Không nên ăn gia cầm không rõ nguồn gốc

26/02/2014 17:05

Theo Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguy cơ dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau Tết nguyên đán Giáp Ngọ, gia tăng từ 4 đến 7 ổ dịch mỗi ngày. Đến thời điểm này, dịch cúm đã tái phát tại 21 tỉnh, thành phố trên cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cục Thú Y cảnh báo, nguy cơ cao dịch cúm có thể lây lan rộng tại các chợ đầu mối buôn bán gia cầm sống. Kết quả xét nghiệm lưu hành vi rút cúm A (H5N1) cho thấy, có 6% đàn thủy cầm dương tính với vi rút, đặc biệt là tại các chợ tỷ lệ này đặc biệt cao trên 60%. Hiện, các Ban quản lý chợ đầu mối gia cầm đang tăng cường quản lý chặt chẽ gia cầm ra vào chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín, TP Hà Nội
Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín, TP Hà Nội

Ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) cho biết: Đã cấp phát khoảng 2 tấn thuốc sát trùng cho các hộ kinh doanh, tiến hành phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần: Trước kia, trong Tết Nguyên đán, chúng tôi trực những ngày cao điểm là 2 cán bộ/ca, hiện Ban quản lý chợ đã tăng cường thêm 2 đồng chí, tức là 4 người/ca. Cùng với các lực lượng liên ngành kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia cầm, thủy cầm ra vào chợ phải có nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch và các thủ tục cần thiết nếu không có thì kiên quyết không cho vào buôn bán trong chợ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú Y cho biết: Kết quả giám sát ngẫu nhiên 60 chợ bán gia cầm sống tại 9 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc vẫn chưa phát hiện vi rút H7N9, nhưng sự lưu hành của vi rút H5N1 là gần 80%. Ông Văn Đăng Kỳ cảnh báo nếu người dân sử dụng hoặc tiếp xúc với gia cầm sống mà không có bảo hộ dễ lây nhiễm bệnh. Bởi thực tế những người nhiễm cúm gia cầm H5N1 mà chúng tôi theo dõi được là ăn gia cầm mắc bệnh chết, hoặc không có nguồn gốc xuất xứ, nguy hiểm nhất là ăn tiết canh vịt. Cùng với đó, kết quả kiểm tra 100 chợ thì có 61 chợ là phát hiện vi rút, kiểm tra 100 con gia cầm đã có 6,1% con gia cầm nhiễm bệnh, nếu không may chúng ta ăn phải những gia cầm mắc bệnh hoặc tiết canh của gia cầm có sẵn vi rút thì nguy cơ bị mắc là rất cao. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và mua gia cầm phải có dấu của cơ quan kiểm dịch thú y.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi rút cúm A (H7N9) có độc lực cao nên dễ gây tử vong đối với người mắc bệnh. Tại Trung Quốc, dịch cúm H7N9 tiếp tục diễn biến phức tạp, có 365 trường hợp mắc bệnh và 116 trường hợp tử vong. Trước tình hình trên, hiện Bộ Y tế tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương giám sát chặt chẽ sức khỏe người dân ở các vùng có dịch cúm gia cầm, nhất là tại các khu vực biên giới giáp với Trung Quốc.

Ông Vũ Ngọc Long, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp để giám sát chặt chẽ dịch cúm trên cả người và gia cầm để phát hiện những ca nhiễm sớm nhất cũng như sự lưu hành của vi rút trên đàn gia cầm. Bộ Y tế cũng tăng cường xét nghiệm những ca viêm phổi nặng tại các bệnh viện, kể cả những ca mắc cúm ở những ổ dịch trọng điểm chúng tôi cũng tăng cường lấy mẫu để phát hiện sớm những ca nhiễm H7N9.

Theo QĐND