Kiểm dịch gia cầm tại các chợ: Chưa triệt để!

06/03/2014 10:32

(Baonghean) - Trong điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có lò giết mổ gia cầm tập trung như hiện nay, thì vấn đề kiểm dịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, do nhiều lý do, việc làm cần thiết này vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Ngồi bán gà trước chợ cầu Kênh Bắc, chị Nguyễn Thị Nga (xóm 6, xã Nghi Trường- Nghi Lộc) cho biết, trong vườn nhà chị thường xuyên có vài ba chục con gà, những lúc cần tiền chị lại đưa vào Vinh bán vì được giá hơn, thường là 120 nghìn đồng/kg, trong khi nếu đem bán gần nhà chỉ được 100 nghìn đồng/kg. Có lần chị cũng đã được Ban quản lý chợ nhắc nhở đưa vào bán trong chợ nhưng chị vẫn cố bán ngoài này vì khách qua đường đông và dễ bán hơn. 'Khách người ta vẫn thích gà quê chú ạ, chẳng có ai đến kiểm tra gà có khỏe mạnh không mô, có vài con, việc chi phải kiểm tra"- chị Nga cho biết.

Giết mổ gia cầm tại chợ cầu Kênh Bắc (TP Vinh).
Giết mổ gia cầm tại chợ cầu Kênh Bắc (TP Vinh).

Chị Nguyễn Thị Nga chỉ là một trong nhiều hộ bán gia cầm ở các chợ mà người tiêu dùng không thể biết được nguồn gốc của gia cầm từ đâu đến, liệu có dịch không, có nguy cơ lây lan dịch không. Đó cũng là thực trạng chung ở hầu hết các chợ hiện nay, không chỉ ở Thành phố Vinh là nơi tập trung số chợ và lượng gia cầm lớn. Ông Nguyễn Tiến Đức (Trạm trưởng Trạm Thú y Vinh) cho biết: "Trên địa bàn thành phố có 12 chợ, chưa kể nhiều điểm bán lẻ gia cầm và sản phẩm gia cầm nằm ở rất nhiều tuyến đường, ngõ nhỏ, trong khi đó, tất cả đang là giết mổ nhỏ lẻ chứ chưa hề có một lò giết mổ gia cầm tập trung nào. Bởi vậy, chúng tôi xác định kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng gia cầm tại các chợ là biện pháp quan trọng và rất cần thiết. Đây là hoạt động thường xuyên trong năm, nhưng vào những đợt cao điểm về dịch như thế này sẽ được đẩy mạnh hơn". Tại các chợ như chợ Quang Trung, chợ cầu Kênh Bắc, chợ Quán Lau…,

người buôn bán gia cầm đều cho biết, việc này được thực hiện thường xuyên. "Mỗi ngày, một hộ buôn bán nộp 10 nghìn đồng để cán bộ thú y đến kiểm tra, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Bình thường mỗi ngày kiểm tra lâm sàng gà và phun thuốc một lần, nhưng đợt này gà được kiểm tra mỗi ngày hai lần - sáng và chiều"- ông Thái Duy Lịch, buôn bán gà tại chợ Kênh Bắc cho biết. Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, rất khó kiểm soát được triệt để vấn đề này, nhất là khi chính quyền cơ sở các địa phương chưa thực sự vào cuộc.

Theo ông Đặng Duy Hương (Chủ nhiệm HTX Kênh Bắc), chợ có 4 hộ chuyên kinh doanh gà, ngoài ra người dân đem đến bán rải rác ngoài đường, cổng chợ rất nhiều. Thế nhưng đến nay, ông chưa nhận được một ý kiến hay văn bản chỉ đạo, phối hợp từ chính quyền địa phương hay ngành Thú y trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát nguồn gia cầm đưa vào chợ bán. Ngay cả vấn đề khử trùng tiêu độc của cán bộ thú y sau mỗi buổi chợ, ông Hương cũng thừa nhận là không biết, không chứng kiến, ngoài việc ký xác nhận cho cán bộ thú y là đã phun. "Tôi thừa nhận là chúng tôi cũng thiếu trách nhiệm, nhưng ngành Thú y không hề có sự phối hợp. Kể cả đợt dịch này, chúng tôi cũng chỉ biết qua các phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo quy định của Pháp lệnh Thú y, ngoài trách nhiệm của lực lượng cán bộ thú y là đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng, quản lý tổng đàn..., thì tại Điểm 5, Mục 10 đã quy định rất rõ về trách nhiệm khai báo, giám sát… dịch bệnh của chính quyền địa phương. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Tiến Đức, dù UBND Thành phố Vinh đã có đầy đủ các công văn, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các xã, phường trong phòng, chống dịch cúm gia cầm, nhưng thực tế, việc phối hợp thực hiện, vào cuộc của các địa phương chưa cao. Với 13 cán bộ kiểm dịch, để có thể kiểm soát hết nguồn gia cầm tại 12 chợ trên địa bàn toàn thành phố là điều rất khó. Bởi vậy, Trạm Thú y thành phố mới kiểm tra lâm sàng đàn gia cầm đối với những người buôn bán gà, vịt chuyên nghiệp, còn hộ buôn bán nhỏ lẻ chưa làm được.

Với địa bàn Thành phố Vinh, có hai nguồn cung cấp gia cầm và sản phẩm gia cầm. Lượng sản phẩm gia cầm đông lạnh vào các chợ, nhà hàng, siêu thị khoảng 1.500 kg/ngày, nguồn hàng này chủ yếu là nhập khẩu, có xác nhận cho phép nhập khẩu của Cục Thú y, xuất từ tỉnh nào thì tỉnh đó cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Khó khăn và nhức nhối nhất hiện nay là nguồn gia cầm sống và gia cầm giết mổ nhỏ lẻ từ các huyện trong tỉnh và một số tỉnh ngoài như Hà Tĩnh đưa vào với lượng khoảng 600 -700 kg/ngày, việc giết mổ không theo quy trình nào. Quan sát tại các khu chợ, hầu hết khu giết mổ, mua bán gia cầm sống nằm lẫn trong chợ rất mất vệ sinh, người mua vẫn có thói quen chọn gà ngay trong lồng và giết thịt luôn ở đó. Việc có thể kiểm soát nguồn bệnh ở đây là điều rất khó.

Hiện nay, Chi cục Thú y và các Trạm Thú y huyện, thành đều đã thành lập các đoàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương nói chung và tại các khu chợ nói riêng. Với điều kiện chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ như hiện nay, trên thị trường vẫn còn tồn tại rất nhiều chuỗi cung ứng gia cầm và sản phẩm gia cầm, trong đó hoặc người dân tự nuôi tự bán, hoặc thu gom lại đem bán. Chăn nuôi nhỏ lẻ nên giết mổ cũng nhỏ lẻ, toàn tỉnh mới chỉ có 31 lò giết mổ gia súc. Mới đây, UBND Thành phố Vinh có quyết định cho phép một lò giết mổ gia súc ở chợ Cọi (Hưng Lộc) chuyển sang giết mổ gia cầm nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được vì chưa được bàn giao.

Trong điều kiện đó, với lực lượng cán bộ thú y mỏng, nếu không có sự phối hợp, vào cuộc thực sự của chính quyền địa phương thì tình trạng gia cầm được mua bán, giết mổ trôi nổi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Phó Chi cục Thú y tỉnh - ông Ngô Đức Quỳnh cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ làm nghề giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Trong khi vấn đề kiểm tra tận gốc còn hạn chế, chỉ có thể thực hiện đối với số gia súc đưa vào lò giết mổ tập trung và kiểm dịch trên các tuyến đường đối với lượng gia cầm vận chuyển từ 1.500 con trở lên, thì việc kiểm tra gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ là biện pháp rất quan trọng.

Hiện nay, vi rút cúm A/H7N9 đã xuất hiện ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp biên giới với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, là loại vi rút lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao; thường được phát hiện tại những nơi tập trung gia cầm bao gồm cả chợ buôn bán gia cầm sống có phương thức quản lý kém (không kiểm soát được nguồn gốc gia cầm, vệ sinh kém, lưu giữ gia cầm liên tục, không có hoặc có ít ngày đóng cửa chợ để vệ sinh, tiêu độc khử trùng).

Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm… qua biên giới vào trong nước vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam và tỉnh Nghệ An trong thời gian tới là rất cao. Do đó, việc kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các chợ tiêu thụ gia cầm trong toàn tỉnh là rất quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các địa phương, ban, ngành liên quan.

Để có thể phòng, chống hiệu quả dịch cúm gia cầm, tại các chợ, cần phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm; lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc (nơi bán, nơi tiêu thụ gia cầm); người buôn bán, vận chuyển và người mua gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay, ủng khi tiếp xúc với gia cầm.

Bài, ảnh: Phú Hương