 56.654 triệu đồng; kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên 103.271 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3 - 4 tuổi theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg: 41.932 triệu đồng. Hỗ trợ kinh phí khắc phục ô nhiễm môi trường và giảm thiểu suy thoái môi trường 10.300 triệu đồng; kinh phí ứng trước ngân sách năm 2014 để thực hiện xử lý các dự án ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 6.069 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí đo đạc lập hồ sơ địa chính 33 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ trồng lúa theo Nghị định số 42/2012: 45.531 triệu đồng... Kinh phí tăng dày, tôn tạo cột mốc quốc giới Việt - Lào 88.493 triệu đồng; kinh phí mua trang phục dân quân tự vệ 30.878 triệu đồng.

Chi dự phòng ngân sách ước thực hiện 301 tỷ 920 triệu đồng, đạt 100% dự toán, thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Xây kè đê sông Lam đoạn xã Thanh Văn  (Thanh Chương):  Ảnh: Hữu Tuấn
Xây kè đê sông Lam đoạn xã Thanh Văn (Thanh Chương): Ảnh: Hữu Tuấn

Sở Tài chính mà nòng cốt là phòng Đầu tư của Sở cũng đã căn cứ chỉ tiêu kế hoạch XDCB năm 2013 được UBND tỉnh giao và khả năng ngân sách, thông báo kế hoạch vốn cho phép thanh toán đến KBNN kịp thời, đầy đủ và đúng chế độ quy định, đảm bảo nguồn vốn tại KBNN luôn đáp ứng nhu cầu thanh toán, tạo điều kiện để KBNN chủ động trong công tác giải ngân. Tổng hợp trình chuyển nguồn các dự án và các nhiệm vụ chi thuộc kế hoạch chi năm 2012 sang thực hiện năm 2013. Thực hiện quyết toán vốn đầu tư chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 với KBNN kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư. Tham mưu kịp thời trình giải quyết vốn đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh cho các dự án cấp thiết, đảm bảo đúng chế độ quy định.

Đối với công tác quyết toán vốn đầu tư, đến cuối tháng 11/2013: Số lượng thẩm tra 273 dự án/339 dự án, đạt 81% so với năm 2012.

Về chất lượng thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhìn chung vẫn luôn đảm bảo, tỷ lệ giảm sau thẩm tra bình quân chung là 3,37%, trong đó có 6 dự án sau thẩm định giảm trên 19% so với số liệu đề nghị của chủ đầu tư.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại buổi làm việc với Sở Tài chính ngày 27/12 vừa qua, có 5 ưu điểm Sở Tài chính đã đạt được trong năm 2013. Đó là nội bộ đoàn kết, trách nhiệm; công tác quản lý thu và chi an toàn, đảm bảo đúng luật; đã tham mưu cho tỉnh được nhiều cơ chế, chính sách kịp thời và chất lượng; phối hợp tốt với các ngành đẩy nhanh thanh toán xây dựng cơ bản và thanh quyết toán kịp thời; chi an sinh xã hội đảm bảo.

Ngay từ đầu năm 2014, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp những nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách ngay từ đầu năm. Tập trung đôn đốc hoàn thành chỉ tiêu thu thuế môn bài năm 2014. Triển khai thu thuế TNDN quý 3 năm 2013 được gia hạn nộp đến 30/1/2014. Triển khai thực hiện các chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014 như Luật Quản lý thuế, thuế GTGT, thuế TNDN; Nghị định số 204/2013/NĐ - CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng. Quản lý các nguồn thu trên địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Dịp Tết Nguyên đán 2014, các ngành, các cấp, các đơn vị cần tập trung phân bổ dự toán theo khớp đúng dự toán chi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi để giao dự toán cho các đơn vị thụ hưởng. Chủ động kinh phí thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách, người có công, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở các vùng biên giới, hải đảo trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; theo dõi sát sao tình hình giá cả để có tham mưu xử lý kịp thời; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại; kiểm tra chặt chẽ việc niêm yết giá, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá tuỳ tiện, không để giá cả biến động kéo dài sau Tết.

Trân Châu