Chuẩn bị cho mùa tôm mới

12/03/2014 20:34

(Baonghean) - Mặc dù thời tiết không thuận, mưa và rét nhưng những ngày này, người nuôi tôm ở Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai đang tập trung nạo vét vệ sinh ao đầm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho nuôi tôm vụ 1/2014. Vụ 1 cũng là vụ chính trong năm nên người nuôi tôm thâm canh ở hai địa phương này rất chú trọng đầu tư với kỳ vọng có một vụ tôm cho thu hoạch như mong đợi.

Chúng tôi về xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), mặc dù thời tiết mưa và lạnh, nhưng tại các đầm tôm của xã, bà con khẩn trương tu sửa ao đầm, nạo vét, xây bờ, trải bạt ở đáy ao, xử lý vệ sinh để chuẩn bị lấy nước vào ao nuôi. Đang nạo vét lại đầm tôm nhà mình, ông Trần Văn Thường ở xóm 14, xã Quỳnh Thanh, cho hay: “Vụ 1/2014, gia đình tôi sẽ thả nuôi 4 ha tôm thẻ chân trắng. Để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho ao nuôi, nhà tôi dự kiến đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo ao đầm, rải vôi, lân, trải bạt đáy, bổ sung các thiết bị máy móc… Nếu nguồn nước đủ độ mặn, đến ngày 20/3 sẽ tiến hành lấy nước vào ao để xử lý, sau 10 – 15 ngày mới thả giống. Với diện tích nuôi 4 ha tôm, chúng tôi sẽ thả 3 triệu con giống, riêng tiền mua giống hết khoảng 300 triệu đồng. Nếu vụ này trời cho thuận lợi, nuôi thành công thì có tổng sản lượng thu hoạch khoảng 40 - 50 tấn, bán được giá 120.000 đồng/kg sẽ có lãi ròng khoảng hơn 2 tỷ đồng, nhưng cũng còn nhờ trời”.

Gia đình ông Phan Quế, xã Quỳnh Thanh thu hoạch tôm vụ 3 để chuẩn bị thả nuôi vụ mới.
Gia đình ông Phan Quế, xã Quỳnh Thanh thu hoạch tôm vụ 3 để chuẩn bị thả nuôi vụ mới.

Ông Thường cũng là người đầu tiên đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trên đồng đất Quỳnh Thanh. Ông còn ra Mai Hùng (Hoàng Mai) thuê đất để nuôi tôm, song 3 năm nuôi đều gặp hạn hán, mất mùa, ông trả đất trở về Quỳnh Thanh mua góp đất của bà con, dồn thửa làm hồ nuôi cá – lúa. Đến năm 2008, ông quyết định ủi đất, múc ao để nuôi 4.000m2 tôm thẻ chân trắng. Ngay năm đầu tiên nuôi thành công cho thu hoạch hơn 3 tấn/vụ. Từ đó, hàng năm gia đình ông đều mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, đến nay đã có 4 ha tôm. Năm 2013, ông thu hoạch 30 tấn tôm, bán được trên 3 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí, còn lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Năm 2014 này, gia đình ông cũng kỳ vọng sẽ thắng lợi như năm ngoái. Với kinh nghiệm của một người nuôi tôm lâu năm, ông Thường cho rằng, để đảm bảo nuôi tôm thành công, yếu tố quan trọng đầu tiên là con giống phải đảm bảo khỏe mạnh, khí hậu, môi trường nuôi ổn định. Ngoài ra, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, đón biết sớm thời tiết thay đổi, môi trường biến động để có biện pháp xử lý kịp thời sẽ hạn chế được rủi ro…

Toàn xã Quỳnh Thanh có khoảng 120 hộ nuôi tôm thâm canh, với tổng diện tích 78 ha. So với các địa phương khác trong huyện về nuôi tôm, Quỳnh Thanh là đơn vị đi sau nên vẫn còn những hạn chế trong nuôi tôm thâm canh. Trước đây bà con chỉ nuôi thả tự nhiên nhờ vào sự may mắn trời cho được, mất. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, người dân Quỳnh Thanh nuôi tôm thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cho hiệu quả khá cao, năm 2013 toàn xã đạt sản lượng thu hoạch khoảng 500 tấn, giá trị 60 tỷ đồng. Nhờ phát triển nghề nuôi tôm, đời sống nhân dân nơi đây được nâng lên rõ rệt, con cái được học hành đầy đủ. Hiện nay nhiều hộ dân trong xã muốn đầu tư nuôi tôm nhưng tại địa phương không còn diện tích đất.

Bà con Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai cũng đang tích cực cải tạo ao đầm, diệt trừ mầm bệnh để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Quỳnh Xuân có 84 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, với 101 hộ nuôi. Gia đình ông Vũ Văn Từ ở khối 3, phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) đang gom vốn để đầu tư nuôi 2 ha tôm. Ông Từ cho biết: Bước vào vụ nuôi năm nay nhiều gia đình gặp khó khăn do năm ngoái bị lũ cuốn trôi sạch, mất cả vốn lẫn thiết bị phục vụ chăn nuôi, nay phải đầu tư lại rất tốn kém, trong khi nguồn vốn eo hẹp, đó là cái khó nhất cho người chăn nuôi. Dù vậy, bà con vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm cách vay mượn vốn để tiếp tục sản xuất, hy vọng cứu lại vốn cho năm trước. Song bà con cũng rất lo lắng vì những năm gần đây môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, thiên tai bất ngờ làm mất mát nhiều tài sản và vốn liếng của người dân.

Thị xã Hoàng Mai hiện có 485 ha nuôi tôm tập trung ở các phường, xã: Mai Hùng, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc và Quỳnh Lập. Bước vào vụ nuôi năm nay, tâm lý nhân dân băn khoăn nhiều bởi những năm gần đây dịch bệnh ở tôm nuôi xuất hiện nhiều trong khi chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Thêm vào đó, năm ngoái diện tích nuôi tôm ở TX. Hoàng Mai đa số bị lũ cuốn trôi, không có thu hoạch nên năm nay rất thiếu vốn đầu tư. Về con giống cũng nhiều lo lắng, giống tôm thẻ chân trắng mật độ nuôi dày, vào vụ thả đại trà đòi hỏi có số lượng giống lớn nhưng năng lực cung ứng giống của các trại giống trên địa bàn chưa đáp ứng đủ, trên thực tế không ít hộ nuôi phải tự mua giống từ các tỉnh phía nam về ương, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro về chất lượng con giống nhưng vẫn phải chấp nhận may, rủi.

Huyện Quỳnh Lưu hiện còn khoảng 450 ha tập trung chủ yếu ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, An Hòa, Quỳnh Yên. Là huyện có truyền thống nuôi tôm thâm canh lâu năm, đến nay cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm được người dân đầu tư đồng bộ, đảm bảo chăn nuôi tập trung, hiệu quả. Năm 2013, mặc dù bị thiệt hại do bão số 10, nhưng tổng sản lượng nuôi tôm 2 vụ đạt gần 2.000 tấn. Chuẩn bị sản xuất vụ 1/2014, Quỳnh Lưu sẽ tận dụng tối đa diện tích nuôi tôm trên 450 ha với 100% giống tôm thẻ chân trắng, dự kiến tổng sản lượng thu hoạch vụ 1 khoảng 1.500 tấn. Sở dĩ những năm gần đây người nuôi tôm chuyển sang nuôi tôm thẻ vì ưu điểm của loài giống này thời gian thu hoạch ngắn khoảng 90 ngày, có thể nuôi 50 ngày đã cho thu hoạch được, nếu gặp rủi ro tôm bị bệnh khi còn nhỏ cũng dễ tiêu thụ, hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Hiện nay áp lực về tôm giống chính vụ rất cao, đối với giống tôm thẻ chân trắng, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn mới đáp ứng được 45 – 50%. Các cơ sở này cũng phải lấy giống từ các tỉnh phía nam ra ương gièo, sau đó bán cho người chăn nuôi, hiện vẫn chưa có cơ sở nào đủ điều kiện sản xuất được giống tôm thẻ chân trắng trực tiếp tại chỗ. Chính vì vậy, mỗi lần vào chính vụ thả đại trà, nhu cầu về con giống rất cao, một bộ phận người chăn nuôi phải mua giống ngoài, hoặc trực tiếp vào miền Nam mua đem về ương gièo, rất khó kiểm soát được chất lượng con giống.

Thông tin vui đến với người nuôi tôm, hiện nay tỉnh ta đang thu hút Dự án Xây dựng trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) với quy mô khoảng 1,5 tỷ con giống/năm. Nếu trại giống này đi vào hoạt động sẽ đáp ứng đủ nguồn giống cung cấp cho địa bàn. Dự án do Công ty Việt Úc đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng. Do vậy, huyện Quỳnh Lưu rất mong muốn tỉnh và các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư sớm triển khai dự án sản xuất tôm giống tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về con giống bấy lâu nay của người nuôi tôm và hạn chế được thiệt hại, rủi ro từ một số tôm giống đang phải mua trôi nổi.

Bài, ảnh: Quỳnh Lan