Mạch nguồn dân ca chảy mãi
(Baonghean) - Sinh năm 1970 trên mảnh đất Hùng Tiến, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, từ thuở nhỏ chị đã mê đắm dân ca, hát phường vải. Chị không sinh ra trong gia đình có truyền thống hát dân ca, nhưng may mắn chị được sinh ra trên cái nôi của ví phường vải Nam Đàn. Đó là nghệ nhân dân gian Lê Thị Bích Thủy - thành viên câu lạc bộ dân ca phường vải Kim Liên - Giáo viên bộ môn âm nhạc Trường Tiểu học Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy trong tiết mục chuẩn bị cho Liên hoan Dân ca xứ Nghệ 2013. |
Chị còn nhớ như in năm lên 7 tuổi, mỗi dịp tháng Năm về, miền quê Kim Liên của chị lại rộn ràng hơn các làn điệu dân ca, ví phường vải, khắp làng trên xóm dưới tập luyện hát, múa, bé Thủy tranh thủ học bài sớm để đi nghe hát. Đường làng trăng sáng vằng vặc, bé Thủy vừa đi vừa ngân nga câu phường vải: "Ơ... Hỏi em hỏi cả bạn hiền, Bác Hồ về lại Kim Liên mấy lần"; rồi cô bé lại cất lên làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng: "...Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh...". Bé Thủy cứ mải mê với các làn điệu cho đến khi bước chân về tới cổng nhà lúc nào không hay. Thủy cũng không thể quên được những tràng pháo tay và những giọt nước mắt của nhiều khán giả trong đêm kỷ niệm Sinh nhật Bác Hồ tại Kim Liên năm Thủy lên 9 tuổi, sau khi Thủy hát xong bài hát "Trông cây lại nhớ tới người".
Bích Thủy tâm sự: Sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, chị trúng tuyển vào Trường Trung học Văn hóa thông tin Nghệ Tĩnh lớp Sư phạm Âm nhạc. Ở đó chị có điều kiện nâng cao trình độ và phát huy tố chất của mình. Liên tục trong nhiều năm học, chị tham gia các hội thi, hội diễn của trường và đạt nhiều thành tích cao. Khi trở thành giáo viên âm nhạc, chị luôn tìm hiểu về các làn điệu dân ca xứ Nghệ và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho mình. Chị tiếp tục tham gia học lớp Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, ở đó chị đã được đào tạo một cách bài bản để trở thành một giáo viên âm nhạc. Ngoài công việc chính là dạy nhạc, chị còn tham gia nhiều phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, là thành viên Câu lạc bộ Dân ca phường vải Kim Liên - Nam Đàn và là nghệ nhân hát chính cho câu lạc bộ. Không chỉ có hát, chị còn dàn dựng chương trình, dạy cho các cháu nhỏ qua nhiều thế hệ.
Về Kim Liên, nhắc đến Bích Thủy, từ người già đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết. Chị là gương mặt trẻ nổi bật trong các kỳ thi liên hoan dân ca của tỉnh nhà. Đến nay, Bích Thủy còn thông thạo nhiều làn điệu dân ca ví, dặm như ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa sông La, ví phường vải, ví phường chè, ví đi cấy, ví đồng ruộng, ví trèo non; dặm cửa quyền, dặm Đức Sơn, dặm vè, dặm kể, dặm nối; hò trên sông, hò bơi thuyền, hò đầm đất đắp đê, hò nghệ, hò khoan đi đường,... Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng chị đã đạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi văn nghệ, các cuộc Liên hoan dân ca trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Đó là các giải A, giải B trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen cấp huyện và cấp tỉnh; Huy chương Vàng trong Liên hoan "Biển hát" tại Đà Nẵng; Huy chương Bạc trong Liên hoan Tiếng hát giáo viên do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Hà Nội; giải Nhì Liên hoan Tiếng hát hay trên sóng Phát thanh Truyền hình Nghệ An. Ngoài ra chị còn tham gia cùng đoàn thanh niên xã nhà trong chương trình "Thanh niên với an toàn giao thông" do Huyện đoàn tổ chức; chương trình "Tiếng hát đồng quê" của Hội Nông dân tổ chức và hội thi "Chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình" do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức…
Thành công lớn nhất mà chị đạt được là vào tháng 4 năm 2010, con trai chị, em Nguyễn Quốc Bảo, 6 tuổi, đã đạt giải Đặc biệt về hát dân ca trong cuộc thi Đưa dân ca vào trường học do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức và cũng chính trong cuộc thi này chị đã đạt giải "Người đặt lời dân ca hay nhất cho thiếu nhi". Năm 2012, chị lại tiếp tục đào tạo cho Nguyễn Quốc Bảo đạt giải Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất trong Liên hoan Dân ca xứ Nghệ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.
Tuy còn trẻ tuổi nhưng chị thực sự xứng đáng với danh hiệu "Nghệ nhân dân gian Lê Thị Bích Thủy" mà Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng năm 2013. Chị tâm sự: "Dân ca đã thấm sâu trong tâm hồn, trái tim tôi và sẽ là mạch nguồn chảy mãi để tôi truyền nhiệt huyết của mình cho thế hệ học trò và quê hương Kim Liên, Nam Đàn nói riêng, xứ Nghệ nói chung”.
Thu Hương