Ước mơ của Và Y Dí

19/02/2014 14:22

(Baonghean) - Lên xã vùng cao biên giới Nhôn Mai (Tương Dương), ghé thăm Trường THCS bán trú, chúng tôi được nghe kể về thành tích của Và Y Dí (học sinh lớp 9). Trong kỳ thi học sinh giỏi huyện Tương Dương mới đây, Dí đạt giải Nhất môn Địa lý và đang tích cực ôn luyện để tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vào đầu tháng 3 này.

Với dáng vẻ thông minh, hoạt bát và lanh lợi, Và Y Dí (SN 1999) trò chuyện khá cởi mở về hoàn cảnh của mình. Dí sinh ra và lớn lên ở bản Huồi Cọ, là con đầu trong một gia đình có 4 chị em. Để nuôi 4 chị em Dí, bố mẹ phải vất vả làm việc, quanh năm mải miết với nương rẫy may chăng mới có đủ cái ăn, cái mặc.

Thương bố, thương mẹ, em gái của Dí là Và Y Xừ đang học lớp 8 phải nghỉ học giữa chừng để về làm nương, làm rẫy giúp đỡ bố mẹ nuôi chị và 2 em ăn học.

Em Và Y Dí bên góc học tập.
Em Và Y Dí bên góc học tập.

Và Y Dí kể nhiều về bản Huồi Cọ - nơi em cất tiếng khóc chào đời. Đó là một bản Mông nằm sát đường biên, quanh năm sương mù bao phủ. Mùa Đông, nhiệt độ thường xuống rất thấp, trời rét buốt như cắt da cắt thịt. Để lên được Huồi Cọ, hiện tại chưa có cách nào khác là cuốc bộ.

Người quen đi bộ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ, người không quen thì mất nhiều thời gian hơn. Từ nhỏ, Y Dí đã có ý thức chăm chỉ học hành, vì cô giáo nói chỉ có cái chữ mới giúp ta thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Có cái chữ rồi, tầm nhìn sẽ vươn xa hơn, không chỉ giới hạn trong bản làng suốt năm mây phủ hay những ngọn núi trùng điệp vây quanh. Lời cô giáo chính là động lực giúp nữ sinh người Mông này miệt mài với từng trang vở. Có những đêm khuya, sương lạnh tràn vào nhà đặc quánh, chân tay tê buốt, một mình Dí vẫn chong đèn say sưa với từng phép Toán, bài Văn. Vì lúc đó em nhớ lại lời cô giáo và liên tưởng đến những chân trời xa, đến bao điều lý thú đang chờ đợi để khám phá.

Lên lớp 6, Và Y Dí về học tại trung tâm xã, đầu năm học bố mẹ phải đến dựng lều cho em trọ học. Cuối tuần, Dí lại cuốc bộ 6 giờ đồng hồ về nhà lấy gạo và một ít thức ăn để hôm sau mang đến trường. Cứ thế, qua 3 năm ròng rã, trên con đường về bản, Y Dí đã thuộc từng con suối, con dốc, thậm chí thuộc từng bụi cây ven đường. Năm học này, nhà trường được thực hiện chế độ bán trú cho học sinh ở xa nên Và Y Dí và các bạn đỡ vất vả hơn nhiều. Theo đó, em được Nhà nước hỗ trợ 420 nghìn đồng/tháng, số tiền này được các thầy, cô tổ chức nấu ăn ngày 2 bữa (trưa và tối). Buổi sáng, có lúc Dí ăn mì tôm, có lúc tự dậy nấu cơm để đến lớp cho chắc cái bụng. Cùng với đó, Dí và các bạn không còn phải ở trong những mái lều xập xệ nữa, mà được Nhà nước xây phòng ở khang trang. Nhờ được hưởng chế độ bán trú nên Và Y Dí cùng các bạn có nhiều thời gian hơn cho việc học tập, vì không còn lo hết gạo, hết thức ăn giữa chừng. Hễ có thời gian rảnh rỗi, em lại lấy sách vở ra học và làm bài.

Trong các môn học, Và Y Dí thích nhất là môn Địa lý. Theo em, môn Địa lý mang lại nhiều điều lý thú, cung cấp hệ thống kiến thức về tự nhiên - xã hội trong nước cũng như thế giới. Ở Huồi Cọ, không mấy người biết được những điều này. Niềm đam mê và năng lực của em được thầy giáo bộ môn phát hiện và quan tâm bồi dưỡng. Không phụ niềm tin của các thầy cô, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện vừa rồi, Và Y Dí đã nỗ lực và đạt giải Nhất. Việc này đã gây được sự chú ý của lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Tương Dương. Vì ở vùng xa xôi hẻo lánh như Nhôn Mai, nơi đường bộ chưa thông, nơi chưa có chợ, điện lưới và sóng điện thoại lại có học sinh đạt giải Nhất toàn huyện môn Địa lý quả là một kỳ tích. Xin được nói thêm, cùng với Và Y Dí, Trường THCS bán trú Nhôn Mai còn có 4 nữ sinh khác đậu học sinh giỏi huyện là Và Y May (A- môn Địa Lý), Và Y Dìa (môn Địa lý), Vi Thị Mùi (giải Nhì môn Ngữ văn, được chọn dự thi cấp tỉnh), Và Y May (B- môn Giáo dục công dân).

Và Y Dí cho biết, trước đây người Mông quan niệm con gái là phải chăm lo việc nhà như cơm nước, nương rẫy, đến tuổi thiếu nữ thì lấy chồng nên không phải học nhiều, thậm chí không cần học. Giờ đây, quan niệm ấy đang dần được thay đổi, các bậc phụ huynh đã cho con gái theo học lên cao. Y Dí nhận thấy đây chính là cơ hội để khẳng định bản thân và khẳng định con gái Mông không chỉ giỏi việc nhà, việc nương rẫy mà còn học giỏi, làm được nhiều việc trong xã hội. Thành tích của Y Dí và các bạn kể trên là một minh chứng thuyết phục.

Hỏi về những dự định, ước mơ của mình, Và Y Dí chia sẻ: “Trước mắt, em tập trung ôn tập để đạt được kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sắp tới. Sau này, em mơ ước được học tiếp lên cao, vào trường sư phạm để trở thành cô giáo dạy môn Địa lý và đem cái chữ trở về góp phần giúp đồng bào quê hương xóa đói, giảm nghèo”. Nhìn vẻ mặt thông minh và chăm chỉ của Y Dí, chúng tôi tin tưởng những dự định và ước mơ của em sẽ thành hiện thực.

Tường Anh