Tháo gỡ vốn vay cho kinh tế trang trại

17/02/2014 14:47

(Baonghean) - Thời gian qua, kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn tỉnh ta đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hoá mũi nhọn, tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, để KTTT phát triển bền vững còn những nút thắt chưa được tháo gỡ.

Nở rộ kinh tế trang trại...

Sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng anh Hoàng Văn Sơn (ở xã Yên Sơn) quay về quê hương lập nghiệp. Vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi , qua hơn 10 năm xây dựng, trang trại lợn của anh Hoàng Văn Sơn ở xã Yên Sơn được xếp vào hạng lớn nhất nhì của huyện Đô Lương. Hiện anh Sơn đang sở hữu 2 ha ao nuôi các loại cá truyền thống và 100 con lợn nái, trung bình mỗi năm xuất 3 lứa lợn khoảng 600 con; sau khi trừ đi các khoản chi phí anh còn lợi nhuận từ 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra trang trại của anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, anh Sơn đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố chia làm 3 khu vực riêng biệt: khu nuôi heo nái sinh sản, khu nuôi heo con sau khi tách mẹ và khu nuôi heo thịt... huyện Đô Lương là địa phương có số lượng trang trại tăng nhanh của tỉnh, hiện có trên 300 mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại, trong đó có 85 trang trại đạt theo tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT (theo thông tư 27/2011/TT- BNNPTNT); đã có 25 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi làm ăn có hiệu quả, khai thác được nguồn nhân lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu...

Mô hình chăn nuôi có hiệu quả của CCB Nguyễn Bá Đại ở xóm 9, xã Hồng Sơn, Đô Lương.  Ảnh: doãn hòa
Mô hình chăn nuôi có hiệu quả của CCB Nguyễn Bá Đại ở xóm 9, xã Hồng Sơn, Đô Lương. Ảnh: doãn hòa

Còn tại Hưng Nguyên tính đến cuối năm 2013 toàn huyện có 310 trang trại, tổng diện tích đất của các trang trại là hơn 400 ha, bình quân 1,3 ha/trang trại với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước hơn 130 tỷ đồng. Trong đó có 16 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 27. Hiện trên địa bàn huyện, loại hình trang trại chiếm tỷ lệ lớn nhất là trang trại tổng hợp có hơn 200 trang trại, với quy mô diện tích 0,5 – 2 ha (chủ yếu chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi trồng thủy sản). Loại hình chăn nuôi vịt - kết hợp nuôi cá toàn huyện có 20 trang trại, quy mô từ 0,3 - 1 ha, số lượng vịt đẻ 500 - 1.000 con/trang trại; lợi nhuận thu về từ 100 - 150 triệu đồng/trang trại/năm, thấp thua không nhiều so với loại hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá, tuy nhiên có tính ổn định cao hơn, đa số các gia trại đều chủ động được nguồn kinh phí mua thức ăn cho vịt, nhờ bán trứng hằng ngày. Loại hình thuỷ sản chuyên canh có 60 trang trại, chủ yếu nuôi cá truyền thống với quy mô từ 1- đến 3 ha; doanh thu trung bình từ 100- 300 triệu đồng/năm/trang trại...

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.300 trang trại, bình quân thu nhập từ 150- 200 triệu đồng/trang trại/năm. Có thể nói, từ KTTT nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những mô hình mới với cách quản lý khoa học, đưa các tiến bộ trong lai tạo giống, vật nuôi có hiệu quả cao vào sản xuất. Thông qua những mô hình này người nông dân đã học tập, tiếp cận, học hỏi cách làm hay, từng bước nhân rộng, làm thay đổi trong đời sống kinh tế của gia đình và diện mạo nông thôn. Việc phát triển KTTT cũng đã khai thác và tận dụng tốt vùng đất đồi trọc, bãi bồi ven sông, mặt nước ao đầm, biển, tạo ra sản phẩm hàng hoá nông - lâm - thuỷ sản đáng kể. Kinh tế trang trại đã mở ra hướng làm ăn mới, hình thành đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm. Ngày càng nhiều điển hình trang trại sản xuất, kinh doanh giỏi...

Còn đó những khó khăn

Từ những năm 2000, Nghị quyết 03 của Chính phủ đã xác định hai điểm hạn chế đang kìm hãm sự phát triển kinh tế trang trại đó là vốn và đất sản xuất. Đến nay, trải qua 13 năm, cả hai "nút thắt" về đất sản xuất và tín dụng đều chưa thể tháo gỡ.

Gần 2 năm qua, giá lợn thịt luôn rớt nên người chăn nuôi khó phát triển, mở rộng quy mô. Một câu chuyện không bao giờ mới nhưng vẫn luôn đậm tính thời sự mỗi khi chúng tôi tiếp xúc với người chăn nuôi, đó là giá thức ăn chăn nuôi càng ngày càng cao, trong khi giá đầu ra của sản phẩm cứ xuống thấp? Không chỉ bí đầu ra sản phẩm, người chăn nuôi còn khó vay. Với doanh thu khoảng 800 triệu đồng mỗi năm, chủ trang trại Hoàng Văn Sơn tự nhận mình là khách hàng chung thủy với Ngân hàng NN-PTNT trong nhiều năm qua. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để người chăn nuôi có được nguồn vốn khá hơn nhằm mạnh dạn đầu tư.

Anh Sơn chỉ ra những bất cập trong việc tiếp cận đồng vốn ở ngân hàng mà theo anh đáng ra không nên có sự cứng nhắc trong các điều kiện vay: " Tiềm lực của người dân chỉ có đất và nhà ở, một ít đất làm chuồng trại và một ít vốn để xây dựng chuồng trại. Còn lại vốn đầu tư cho con giống, thức ăn thì nhất thiết phải trông chờ vào ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế việc định giá tài sản thế chấp của ngân hàng đối với tài sản của người chăn nuôi là quá thấp, suất cho vay cũng chỉ ở mức 50 - 75% trong tổng giá trị được định giá đó. Ngoài ra, người chăn nuôi không được thế chấp tài sản lưu động, trong khi đây mới là tài sản lớn của người chăn nuôi ".

Đồng quan điểm với anh Sơn, nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở Hưng Nguyên cũng cho rằng, việc định giá tài sản thế chấp hiện nay của ngân hàng là còn thấp và nhiều bất cập. Chính vì điều này, người chăn nuôi luôn rơi vào tình trạng "đói vốn" để duy trì sản xuất. Chủ trang trại tổng hợp, ông Nguyễn Văn Cường ở xóm 1, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) dẫn chứng: "Như trang trại của gia đình tôi, để nuôi 10 con lợn nái, riêng tiền giống đã mất 150 triệu đồng. Và để đáp ứng cho một chu kỳ sinh sản của 10 con lợn nái đến khi xuất chuồng lứa lợn thịt đầu tiên đòi hỏi phải có hơn 300 triệu đồng vì trung bình 1 đầu lợn hết gần 3 triệu tiền cám. Trong khi ngân hàng đến thẩm định tài sản cố định chỉ có thể cho gia đình tôi vay trong khoảng 50 - 70 triệu đồng.

Không riêng gì gia đình tôi, đây cũng chính là vấn đề người chăn nuôi gặp khó khi lợn đến kỳ ăn mạnh. Theo tôi, nếu hộ chăn nuôi đảm bảo điều kiện về chuồng trại và đầu tư nuôi trên 10 con lợn nái ngoại thì phía ngân hàng cần cho vay với mức 200 triệu đồng mới là hợp lý. Còn nếu chỉ căn cứ vào định giá tài sản cố định người chăn nuôi luôn rơi vào tình trạng đói vốn. Do không chủ động được nguồn vốn, đã xảy ra nhiều trang trại "đứt vốn" giữa chừng phải vay nóng, nợ cám của các công ty cung ứng”. Nhắc đến lãi suất của việc nợ cám thì ông Cường lắc đầu chán nản: "Ít nhất phải mất 5 - 7% giá trị bao cám thì công ty cung ứng mới chịu xuất kho. Tính ra mỗi con lợn sẽ mất thêm 180.000- 200.000 đồng, bán lứa lợn 100 con, người chăn nuôi đã mất đứt gần 20 triệu đồng, thử hỏi còn lãi lời gì nữa?"

Chính sách nhất quán của Nhà nước trong việc phát huy kinh tế tự chủ là tạo điều kiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định nhưng trên thực tế hiện nay lộ trình còn chậm. Đất trang trại chủ yếu được thuê mướn, đất giao khoán, đấu thầu từ nguồn quỹ đất 5% của các địa phương (nhận thầu qua cấp xã, thời hạn sử dụng không quá 5 năm phải gia hạn 1 lần). Vì không được giao và thuê đất dài hạn, trong lúc đó vốn đầu tư vào trang trại lớn, tính rủi ro cao nên người dân chưa yên tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng quy mô trang trại để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, những "ràng buộc " về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại đang là vấn đề bức xúc, khó giải quyết của nhiều trang trại. Theo Thông tư 27/2011/TT- BNNPTNT, ít nhất phải cho thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng trở lên, các mô hình kinh tế tổng hợp mới được cấp giấy chứng nhận trang trại… Quy định này dẫn tới một thực tế là nhiều mô hình có thể cho thu nhập tiền tỉ sau một chu kỳ sản xuất vài 3 năm, tính ra mỗi mô hình thừa tiêu chuẩn để được gọi là trang trại, nhưng người sản xuất phải đứng ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quyền lợi mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Để kinh tế trang trại phát triển, các ngành chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn trên; đồng thời có biện pháp tổng thể quy hoạch sản xuất, xác định rõ vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến; xác định từng loại cây trồng trên từng loại đất, gắn với đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất. Tăng cường nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao các tiến bộ KHKT và cập nhật thông tin thị trường giúp nông dân…

Ngọc Anh